Đó chỉ là một trong những lợi ích mà mô hình trang trại nuôi hươu của anh Nguyễn Hồng Tiệp, Bí thư Đoàn xã Sơn Giang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) mang lại ngoài khoản thu nhập hơn một tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm thời vụ cho nhiều người dân trên địa bàn.
Đây là thành quả của một cử nhân kinh tế đang là cán bộ đoàn xã. Anh Tiệp đã minh chứng cho việc dùng khả năng, trí tuệ tạo thêm giá trị mới bởi đôi tay trí thức lúc "nông nhàn".
|
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ trí thức trẻ Việt Nam tại Pháp (tháng 3-2018) _Ảnh: qdnd.vn |
Những người như anh Tiệp tại các vùng quê không phải là hiếm. Hiện nay, khu vực nông thôn có một lực lượng không nhỏ trí thức từ giáo viên đến cán bộ làm công tác hành chính trong các cơ quan, đơn vị cấp xã, huyện. Đa phần đội ngũ này đều tốt nghiệp đại học, nhiều người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Tuy nhiên, môi trường, yêu cầu công việc chưa giúp họ phát huy hết khả năng. Thế là ngoài giờ làm việc ở công sở, nhiều người đã tìm cách tự khai phá bản thân, biến tri thức thành những thành quả từ sức lao động chân chính.
Trí thức ở nông thôn kể cũng thiệt thòi! Nếu như ở thành thị, đội ngũ trí thức có nhiều dư địa nghiên cứu, cống hiến, phát triển thì ở nông thôn, miền núi, đội ngũ trí thức nếu không có ý chí vươn lên như chàng cử nhân kinh tế trên sẽ dễ bị ru ngủ trong việc hành chính mang tính sự vụ đơn thuần. Để rồi những gì họ được học, trau dồi dần dà mai một.
Ngoài những công chức dám nghĩ, dám làm thì vẫn phải khẳng định rằng, tốt hơn hết, các đơn vị hành chính, sự nghiệp ở nông thôn cần phát huy tối đa tiềm năng đội ngũ trí thức trong thực thi công vụ. Có như vậy, những bằng cấp và cái danh trí thức mới không phải để cho sang, tránh việc trí thức quê có thể "ngủ quên" trên chính "cánh đồng thời vụ" của mình!
ĐÔNG A