Ngày 27-1 năm nay, tròn 50 năm ký Hiệp định Paris (1973). Hội nghị Paris là cuộc đàm phán căng thẳng để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ 20 giữa đế quốc Mỹ xâm lược, chính quyền tay sai với nhân dân Việt Nam. Đây còn là cuộc đối đầu giữa nền ngoại giao của nhà nước cách mạng non trẻ với nền ngoại giao nhà nghề của siêu cường. Hội nghị là minh chứng về bản lĩnh, phong cách ngoại giao Việt Nam-ngoại giao Hồ Chí Minh với phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến".
|
|
Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973. Ảnh: Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng |
Bác Hồ kính yêu từng dạy: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Cái chiêng có to, tiếng mới lớn”. Kết quả Hội nghị Paris bắt nguồn từ chiến thắng của ta trên chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ. Đó còn là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sự kết hợp giữa đánh và đàm; sự ủng hộ của nhân dân, bạn bè quốc tế.
Trong thế giới đầy biến động, những bài học từ Hội nghị Paris càng trở nên vô giá. Đó là bài học về tầm quan trọng của thực lực; kế thừa, phát triển trường phái ngoại giao Việt Nam...
Hiện nay, Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trương xây dựng trường phái đối ngoại, ngoại giao "cây tre Việt Nam" dựa trên bản sắc ngoại giao dân tộc và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Ngoại giao "cây tre Việt Nam" vững vàng nhờ gốc vững, thân chắc, cành lá uyển chuyển.
Cùng với kiên định đường lối ngoại giao, chúng ta phải quan tâm xây dựng tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh... vững mạnh; đồng thời, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế-xã hội. Chính trị ổn định, kinh tế-xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, cùng với chính sách ngoại giao kiên định, linh hoạt, mềm dẻo sẽ làm cho “cái chiêng” không ngừng lớn mạnh, vì thế “tiếng chiêng” sẽ to và vang xa hơn...
NGUYÊN THẮNG