3 nguyên nhân cơ bản khiến giá vàng tăng mạnh

 Vàng luôn được các nhà đầu tư coi là tài sản “trú ẩn” khi thế giới xảy ra những biến động như căng thẳng địa chính trị, suy thoái kinh tế... Trong bối cảnh hiện tại, có 3 nguyên nhân cơ bản khiến giá vàng liên tục lập những kỷ lục mới.

Thứ nhất, việc tăng cường chính sách phi đô-la hóa ở các nước đang phát triển. Trong nhiều thập niên qua, đồng đô-la Mỹ luôn là tài sản dự trữ của hầu hết nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, các ngân hàng trung ương đang có xu hướng tích trữ vàng thay vì đô-la. Đặc biệt, tiền lệ đóng băng dự trữ vàng và ngoại hối của Nga sau khi bùng nổ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày càng khuyến khích các nước đang phát triển từ bỏ đô-la để chuyển sang các tài sản tài chính khác, trong đó có vàng. Nhu cầu đầu tư vào tài sản “trú ẩn” an toàn đã tăng lên đáng kể khi các ngân hàng trung ương tăng cường dự trữ vàng. Do đó, tính đến cuối năm 2023, các quốc gia sau đã tăng mạnh lượng nắm giữ vàng: Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Qatar, Belarus, Serbia, Cộng hòa Séc, Kyrgyzstan, Bangladesh và Malta. Tính đến tháng 4-2024, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bổ sung lượng vàng nắm giữ trong 18 tháng liên tiếp, đánh dấu đợt mua dài nhất cho đến nay. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới, dự trữ vàng của Trung Quốc đã đạt 2.262 tấn, chiếm 4,6% tổng dự trữ ngoại hối.

leftcenterrightdel

Giá vàng sẽ tiếp tục “nhảy múa”. Ảnh: CNN 

 

Nguyên nhân thứ hai là những lo ngại về tình hình địa chính trị trên toàn cầu. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, xung đột giữa Israel và Hamas, xung đột leo thang giữa lực lượng Houthi ở Yemen và liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Biển Đỏ đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự gia tăng giá vàng. Những rủi ro địa chính trị liên quan đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương ở Nam bán cầu, châu Á, Trung Đông và Đông Âu tăng dự trữ vàng của mình. Ngân hàng trung ương các quốc gia này đã mua khoảng 800 tấn vàng từ tháng 1 đến tháng 9-2023, nhiều hơn 14% so với năm 2022.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hai nguyên nhân trên là tác nhân chính thúc đẩy giá vàng tăng cao trong năm 2024 và tương lai xa hơn.

Nguyên nhân thứ ba khiến giá vàng tăng là nguy cơ suy thoái của các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ và châu Âu. Năm 2023, số doanh nghiệp phá sản tại Mỹ tăng 18% so với năm 2022. Tại châu Âu, con số này lên tới 30%. Riêng tại Đức-nền kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu-số công ty phá sản vào năm 2023 nhiều hơn 25% so với năm 2022. Tại Anh, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan, số công ty phá sản vào năm 2023 đã vượt giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Ngoài 3 nguyên nhân cơ bản trên, thị trường vàng thế giới còn chịu tác động rất lớn bởi chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lãi suất hiện tại ở Mỹ là 5,5%-mức rất cao nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát của Mỹ đang có chiều hướng suy giảm, về gần mức 2%-mức “tiêu chuẩn” để Fed cắt giảm lãi suất. Đô-la giảm giá sẽ tác động đáng kể tới giá vàng theo chiều hướng tăng vì giá vàng trên thế giới vẫn neo theo đồng đô-la.

Bao giờ giá vàng bình ổn?

 Trước những biến động về địa chính trị và kinh tế như hiện tại, không một chuyên gia kinh tế nào có thể dự báo về thời điểm giá vàng thôi “nhảy múa”. 

Năm 2024, dự báo giá vàng tiếp tục xu hướng tăng bởi hoạt động mua tích cực từ các nhà đầu tư tổ chức và ngân hàng trung ương, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Cùng với đó, những yếu tố như: Xung đột địa chính trị, nhu cầu ngày càng tăng về tài sản bảo vệ, giá nhiều hàng hóa đi lên, rủi ro suy giảm kinh tế... khiến giá vàng có thể cán các mức đỉnh lịch sử.

Theo dự báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, các mối đe dọa leo thang ở Trung Đông sẽ đẩy giá dầu lên mức 150USD/thùng, do đó có thể đưa giá vàng vượt xa ngưỡng 2.400USD/ounce.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại cơ quan dự báo kinh tế Mỹ nhận định, giá vàng tăng lên 2.500USD/ounce trong tháng 5 và điều chỉnh xuống mức 2.483USD/ounce vào tháng 6. Tiếp theo, các chuyên gia kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên 2.652USD/ounce vào cuối năm 2024.

Trong trung và dài hạn, nhiều cơ quan phân tích dự báo xu hướng tích cực của vàng sẽ tăng cường ở các tốc độ tăng trưởng khác nhau trong 6 năm tới. Cơ quan dự báo kinh tế Mỹ dự báo, giá vàng sẽ giảm xuống còn 2.557USD/ounce vào tháng 3-2025. Tuy nhiên, đến cuối năm 2025, xu hướng tăng dự kiến sẽ tiếp tục, với giá vàng được kỳ vọng là 2.704USD/ounce. Vào tháng 1-2026, giá vàng sẽ là khoảng 2.632USD/ounce. Vào năm 2027, giá vàng được dự báo dao động trong khoảng từ 2.432USD đến 2.848USD/ounce. Sau đó, giá vàng dự kiến sẽ tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2028, đạt mức 2.921USD/ounce vào tháng 4.

Trong khi đó, theo Coin Price Forecast, giá vàng sẽ tăng lên 2.589USD/ounce vào nửa đầu năm 2025 và đạt 2.769USD/ounce vào cuối năm 2025. Thậm chí, từ năm 2026 đến 2030, giá vàng được kỳ vọng sẽ tăng lên 4.192USD/ounce.

Mức dự báo lên tới hơn 4.000USD/ounce vàng của Coin Price Forecast hoàn toàn có cơ sở khi đặt trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, dự đoán giá dài hạn cho bất kỳ tài sản đầu tư nào đều chỉ mang tính gần đúng và có thể thay đổi do nhiều yếu tố khác nhau. Giá trị của vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố chính trị và kinh tế. Ví như, đồng đô-la tăng trưởng sẽ khiến giá vàng rẻ hơn; ngược lại, đồng tiền suy yếu sẽ làm cho vàng trở nên đắt đỏ hơn. Mặt khác, giá vàng đang chịu ảnh hưởng rất lớn bởi diễn biến các cuộc xung đột. Nếu các cuộc xung đột hạ nhiệt, giá vàng cũng sẽ giảm tương ứng...

Vàng vốn không phải là tài sản sinh lời. Tuy nhiên, vàng lại là tài sản “trú ẩn” đặc biệt ưa thích của giới đầu tư khi xảy ra các biến động về địa chính trị, kinh tế. Vì thế, trong một thế giới liên tục thay đổi như hiện tại, giá vàng sẽ còn tiếp tục “nhảy múa” với chiều hướng tăng là chủ đạo. 

TRẦN LONG