QĐND - Những năm tháng giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, ngay trong đạn bom mà tuổi trẻ chúng tôi lúc nào cũng khát thèm được hát, được nghe hát, nghe nhạc. Thuở ấy, chúng tôi ai cũng thuộc, cũng say sưa với những ca khúc sôi động của đất nước đánh giặc. Những người lớn bảo đó là nhạc đỏ, khác với nhạc tiền chiến, càng khác với nhạc vàng, là hai loại nhạc thuở ấy hát không hợp, chỉ rất ít người trẻ biết đến...

Thế nhưng tuổi trẻ, dù hoàn cảnh nào cũng thích những ca khúc trữ tình, những bản tình ca và thích nghe những bản nhạc thính phòng. Lớp trẻ Hà Nội truyền nhau hát những bản “nhạc xanh”. Đó là những ca khúc, những bản nhạc nước ngoài, từ Nga, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Pháp…

Ngày ấy ở Hà Nội, cứ ngớt tiếng bom, chúng tôi lại đạp xe đến nhà bạn bè hay người quen có máy quay đĩa (thuở ấy còn gọi là máy hát) để được nghe những ca khúc hay cùng các bản nhạc nổi tiếng. Rất nhiều người đêm đêm tụ hội ở nhà hát để "xem nhạc" thính phòng. Khi còi báo động vang lên thì tất cả ra hầm trú ẩn. Khi tiếng loa báo yên, tiếng nhạc lại vang lên. Khi thành phố mất điện, hàng loạt chiếc đèn pin từ phòng khán giả được chiếu vào. Buổi diễn cứ đứt rồi lại nối…

Sau “một thời đạn bom” là “một thời hòa bình”, lớp trẻ bây giờ được sống trong biển cả mênh mông của âm nhạc thời kỹ thuật số. Nhưng cái biển âm nhạc mênh mông ấy sao thừa mứa, hỗn tạp; nhạc vàng, nhạc sến lại được cho là "nhạc trẻ" và vẫn cứ có số đông người hát, người nghe. Bây giờ là thời của đủ kiểu tình ca, gào lên hoặc rên rỉ... Bây giờ chẳng ai bảo ai là hát dở, là tai âm nhạc kém. Chẳng ai dám chê ai là "hỏng thẩm mỹ". Dường như những người có trách nhiệm cũng đã chán không muốn nói nữa?

Tuy nhiên vẫn còn nhiều nghệ sĩ và chuyên gia văn hóa vẫn đam mê, cặm cụi với âm nhạc dân tộc để làm sáng lên những giá trị văn hóa truyền thống… Vẫn có những bản tình ca đẹp, những bản nhạc hay, những dàn nhạc chất lượng… Nhưng cái sáng giá, cái hay, cái đẹp đích thực không vào được lớp trẻ thì văn hóa âm nhạc không thể phát triển. Sáng tác, biểu diễn chỉ chiều theo những bộ phận thấp yếu về thẩm mỹ âm nhạc thì chỉ kéo lùi trình độ của chính họ. Thừa thãi những câu ca ủ rũ, khê nồng trong khi quá thiếu những bài hát mới có sức lan tỏa, quần tụ lòng người trong tình yêu quê hương đất nước, thì sẽ chỉ làm lớp trẻ thêm ích kỷ, bé mọn.

Sau nhạc đỏ, nhạc xanh một thời, sau và cùng với những làn sóng âm nhạc tốt lành của thế giới đến với ta, là sự cần thiết, sự mong mỏi sẽ có những đợt sóng nhạc Việt Nam đích thực cho giới trẻ và cả hy vọng từ chính trong giới trẻ!

MẠNH HÙNG