leftcenterrightdel
Người đi lễ bái cúng cầu ngày mỗi đông. Ảnh: tintucvietnam.vn

Ờ thì thời thế thay đổi nên việc thờ tự cũng phải đổi thay. Nhưng đổi thay gì thì cũng không thể bứt hẳn khỏi bản chất, nguyên lý nền tảng của tâm linh tín ngưỡng. Thần Phật cứu độ chúng sinh, khuyên răn con người tu nhân tích đức sống thiện tâm, cứu giúp người khác. Riêng Phật giáo-tôn giáo có số dân ta theo đông nhất-thì luôn răn dạy sự từ bỏ “tham, sân, si” như một đức tính căn bản và trước hết của phật tử. Bây giờ nhìn cảnh tượng những đoàn người chen nhau cúng bái, dâng “mâm cao cỗ đầy” nơi cửa đền, cửa Phật, nhìn những pho tượng bị phủ tiền dưới bệ, ai nấy không khỏi lo lắng về sự chệch hướng, biến chất của đức tin chúng sinh. Thay vì chỉ mang tâm thái an lành thiện tín vào nơi thiêng kính thì người ta đem đến những thói xấu trần tục đổi chác, mặc cả, đút lót, mua chuộc thánh thần thông qua những đồng tiền. Càng cỗ lớn, tiền càng nhiều thì càng lắm lợi lộc, tài danh; phúc-lộc-thọ an khang càng dày. Căn bệnh mê tín dị đoan cùng đua tranh danh lợi, tôn thờ vật chất thực dụng đã đẩy nhiều lễ hội và nơi thờ tự vào cảnh lộn xộn, trở thành môi trường thông tục và vụ lợi.

Người đi lễ bái cúng cầu ngày mỗi đông thì những đền phủ, chùa miếu cũng ngày mỗi to rộng ra và được xây cất thêm nhiều hơn. Nơi nào càng được đồn thổi là thiêng thì càng đông con nhang đệ tử và khách thập phương. Cuộc đua tranh danh và giá từ nơi cúng bái lại lan rộng ra khắp quê, khắp chốn. Những nơi thờ tự đạt kỷ lục này, kỷ lục khác theo nhau mọc lên. Những hình thức, nghi thức hành lễ mới sinh ra, những trình thức từ đền trình, đền ông bà, cha mẹ của các đấng phúc thần anh linh được bày đặt thêm xung quanh địa bàn đền thờ Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Rồi chuyện xây thêm tượng bà ở Thoại Sơn (An Giang), chuyện xây cầu đường lên núi vùng lõi khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) để mong hút thêm khách… Sự thực dụng, vụ lợi đội tên tâm linh tín ngưỡng cứ thế lan ra.

Đã có những phát hiện và ngăn chặn kịp thời; đã có những cách làm kiên trì thuyết phục uốn nắn, chấn chỉnh để lễ hội và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trở lại trật tự, song rõ ràng là chưa đủ. Nhận thức về giá trị đích thực của lễ hội, tín ngưỡng phải được tuyên truyền, giáo dục bài bản và sâu rộng đi cùng với các hoạt động “giải mê”, cầu cúng, lợi dụng thương mại quá đà. Thành công bước đầu trong mùa lễ hội năm nay cần được nhân lên để đời sống văn hóa tâm linh của dân ta trở nên trong lành, thanh khiết.

NGUYỄN MẠNH