Nên công bằng với các môn thể thao
Năm 2020, khi thi đấu cho Câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh, tiền đạo Nguyễn Công Phượng nhận mức lương lên tới 230 triệu đồng/tháng. Đó còn chưa kể những khoản lót tay từ đội bóng, khoản thu nhập ngoài lương từ việc đóng quảng cáo hay lợi nhuận từ các nhãn hàng sau bài đăng trên mạng xã hội... Tại V-League, mức lương cầu thủ được phân chia theo mức độ cống hiến cho đội bóng và thâm niên với nghề. Nhưng nhìn chung, lương cầu thủ bóng đá ở Việt Nam thuộc dạng khá. Ngoài ra, một số cầu thủ còn có nghề tay trái hái ra tiền nhờ mức độ nổi tiếng thông qua việc kinh doanh, đại diện hình ảnh cho nhãn hàng. Không chỉ cầu thủ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng đang ăn nên làm ra. Theo đó, năm 2019, VFF đạt doanh thu gần 238 tỷ đồng, lãi gần 35 tỷ đồng. Năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, doanh thu của VFF giảm 25% so với năm 2019 nhưng vẫn là niềm mơ ước với nhiều liên đoàn thể thao khác.
|
|
Bóng đá là môn thể thao làm tốt công tác xã hội hóa. Ảnh: QUANG HUY |
Là môn trọng điểm, có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển của thể thao Việt Nam, song sức hút của cử tạ với các nhà tài trợ vẫn khá mờ nhạt. Báo cáo tài chính của Liên đoàn Cử tạ-Thể hình Việt Nam nhiệm kỳ I (2015-2019) nêu rõ: Liên đoàn có tổng tài chính hơn 11 tỷ đồng và số dư cuối kỳ đến thời điểm tổ chức đại hội là 3,6 tỷ đồng. Điều đáng nói, phần lớn doanh thu trên đến từ các hoạt động của môn thể hình. Riêng với cử tạ, thu nhập chủ yếu đến từ lệ phí thi đấu, các khóa đào tạo do liên đoàn tổ chức. Nguồn thu đến từ tài trợ cho liên đoàn, đặc biệt là cử tạ không đáng kể. Thậm chí, trong năm 2018 và 2019, cử tạ không có tài trợ. Thành ra, các VĐV cử tạ Việt Nam đều sống bằng thu nhập từ tiền công tập luyện, tiền thưởng khi thi đấu. Tuy nhiên, ít ra cử tạ còn có thể “giật gấu vá vai” nhờ nguồn thu tài trợ từ thể hình, nhiều liên đoàn thể thao khác của Việt Nam từ khi thành lập đến nay mức thu từ tài trợ bằng 0. Cho đến lúc này, hẳn nhiều người hâm mộ thể thao còn không biết luật thi đấu, hoặc chưa từng xem những bộ môn như: Bóng ném, bi sắt, jiu-jitsu, judo, muay, kickboxing... Khó có thể trách các nhà tài trợ, vì họ phải chiều theo thị hiếu của khán giả bởi công tác tài trợ cũng là làm ăn, cuộc chơi lỗ-lãi. Các liên đoàn thể thao tại Việt Nam hoạt động hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại nhiều liên đoàn “mọc ra” cho có hình thức để lấy thành tích báo cáo, cả năm vật vờ hoạt động mà không kêu gọi nổi một hợp đồng tài trợ nào.
Cử tạ, taekwondo là hai môn thế mạnh của thể thao Việt Nam, từng giành huy chương Olympic. Tuy nhiên, việc thiếu nguồn lực đầu tư, khó kêu gọi tài trợ khiến đời sống của VĐV gặp nhiều khó khăn, dẫn đến thành tích thi đấu không được như mong muốn. Chứng kiến Đoàn thể thao Việt Nam kết thúc tranh tài tại Olympic Tokyo 2020 mà không giành được tấm huy chương nào, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) than thở: “Giá mà môn thể thao nào cũng được quan tâm như bóng đá nam thì tấm huy chương Olympic không phải xa vời với thể thao Việt Nam”. Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, khẳng định: “Việt Nam thất bại tại Olympic Tokyo 2020 vì một lý do rất cũ. Chúng ta đã không có được sự chuẩn bị tốt trong cả một lộ trình dài. Lộ trình đó đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ về phương pháp sư phạm, cơ sở vật chất hiện đại, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào một loạt khâu vô cùng thiết yếu như dinh dưỡng VĐV, huấn luyện, hồi phục, chữa trị chấn thương... Lộ trình này cần có sự đầu tư cao, đồng nghĩa với sự tốn kém tiền bạc”.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Xã hội hóa là chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo cho con người, cho cộng đồng, để "giải quyết các vấn đề xã hội theo tinh thần xã hội hóa". Đây là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng ta, phù hợp yêu cầu tất yếu, khách quan của sự phát triển và thể thao không nằm ngoài quy luật này.
Việc ban hành, đổi mới cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực TDTT thời gian qua đã tạo ra hành lang pháp lý cũng như điều kiện thuận lợi cho hoạt động TDTT, các doanh nghiệp TDTT phát triển. Đồng thời cơ chế này đã tháo gỡ được những vấn đề phát sinh cần được quản lý, hướng dẫn để các môn thể thao phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức các dịch vụ TDTT. Tính đến nay, cả nước có hơn 14.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT. Các điều kiện, quy trình, thủ tục kinh doanh dịch vụ thể thao được cắt giảm thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho việc phát triển các cơ sở, loại hình kinh doanh dịch vụ thể thao. Nhiều địa phương đã khuyến khích phát triển các cơ sở tư nhân, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa vào lĩnh vực TDTT. Điển hình là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có hàng nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT với nhiều phòng tập, bể bơi, khu vui chơi giải trí thể thao quy mô lớn; nhiều tập đoàn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi, các trang thiết bị chuyên dụng. Công tác xã hội hóa góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các phong trào TDTT ở nhiều cấp, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.
Việc chuyển giao các câu lạc bộ thể thao từ phía cơ quan quản lý nhà nước sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp tự chủ, tự hạch toán, câu lạc bộ thể thao do doanh nghiệp tài trợ tiếp tục có chuyển biến mạnh. Trong lĩnh vực đào tạo, VĐV thể thao thành tích cao trước đây chủ yếu do các cơ quan quản lý nhà nước đảm nhận (ở cả tuyến Trung ương và tuyến cơ sở) thì nay đã có sự tham gia ngày càng sâu của các thành phần ngoài công lập. Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Trung tâm TDTT Thành Long, Công ty TNHH Bóng đá trẻ Văn Sỹ Thủy, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF... là những cơ sở đào tạo ngoài công lập được đầu tư chiều sâu, có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo VĐV. Những năm gần đây, kinh phí từ ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung cho công tác tập huấn và tham dự các kỳ đại hội thể thao quốc tế lớn, các giải vô địch chính thức từng môn. Do vậy, việc tham dự một số hoạt động thể thao quốc tế không chính thức hầu hết do các liên đoàn, hiệp hội tự huy động từ nguồn xã hội hóa. Ở một số môn thể thao như: Cờ vua, quần vợt hay cầu lông, một số gia đình tự bỏ tiền đầu tư cho việc đào tạo con em mình trở thành VĐV thể thao chuyên nghiệp với kinh phí lên tới hàng tỷ đồng.
Thị trường chuyển nhượng VĐV, huấn luyện viên, thị trường quảng cáo trong lĩnh vực thể thao bước đầu hình thành và hoạt động sôi động. Ở một số môn thể thao khác như: Bóng chuyền, cờ vua, xe đạp, quần vợt... nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đứng ra đỡ đầu, trang trải kinh phí cho các đội thể thao hay cá nhân các VĐV xuất sắc. Một số VĐV đã có thu nhập từ bản quyền quảng cáo, khai thác hình ảnh với mức khá cao. Số này tuy chưa nhiều nhưng đây là những tín hiệu đáng mừng cho làng thể thao Việt Nam.
Mặc dù công tác xã hội hóa bước đầu đã huy động được nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp và xã hội đầu tư phát triển TDTT, song hiệu quả thu được vẫn chưa cao, do cơ chế, chính sách xã hội hóa còn nhiều bất cập. Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, khẳng định: “Các quy định, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT khó được triển khai trong thực tiễn do thiếu cơ sở pháp lý, mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác. Nhận thức, quan niệm về xã hội hóa TDTT còn thiếu nhất quán. Nhiều nơi vẫn tồn tại tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, dẫn tới thiếu chủ động, sáng tạo trong triển khai chủ trương xã hội hóa. Vì vậy, thời gian tới, ngành TDTT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát huy vai trò của mặt trận và các tổ chức xã hội... chăm lo sự nghiệp phát triển TDTT. Tôi cho rằng, cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm mở rộng sự tham gia của xã hội, huy động nguồn lực xã hội để phát triển TDTT, bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước”.
Trong “Quy hoạch Phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nêu rõ: Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho phát triển TDTT, trong đó chú trọng đầu tư phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp. Tăng cường phát triển kinh tế thể thao, xác định rõ các lĩnh vực hoạt động kinh doanh TDTT, thúc đẩy hoạt động kinh doanh thể thao chuyên nghiệp; khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác giữa Nhà nước, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong phát triển kinh doanh TDTT ở trong và ngoài nước, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. |
HỮU TRƯỞNG