Trước khi NHNN Việt Nam ra tay, mức chênh lệch của giá vàng trong nước so với thế giới lên tới khoảng 20 triệu đồng/lượng. Sự chênh lệch này gây ra nhiều hệ lụy lớn. Thứ nhất, sự mất niềm tin của người dân đối với năng lực quản lý thị trường của cơ quan chức năng. Thứ hai, xuất hiện những hành vi thao túng thị trường vàng. Cùng với đó, sự chênh lệch này tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ thị trường vàng, từ đó tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

leftcenterrightdel
 Giá vàng trong nước giảm nhanh. Ảnh: Hoàng Hà

Hành động của NHNN Việt Nam đã điểm trúng huyệt thị trường vàng, khiến mức chênh lệch so với thế giới từ khoảng 20 triệu đồng/lượng xuống còn khoảng 4 triệu đồng/lượng. Đây có thể được coi là mức hợp lý sau khi cộng các khoản thuế, phí và giá trị thương hiệu SJC đối với vàng nhập khẩu về bán trong nước.

Trong quá khứ, từng có giai đoạn dài, các tài sản có giá trị lớn, như: Bất động sản, ô tô, xe máy... được định giá bằng vàng, gây nên tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế. Hệ lụy của tình trạng này là thiếu hụt ngoại tệ, khiến nguồn cung tín dụng trên thị trường bị suy giảm dẫn đến lãi suất thị trường tiền tệ gia tăng, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời gian vừa qua, khi thị trường vàng biến động mạnh cả trong nước và trên thế giới, nguy cơ "vàng hóa" nền kinh tế quay trở lại. Rất kịp thời, Chính phủ, các cơ quan chức năng đã có những quyết sách và hành động để vàng không tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Việc bình ổn giá vàng trước hết góp phần ổn định nền kinh tế, sau đó lấy lại niềm tin của người dân đối với năng lực điều hành nền kinh tế của Chính phủ; xa hơn nữa là niềm tin vào những quyết sách, hành động của Đảng, Nhà nước trước những biến động tình hình kinh tế-xã hội.

HUY ANH