Điểm mới tại dự thảo điều lệ các giải bóng đá chuyên nghiệp mùa giải 2023-2024, so với những mùa giải gần đây là việc đưa quy định áp dụng về số lượng cầu thủ trẻ trong thành phần đăng ký của mỗi CLB tham dự giải. Một số phương án đã được đưa ra thảo luận. Theo phương án 1, mỗi đội bóng phải đăng ký ít nhất 3 cầu thủ, từ 16 đến 20 tuổi tham dự giải, trong đó ít nhất 3 cầu thủ được đăng ký trong mỗi trận đấu và ít nhất 1 cầu thủ được đăng ký thi đấu chính thức. Phương án 2, mỗi CLB phải sử dụng ít nhất 2 cầu thủ trẻ trong danh sách dự giải và 2 cầu thủ trẻ trong danh sách đăng ký trận đấu. Phương án cuối là không quy định các đội phải sử dụng cầu thủ trẻ trong trận đấu, nhưng phải đăng ký ít nhất 3 cầu thủ từ 16 đến 20 tuổi dự giải.

leftcenterrightdel

Có rất ít cầu thủ ở đội tuyển U22 Việt Nam được ra sân đá chính ở V-League 2023. Ảnh: LÂM THỎA

Còn theo như đề xuất của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), từ mùa giải 2023-2024, các CLB sẽ phải sử dụng ít nhất một cầu thủ 16-20 tuổi, trong đội hình xuất phát ở các giải đấu chuyên nghiệp.

Vấn đề sử dụng cầu thủ trẻ thi đấu vốn trở thành chủ đề tranh cãi lâu nay trong làng túc cầu thế giới. Với các nền bóng đá chuyên nghiệp, sử dụng cầu thủ trẻ là chuyện bình thường. Cầu thủ trẻ sớm thành danh thì CLB chủ quản sớm thu được tiền đào tạo, chuyển nhượng. Đơn cử như các đội bóng Ajax, Benfica, River Plate... lãi hàng chục, hàng trăm triệu euro mỗi mùa giải khi chuyển nhượng cầu thủ trẻ.

Nhưng với những nền bóng đá còn đang chập chững phát triển, mới bước vào con đường chuyên nghiệp thì việc các CLB sử dụng cầu thủ trẻ thi đấu xem chừng còn cấn cá. Giải vô địch quốc gia Trung Quốc (Chinese Super League-CSL) có quy định mỗi CLB của giải phải đăng ký trong danh sách ra sân đá chính số cầu thủ U.23 bằng số ngoại binh. Nếu một CLB tung 3 ngoại binh xuất trận, họ cũng phải có 3 cầu thủ U.23 trên sân. Tuy nhiên, các đội bóng ở CSL đa phần đều lách luật bằng cách, ngay khi trận đấu bắt đầu ít phút, họ sẽ dùng quyền thay người, đưa các cầu thủ trẻ U.23 rời sân. Lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc cũng như Ban tổ chức CSL rất khó chịu khi các CLB lách luật có phần trơ trẽn nhưng phải chịu.

Tại cuộc hội thảo ở trên do VPF tổ chức, một số đội bóng mạnh về công tác đào tạo trẻ như Hoàng Anh Gia Lai tích cực ủng hộ ý tưởng của ban tổ chức. Tuy nhiên một số đội lại phản đối. Đại diện đến từ CLB Khánh Hòa cho rằng lên đội hình thi đấu, dùng cầu thủ nào là chuyện của ban huấn luyện, lãnh đạo đội bóng không áp đặt được.

Ở trong nước, từ thời còn cầm quân các đội tuyển quốc gia, HLV Park Hang-seo nhiều lần thiết tha kêu gọi các đội bóng ở V-League, hạng Nhất tích cực sử dụng cầu thủ trẻ. Thầy Park than thở: “Cầu thủ trẻ không được ra sân thì các đội tuyển quốc gia mạnh thế nào được”. Ý kiến trên của chiến lược gia người Hàn Quốc bị nhiều HLV trong nước phản biện. HLV Lê Huỳnh Đức cho rằng: Nếu ông Park Hang-seo cầm quân ở V-League hay hạng Nhất thì cũng phải ưu tiên sử dụng ngoại binh, các cầu thủ có kinh nghiệm vì nếu không có thành tích, không trụ hạng thì ông “bay” ghế ngay.

Các đội tuyển quốc gia thì đương nhiên VFF muốn lớn mạnh. Ở V-League, chuyện còn liên quan đến thương hiệu, màu cờ sắc áo của doanh nghiệp, tỉnh, thành, ngành. Thế nên không phải HLV Lê Huỳnh Đức phản biện không có lý.

Thử đảo ngược vị trí, ông Lê Huỳnh Đức làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia, thầy Park cầm quân ở Đà Nẵng. Không biết chừng khi đó chiến lược gia họ Lê lại khẩn thiết khuyên nhủ các CLB nên tích cực sử dụng cầu thủ trẻ. Trong khi đó, thầy Park lại “phản pháo”, vì phải lo cho đội bóng bên bờ sông Hàn trụ hạng. Vị trí và lợi ích quyết định góc nhìn, thái độ trong từng sự kiện, từng vấn đề.

TRUNG GIANG