Vậy là đã tròn hai năm kể từ khi PIF mua 80% cổ phần của câu lạc bộ (CLB) Newcastle, 20% cổ phần còn lại của đội bóng được chia cho nữ doanh nhân người Anh Staveley và gia đình Reuben. Staveley cho biết: “Đó không phải là rửa tiền thể thao, mà là đầu tư. Ở Newcastle, quyền sở hữu mới đã đến với đội bóng và thành phố đang rất cần điều đó”.
|
|
Các cầu thủ Newcastle vui mừng sau chiến thắng 4-1 trước Paris Saint-Germain ở đấu trường Champions League. Ảnh: Getty
|
Trước đây, giống như Mike Ashley (chủ cũ của Newcastle) áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng cho CLB, các đời thủ tướng Anh cũng liên tiếp làm điều tương tự với thành phố Newcastle upon Tyne (Newcastle trên sông Tyne), thường gọi tắt là thành phố Newcastle). Kể từ năm 2010, hội đồng thành phố đã buộc phải cắt giảm số tiền trị giá 335 triệu bảng Anh cho các tiện ích phúc lợi, bất chấp vùng Đông Bắc có tuổi thọ thấp nhất so với bất kỳ khu vực nào ở Vương quốc Anh. Cả tình trạng nghèo đói và thất nghiệp đều cao hơn 50% so với mức trung bình toàn quốc.
Sau hậu quả của quá trình phi công nghiệp hóa, với các ngành công nghiệp than, đóng tàu và thép truyền thống của thành phố Newcastle bị cuốn trôi theo năm tháng, nhiều khu vực của thành phố đã bị mục nát. Xa hơn về phía Tây Nam, đội bóng Manchester City là một tiền lệ. Năm 2008, Manchester City được tiếp quản bởi Tập đoàn Abu Dhabi United (ADUG), một công ty cổ phần tư nhân có mối liên hệ chặt chẽ với Chính phủ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Tuy nhiên cho đến tận bây giờ, ADUG vẫn luôn khẳng định họ không có liên quan gì đến chính quyền ở UAE.
Cơ cấu quyền sở hữu của ADUG là một lý do khiến ban tổ chức Ngoại hạng Anh (Premier League) chấp thuận việc PIF tiếp quản Newcastle. Trong những năm tiếp theo, ADUG đầu tư rất nhiều vào các khu vực nghèo khó ở phía Đông thành phố Manchester, tuyên bố ý định xây dựng những ngôi nhà giá cả phải chăng và loại bỏ khỏi thành phố những khu đất bị bỏ hoang.
Những điều tốt đẹp đã đến từ những dự án này. Khu vực xung quanh sân vận động Etihad, từng là vùng đất hoang hậu công nghiệp, hiện là một trong những trung tâm kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, nhiều báo cáo và nghiên cứu học thuật đã điều tra xem liệu thành phố Manchester có bị các kế hoạch xây dựng của ADUG khai thác quá mức hay không. Một cuộc điều tra được Sunday Times công bố vào năm 2019, có tiêu đề “Manchester, thành phố đã bán đứng cho Abu Dhabi”.
Newcastle đang đứng ở ngã ba tương tự. Với việc thành phố đang rất cần được tái thiết, chủ sở hữu câu lạc bộ-PIF-đã tuyên bố cam kết xây dựng thành phố Newcastle trở nên hiện đại hơn nhưng bài học từ thành phố Manchester đã chứng minh: Cạm bẫy luôn đi đôi với cơ hội hoặc bạn có thể hiểu theo nghĩa ngược lại.
Ngay sau khi tiếp quản Newcastle, đại diện của PIF đã tới vùng Đông Bắc để gặp gỡ một số huyền thoại của CLB và lãnh đạo thành phố, để xem ngoài bóng đá, ưu tiên đầu tư của PIF vào thành phố nên là gì: Khách sạn, cửa hàng, nhà ở hay công viên...?
Thông điệp đã rõ ràng. PIF không chỉ có ý định bỏ tiền vào CLB Newcastle mà còn cả vào thành phố Newcastle. Simon Chadwick, giáo sư thể thao và kinh tế địa chính trị tại Trường Kinh doanh SKEMA cho biết: “Đó là một khoản đầu tư toàn diện vào khu vực. Abu Dhabi đã chứng minh rằng đầu tư vào một CLB bóng đá không chỉ là về bóng đá; đó là về sự tham gia của người dân và phát triển cơ sở hạ tầng. Những gì tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy là PIF đóng vai trò là kênh dẫn cho các khoản đầu tư khác của Saudi Arabia không chỉ ở Newcastle mà còn ở vùng Đông Bắc nói chung”.
Hiện đã có kế hoạch cho các chuyến bay thẳng giữa sân bay quốc tế Newcastle và Saudi Arabia, trong khi các cơ hội khác đang được xem xét là đầu tư vào nền kinh tế y tế, công nghiệp ô tô, năng lượng gió, bến cảng nước sâu, lĩnh vực kỹ thuật số và các trường đại học của Newcastle. Một dự án tiềm năng khác đang được lên kế hoạch là xây dựng lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (SMR) vào đầu những năm 2030 ở thành phố trên sông Tyne này.
Giáo sư Simon Chadwick phân tích: “Đây không phải là những khoản đầu tư ngẫu nhiên vào các thành phố. Nó được cân nhắc và mang tính chiến lược hơn nhiều. Lợi thế lớn của Newcastle trong mắt tôi là thành phố này có đường bờ biển dài, bên cạnh đó là những con sông đổ ra biển. Nếu CLB Newcastle ngày càng chơi hay ở Ngoại hạng Anh và Champions League, PIF và giới tài phiệt vùng Vịnh sẽ càng đổ nhiều tiền vào thành phố này. Tham vọng của PIF và chính quyền Saudi Arabia không chỉ dừng lại ở bóng đá. Thể thao chỉ là bàn đạp, bệ phóng cho hàng loạt tham vọng khác về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của PIF”.
TRUNG GIANG