Đề bài như sau: Một nhóm từ 3 đến 5 người, có 18 phút để dựng lên cấu trúc cao nhất có thể chống đỡ được một viên kẹo dẻo từ các vật liệu sau: 1m băng dính, 1 đoạn dây, 1 viên kẹo dẻo và 20 sợi mì spaghetti khô.

Trong nhiều năm, hơn 700 nhân vật toàn những anh tài ở Thung lũng Silicon (kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ quản trị kinh doanh, rồi cả giáo sư...) vô số lần thất bại khi đối mặt với bài toán. Ngạc nhiên thay, các nhóm giải toán nổi trội hơn cả lại là trẻ mẫu giáo. Nghe thật phi lý nhưng sự thật là vậy.

Peter Skillman rút ra một cơ chế tương tác giữa các đám trẻ mẫu giáo, đó là khi giải bài toán của mình, bọn nhỏ liên tục thử nghiệm các mẫu thiết kế. Khi không có một công thức định sẵn, không có giáo viên hướng dẫn, bọn trẻ chỉ biết hành động và hành động với tinh thần đoàn kết, làm việc theo nhóm rất cao. Chính cơ chế này đã tạo nên chiến thắng. Và ở Thung lũng Silicon, người ta đã đi đến kết luận: Thất bại nhanh và thất bại rẻ. Một số người thích đọc chệch mệnh đề trên thành: Thất bại nhanh là thất bại rẻ.

leftcenterrightdel
Peter Skillman - người đã thiết kế bài kiểm tra “Bài toán mì Italy”.  Ảnh: Here360 

Vậy tại sao nhiều chuyên gia lại không bằng bọn trẻ trong trò chơi “Bài toán mì Italy”? Câu trả lời khá đơn giản: Vì người lớn thường hay sợ thất bại. Còn bọn nhỏ, khi chưa hình thành tâm lý sợ, chúng cứ bắt tay vào hành động.

Câu chuyện trên được tỷ phú Abramovich áp dụng liên tục vào Chelsea. Khi đội bóng thi đấu không đạt kết quả ưng ý, ông lập tức sa thải huấn luyện viên (HLV), đền bù bao nhiêu cũng được. Thống kê đã chỉ ra, trong kỷ nguyên Premier League, dưới thời ông chủ người Nga Abramovich, Chelsea là đội bóng hào phóng nhất trong chuyện chi tiền đền bù cho HLV và đội ngũ trợ lý bị sa thải với tổng cộng 97 triệu bảng Anh.

Nhiều HLV nhìn vào danh sách chiến lược gia bị Chelsea sa thải đã cảm thấy e ngại với môi trường làm việc ở Stamford Bridge, nhưng Abramovich đọc vị được điều này và ông chủ Chelsea chỉ việc đưa ra mức đền bù hợp đồng cực cao để khiến người làm thuê không phải lăn tăn.

Thậm chí, ở Chelsea còn có ngân sách cho cái gọi là “chi phí thay đổi cơ cấu huấn luyện”. Khoản này nằm trong vòng bí mật. Khi Abramovich muốn lấy Tuchel về thay Lampard, trong khi chiến lược gia người Đức đang là HLV của PSG, ông chủ Chelsea đã đưa ra một cái giá chuyển nhượng cho Tuchel khiến đội bóng nhà giàu nước Pháp không thể cưỡng lại.

Thường thì giá chuyển nhượng cầu thủ được công khai, còn giá chuyển nhượng HLV hay được các đội bóng giữ kín vì thể diện của các bên liên quan. Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ công khai. Chuẩn bị cho mùa giải 2021-2022, Bayern Munich đã ra thông cáo báo chí chi 21,7 triệu bảng Anh cho RB Leipzig, để có được sự phục vụ của HLV Nagelsmann.

Ở PSG, triết lý hành động của tỷ phú Al-Khelaifi còn ghê hơn: “Thắng trận hoặc ra đi”. Đức cao vọng trọng như chiến lược gia Ancelotti còn hai lần bị giới chủ ở PSG truyền “khẩu dụ” như vậy. Ngán ngẩm và cảm thấy không được tôn trọng, Ancelotti đã rời đi dù trước đó, chiến lược gia tài ba người Italy này đã dồn nhiều tâm huyết viết ra đề án: “PSG và những người bạn”, với mục tiêu trong 10 năm biến PSG trở thành đội bóng số 1 châu Âu.

Hiện tại, dù Pochettino đang cầm quân ở PSG nhưng nếu như mùa giải này, chiến lược gia người Argentina không đưa đội bóng nhà giàu nước Pháp lọt vào chung kết Champions League thì khả năng cao là “lên đường”. Thậm chí, tương lai của Tuchel tại Chelsea cũng không có gì bảo đảm, nếu như ông chủ Abramovich cảm thấy cần phải hành động với phương châm: Thất bại nhanh là thất bại rẻ.

KHOA MINH