Lịch sử áo dài có thể bắt đầu từ khi chúa Nguyễn Phúc Khoát ban hành sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong năm 1774. Kiểu áo tứ thân, ngũ thân cho cả phụ nữ và nam giới dần dần được sử dụng phổ biến trong cả nước. Cho đến những năm đầu thế kỷ 20, các họa sĩ như Cát Tường, Lê Phổ… tiếp thu những nét hiện đại của trang phục phương Tây, tiến hành cải tiến chiếc áo tứ thân, ngũ thân thành chiếc áo dài tân thời. Nhưng với một xã hội còn nặng lễ giáo phong kiến của nước ta thời đó, thoạt đầu áo dài không được chấp nhận bởi nó “khoe” ra nét đẹp cơ thể của người phụ nữ - một vấn đề lẽ ra phải “che giấu” theo quan niệm cũ. Những người phụ nữ tiên phong mặc áo dài bị xem là “me Tây” và chịu sự phán xét khắc nghiệt của xã hội. Nhưng cùng với tiến trình cách mạng, phụ nữ Việt Nam giác ngộ về quyền lợi của mình đã đấu tranh cho quyền tự do trang phục, áo dài dần được xã hội chấp nhận. Nhiều nhà văn hóa của thế giới cho rằng, chỉ phụ nữ Á Đông với vóc dáng thon thả, thân hình mềm mại, uyển chuyển, duyên dáng mới phù hợp với áo dài Việt Nam.

Sự tiếp biến văn hóa thành công của áo dài khẳng định cần phải có quan điểm ĐỘNG chứ không phải TĨNH trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhà văn hóa Hữu Ngọc sau khi dày công nghiên cứu vấn đề này đã cho rằng: “Tất cả truyền thống đều là thay đổi”. Bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc thực chất là giữ lại cái cốt, cái tinh túy để biến đổi nó theo hơi thở của cuộc sống chứ không phải bám giữ một cách máy móc vào những giá trị cũ.

Chúng ta đang tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với quyết tâm rất cao, coi đây là cơ hội “đi tắt, đón đầu” để phát triển. Tham gia cuộc cách mạng này đòi hỏi mọi công dân phải đổi mới cả nhận thức và hành động. Điều này chắc chắn cũng sẽ gây ra một “cuộc chiến khốc liệt” về giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc trong mỗi người, mỗi nhà. Nhắc lại “câu chuyện áo dài”, mỗi người sẽ có thêm tự tin và bản lĩnh, quyết tâm tiếp nhận cái mới trong một thế giới chuyển động với tốc độ rất cao.

SONG HỒNG