QĐND - Chiều cao trung bình của người Việt Nam hiện đang quá thấp. Trung bình người nữ trưởng thành chỉ cao 1m53; người nam trưởng thành chỉ cao 1m63,7. Như vậy, đàn ông Việt đang thấp hơn mức chuẩn của thế giới tới 13cm; phụ nữ Việt thấp hơn mức chuẩn của thế giới gần 11cm.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2010-2030. Thực hiện đề án này, thời gian qua, các cấp, ngành, các doanh nghiệp đã ráo riết vào cuộc, thực hiện đồng bộ các giải pháp. Nhận thức chung trong xã hội đều thấy rõ tính cấp bách của vấn đề, không thể chấp nhận để tình trạng người Việt Nam lọt “tốp 5” quốc gia “lùn” nhất thế giới, thậm chí hiện đang thấp hơn cả hai nước láng giềng là Lào và Cam-pu-chia. Thế nhưng, chiều cao trung bình của người dân nước ta vẫn tăng lên rất chậm, trong khi điều kiện kinh tế-xã hội của nước ta tăng trưởng không kém các nước trong khu vực?
Theo các nhà khoa học, có 4 yếu tố chủ yếu quyết định đến chiều cao của con người là: Di truyền, dinh dưỡng, chế độ tập luyện nâng cao thể lực và môi trường-xã hội. Trong đó, yếu tố di truyền là điều chúng ta chỉ có thể khắc phục từng bước, vì người Việt Nam vốn dĩ có tầm vóc thấp, nhỏ. Với yếu tố dinh dưỡng, đây là điều hoàn toàn có thể khắc phục, đặc biệt là giai đoạn từ khi sinh ra đến năm 18 tuổi. Vì lẽ đó, Chương trình “Sữa học đường-Vì tầm vóc Việt” đã được phát động rộng rãi trên toàn quốc với sự đồng hành của Tập đoàn TH. Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH bày tỏ: “Các nghiên cứu chỉ ra rằng từ 0 đến 12 tuổi, trẻ phát triển tới 86% thể lực và trí lực nhưng vì nhiều lý do mà các bà mẹ chưa thể chăm sóc dinh dưỡng cho con, trong đó có uống sữa. Ý thức được sự cần thiết của Chương trình Sữa học đường, Tập đoàn TH đã đề xuất các cơ chế hỗ trợ và huy động sự vào cuộc của cộng đồng để triển khai ngay chương trình. Chúng tôi tin rằng các bà mẹ sẽ hiểu cho con uống sữa để không bỏ lỡ cơ hội phát triển của con ở lứa tuổi vàng. Mỗi ngày chậm trễ triển khai Sữa học đường là một ngày cơ hội lớn của các con đang trôi qua”.
Còn với chế độ tập luyện nâng cao thể lực, đây đang là một điểm yếu của những người trẻ Việt Nam. Mặc dù công tác tuyên truyền, cổ động được tổ chức rất rầm rộ, nhưng mỗi buổi sáng, từ nông thôn đến thành thị, những người tập luyện thể dục-thể thao vẫn chủ yếu là những người già. Áp lực học tập, áp lực lập nghiệp đang khiến học sinh, sinh viên và thanh niên Việt Nam buông lơi chế độ tập luyện, nâng cao thể lực và tầm vóc. Riêng yếu tố môi trường-xã hội thì còn rất nhiều vấn đề, môi trường ô nhiễm, xã hội nảy sinh nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống, cuộc sống gia đình ít được chăm lo... Tất cả những yếu tố đó cần được quan tâm, tích cực giải quyết thì vấn đề tầm vóc và thể lực mới đạt được tiến bộ như mong muốn.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển”. Vì lẽ đó, phát triển tầm vóc và thể lực con người, không chỉ là nhiệm vụ của ngành văn hóa-thể thao hay y tế mà phải có sự quan tâm chăm lo của mọi cấp, mọi ngành, của cả hệ thống chính trị. Chỉ có như vậy, tầm vóc của người Việt Nam mới được nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của đất nước.
NGUYỄN PHÚC THIỆN