Thực ra, việc cán bộ từ chức không phải là điều mới mẻ trên thế giới và ở nước ta. Tại một số quốc gia, nhiều tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng... đã xin từ chức khi năng lực và uy tín thấp. Ở Việt Nam, ngay từ thuở xa xưa đã có khá nhiều người “rũ áo từ quan” được nhân dân rất kính trọng.

leftcenterrightdel

Cán bộ của TP Hà Nội. Ảnh: Gia Huy 

Từ nhiều nhiệm kỳ qua, vấn đề miễn nhiệm, từ chức cũng đã được đặt ra trong nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, được luật hóa trong hệ thống pháp luật Nhà nước. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, số cán bộ xin từ chức khi mắc khuyết điểm, khi thấy không đủ năng lực, uy tín chưa nhiều.

Lý do chủ yếu được các cán bộ đưa ra là “thực hiện nhiệm vụ do tổ chức phân công, khi nào tổ chức yêu cầu thì tôi mới nghỉ”.

Vì vậy, để khuyến khích cán bộ từ chức, rất cần phải siết lại cơ chế kiểm tra, giám sát cán bộ. Với những cán bộ năng lực yếu kém, có nhiều thiếu sót trong thực thi nhiệm vụ mà không chịu từ chức thì cũng phải có chế tài buộc cho nghỉ, thay thế người khác tốt hơn. Như vậy mới tạo sự đột phá trong công việc, mang lại lợi ích cho địa phương, quốc gia, dân tộc.

Rất hoan nghênh “Bộ quy tắc ứng xử” mới của Quảng Nam và mong muốn việc khuyến khích từ chức sẽ phát huy hiệu quả tích cực, được nhân rộng khắp cả nước.

ĐỖ PHÚ THỌ