Nhà vua sai hai họa sĩ cung đình, mỗi người vẽ một bức chân dung của viên quan kia để vua và cả triều đình lựa chọn-chọn lấy một bức đẹp nhất, tặng cho gia đình người quá cố.
Tranh vẽ xong được bày giữa sân triều. Một nửa triều đình bảo bức này đẹp hơn, nửa còn lại “bỏ phiếu” cho bức kia!
Nhà vua bèn cho đưa bà vợ góa của “nhân vật” trong tranh đến. Giữa sân triều, bà chỉ ôm một bức mà... khóc!
Nhà vua bảo: “Thế thì bức đó đẹp hơn!”, rồi tặng nó cho quả phụ.
Hóa ra, cái đẹp từ tranh là một khái niệm tổng hợp. Nó không chỉ nằm ở hình, nó cũng không chỉ nằm ở bố cục hay sắc với màu. Nó phải khiến cho người xem bật khóc.
Thế là, nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng, phải “đánh” được vào lòng người, khiến người ta “hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục” hơn là khi chưa có cái nghệ thuật ấy-tác phẩm ấy.
Kinh điển bảo: “Toàn bộ quá trình tiến hóa của loài người, thực ra là quá trình đào luyện các giác quan”. Mỹ thuật, dĩ nhiên là môn nghệ thuật đứng đầu trong việc giúp đào luyện thị giác. Nhưng đào luyện tinh xảo đến mấy, thị giác sớm muộn cũng liên thông với các giác quan còn lại, với mọi ký ức “cấu tạo” nên tâm hồn con người, tạo ra “xung cảm” tổng hợp, khiến lòng người rung động/chấn động. Chỉ khi ấy, mỹ thuật mới thực sự là cái đẹp. Nếu không, nó mới chỉ đèm đẹp thôi. Nếu không, nó mới chỉ thông minh thôi. Nếu không, nó mới chỉ giông giống thôi và còn thua cả chụp hình. Nếu không, có khi lại “sến” mất! v.v...
Chao ôi! Mỹ thuật nói riêng, nghệ thuật nói chung, đâu có lối đi dễ dàng nào để ai cũng có thể theo đó mà leo tới đỉnh?
Nói thật thế thì dễ mất lòng! Nhưng không nói thật thì còn biết nói gì? Chả lẽ lại cứ động viên nhau mãi?
ĐỖ TRUNG LAI