Với hàng chục vạn hình ảnh, hiện vật, tư liệu… về phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Nam Bộ nói riêng, bảo tàng đã khắc họa, khẳng định sức mạnh phi thường, anh hùng, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam, kết tinh từ phẩm chất dịu dàng, trung hậu, đảm đang. Bằng nghệ thuật sắp đặt theo mảng chủ đề, xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nét đẹp và phẩm chất truyền thống của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Nam Bộ dễ dàng thẩm thấu vào cảm xúc, tư duy, tâm hồn của người xem. Sức mạnh dịu dàng của phụ nữ Nam Bộ với hình ảnh đặc trưng là áo bà ba, nón lá, khăn rằn… đã trở thành biểu tượng văn hóa lịch sử của đất và người Nam Bộ. Các vùng miền khác trên cả nước cũng đều có những đặc trưng văn hóa mang tính bản sắc gắn liền với hình ảnh người phụ nữ. Dù ở vùng miền nào, thời đại nào, vẻ đẹp, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam cũng là “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Trong đời sống văn hóa nghệ thuật xưa nay, khi xây dựng hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ, giới văn nghệ sĩ luôn bám vào yếu tố bản sắc để phát triển hình tượng nhân vật. Dù trong thời kỳ chiến tranh, đầy gian khổ, hy sinh hay trong công cuộc kiến thiết, phát triển, đưa đất nước đổi mới, hội nhập quốc tế, vị thế và vai trò của người phụ nữ luôn được khẳng định, phát huy từ sức mạnh của sự dịu dàng ấy. Vẻ đẹp thuần Việt của người phụ nữ góp phần đưa hình ảnh, vị thế, khát vọng Việt Nam ngày càng sâu đậm, vững chắc trên trường quốc tế.

Sự giao thoa, tiếp biến các dòng văn hóa trong thời hội nhập làm cho môi trường văn hóa, đời sống kinh tế-xã hội của đất nước phát triển phong phú, đa dạng và biến đổi mạnh mẽ. Trong hành trình gìn giữ bản sắc văn hóa, cốt cách dân tộc, phụ nữ là lực lượng chính yếu, nuôi dưỡng ngọn lửa truyền thống từ sự dịu dàng, trung hậu, đảm đang ngay từ mái ấm, bếp lửa của mỗi gia đình. Hiểu như thế, cảm thấu như thế để thêm yêu quý, trân trọng, tôn vinh ngày càng nhiều cho “một nửa thế giới” xung quanh ta, mà trước hết là những người phụ nữ ngay bên cạnh chúng ta.

LỮ NGÀN