(Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)

Gần đây, cộng đồng cư dân mạng internet truyền nhau một bài viết khá độc đáo mang tiêu đề Bức thư viết năm 2070. Đó là một bức thư viễn tưởng kể về cuộc sống năm 2070, khi mà Trái Đất đã trở thành “địa ngục”, môi trường ô nhiễm khắp nơi, con người không còn nước sạch, không khí sạch, tuổi thọ bình quân chỉ 35. Khi đó tác giả bức thư 50 tuổi mà đã thành “già làng”. Người viết trăn trở, hoài niệm: Giá mà đất nước sớm coi bảo vệ môi trường như một “chiến lược quốc gia”, giá mà ngày xưa mỗi người đều có ý thức...?

Coi bảo vệ môi trường là chuyện “quốc gia đại sự” liệu có đề cao quá không, hay đó chỉ là chuyện của năm... 2070? Nghe tôi đặt câu hỏi, một người bạn từng đi du học ở Xin-ga-po lắc đầu: “Không! Đó là chuyện của hôm nay”. Anh kể, ở Xin-ga-po, từ lâu rồi, người ta đã dạy học sinh tiểu học: “Yêu nước là vứt rác đúng nơi quy định”.

Lại thầm nghĩ, lạ cho cách giáo dục xứ người! Sao có thể giáo dục yêu nước một cách giản đơn như thế được? Nhưng ngẫm ra mới thấy có lý. Ông Lý Quang Diệu khi là nguyên thủ Xin-ga-po đã cùng người dân xuống đường nhặt rác ngày chủ nhật, để Xin-ga-po thành quốc đảo xanh, một trong những nơi sạch và đẹp nhất hành tinh. Không đâu xa, ngay ở nước ta, cách đây hơn 500 năm, vua Lê Thánh Tông đã đưa vấn đề bảo vệ môi trường vào Bộ luật Hồng Đức với những chế tài rất nghiêm ngặt. Ví dụ, những đường ngõ trong kinh thành (hương thôn) có ngòi rãnh cho nước chảy, mà các quan chức và quân dân sở tại cậy thế chiếm đất làm hồ ao của mình để cho nước mưa không chảy thoát, tràn ra làm hại thì xử tội biếm (giáng chức).

“Không vứt rác bừa bãi là... yêu nước” thật ra không phải một “định nghĩa” mang đầy đủ nội hàm mà chỉ là câu văn theo phép quy nạp, giống như Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi... Ai đó từng nói: “Tổ quốc trong lòng tay ta”. Yêu nước, bên cạnh những “biểu hiện vĩ mô” như cầm súng bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, còn bao hàm cả những “biểu hiện vi mô” như: Vứt rác đúng nơi quy định, không làm và bán hàng giả... Những biểu hiện đó tưởng như đơn giản mà không giản đơn, dung dị mà không kém phần quan trọng. “Yêu nước là vứt rác đúng nơi quy định”, cũng hoàn toàn không phải là một câu khẩu hiệu nặng tính hô hào nếu ta tham khảo thông tin từ Diễn đàn phát triển đô thị bền vững do Bộ Xây dựng tổ chức cách đây 2 tháng. Hạn chế trong việc xử lý rác thải làm tốn kém ước tính hằng năm khoảng 1,3% GDP của Việt Nam! Như thế, chỉ cần không vứt rác bừa bãi, làm tốt xử lý rác thải, GDP của nước ta sẽ tăng thêm 1,3% mỗi năm, tương đương với hàng chục nghìn tỉ đồng. Không vứt rác bừa bãi cũng là một cách để đất nước thêm giàu mạnh và phát triển bền vững!

NGUYỄN VĂN MINH