Phương thức chung được áp dụng là chính quyền, cơ quan đoàn thể ở quê nhà chuẩn bị sẵn các khu cách ly, phối hợp với hội đồng hương tại các địa phương phía Nam lập danh sách, lên phương án đón bà con có nhu cầu trở về quê.

Về phương diện tình cảm, đây là việc làm thể hiện tính nhân văn sâu sắc, rất đáng trân trọng!

Về nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, đây là hình thức giảm tải, giảm áp lực cho TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến hết sức phức tạp.

Nhưng cũng chính vì đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, với các chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, đặc biệt nguy hiểm, nên việc này cần phải đặt lên hàng đầu các yêu cầu về tính khoa học và kỷ luật. Nếu làm theo cảm tính, để xảy ra sơ suất trong quá trình tập trung đưa đón, vận chuyển, bố trí cách ly, bảo đảm hậu cần, tổ chức xét nghiệm, sàng lọc... cho số lượng đông đảo công dân ở các địa phương, thì đây lại là tác nhân làm lây lan dịch bệnh khắp cả nước, hậu quả khôn lường.

leftcenterrightdel
Cán bộ Ban CHQS huyện Châu Đức trao nhu yếu phẩm tặng người dân. Ảnh: Hoàng Thành

Phải lưu ý vấn đề này một cách nghiêm túc, nghiêm ngặt, là bởi, đã và đang có trào lưu cổ xúy, tung hô theo kiểu cảm tính thái quá của đông đảo cộng đồng mạng. Tỉnh này có kế hoạch đón bà con trở về mà tỉnh kia im lặng thì lập tức có dư luận so sánh, chỉ trích, tạo áp lực cho lãnh đạo địa phương ở quê nhà.

Tình cảm không giới hạn, nhưng chống dịch thì phải khoa học!

Lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các địa phương, phía trên trái tim “nóng”, cái đầu cần phải “lạnh”! Cân nhắc, tính toán đủ điều kiện khoa học thì làm, tuyệt đối không cảm tính, làm theo phong trào, đề phòng "kính chẳng bõ phiền", "lợi bất cập hại"...

PHAN TÙNG SƠN