Sau này, World Cup đã gần hơn, thậm chí những người may mắn có thể còn chạm tới không khí mê hoặc của nó.

Khi những chuyến đi trở nên dễ dàng, ngày càng có nhiều người đủ khả năng tự mình tìm đến và tận hưởng bầu không khí World Cup. Nhiều nhà báo cũng thường xuyên được sống với World Cup, coi đó là điều hết sức bình thường. Nhưng với tôi và phần lớn cổ động viên (CĐV) bóng đá thì có được một ngày hòa mình vào cảm xúc World Cup cũng là điều đáng nhớ. Nó khác biệt, thực sự lạ lẫm, vô cùng thú vị. Thậm chí, World Cup ở mỗi nơi lại cho ta những trải nghiệm mới.

World Cup 2022 khởi tranh ở Qatar, những kỷ niệm trong tôi khi được tác nghiệp ở World Cup 2010 tại Nam Phi lại ùa về, với vô vàn trải nghiệm đáng giá, lý thú.

leftcenterrightdel

Tác giả đến thăm ngôi nhà Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng sinh sống ở ngoại ô Johannesburg, nhân dịp diễn ra World Cup 2010. 

Ảnh: TRUNG GIANG.

 

Ở bất kỳ giải đấu nào, nếu bạn có được thẻ tác nghiệp của FIFA thì đó chính là “giấy mời” cực kỳ giá trị để xin visa nhập cảnh dễ dàng hơn. Hành trình tại World Cup của bạn sẽ bắt đầu với phong thái của một khách VIP. Tôi đã đến trung tâm báo chí để nhận thẻ ngay khi vừa hạ cánh xuống Johannesburg (Nam Phi). Hàng trăm phóng viên xếp hàng dài để nhận thẻ. Họ trật tự, thoải mái đứng chờ dưới cái nắng chói chang mà không kêu ca gì. Thậm chí từng nhóm phóng viên còn trò chuyện, cười nói vui vẻ và hẹn nhau trao đổi, hỗ trợ khi tác nghiệp. Mặc dù xếp hàng rất dài và đông, nhưng thời gian đợi rất nhanh, chỉ khoảng 30 phút xếp hàng, tôi đã vào trong “lều phát thẻ”, được nhận thẻ sau vài quy trình diễn ra rất chuyên nghiệp: Kiểm tra thư mời và mã code của FIFA, chụp ảnh thẻ, đợi dán thẻ và ra về.

Mỗi khi đi tác nghiệp ở những giải đấu tầm cỡ thế giới, bạn phải chấp hành nghiêm những quy định đặt ra. Tuy nhiên, bạn có thể thoải mái lách luật và làm những gì ban tổ chức không cấm. Vì thế, sau khi nhận thẻ, tôi quay ra hỏi xin anh bạn cấp thẻ một cái dây đeo thẻ nữa. Chúng tôi đi tác nghiệp hai người mà chỉ có một thẻ FIFA, nên việc xin thêm dây đeo thẻ nhằm tiện lợi cho việc tác nghiệp. Trên thực tế, nó cực kỳ lợi hại, dù chỉ là cái dây đeo nhưng đôi lúc ngỡ như nó có tác dụng ngang với một tấm thẻ thật sự. Chúng tôi đã đến hầu hết các điểm phục vụ cho World Cup 2010, những nơi chỉ cho ban tổ chức, lãnh đạo FIFA hoặc giới hạn phóng viên được vào (phóng viên được cấp thẻ của FIFA cũng có nhiều hạng thẻ khác nhau). Ở những nơi đó, chúng tôi được đón tiếp, hỗ trợ tác nghiệp mà gần như không gặp bất cứ trở ngại gì.

Do Nam Phi lần đầu đăng cai một kỳ World Cup nên cũng còn nhiều vấn đề chưa kín kẽ, khi đó đã có nhiều chuyện diễn ra khiến tôi vừa bất ngờ, vừa buồn cười xen lẫn sự xúc động. Sau khi đã đến rất nhiều sân vận động (SVĐ), trung tâm báo chí mà không có bất kỳ khó khăn nào, chúng tôi kéo tới sân Soccer City, khi đó vẫn đang “niêm phong” do chưa xong công tác chuẩn bị. Họ dứt khoát không cho tôi vào, vì sợ những thông tin về công tác chuẩn bị còn lộn xộn lộ ra ngoài, cộng thêm việc có một phóng viên Colombia gặp tai nạn khi đến khảo sát sân này. Sau một hồi tranh cãi, tôi cũng được vào, nhưng chỉ một người có thẻ mới được tác nghiệp. Khi đó, một chị người Nam Phi đeo thẻ an ninh, với thân hình lực lưỡng cảm mến chúng tôi, những phóng viên từ Việt Nam xa xôi lặn lội tới đây, đã kéo chúng tôi vào văn phòng của chị. Tại đó chị nói rằng, một phóng viên tác nghiệp ở World Cup là điều đáng quý, và một người Việt Nam đến đây lại càng đáng quý hơn, bởi rất ít người Việt Nam đến Nam Phi. Chị cấp cho người bạn đi cùng tôi một tấm thẻ an ninh của SVĐ đó, cẩn thận cài vào dây đeo thẻ FIFA mà tôi xin thêm buổi ban đầu. Chị bảo, với thẻ này, chúng tôi có thể vào SVĐ mà không ai có thể ngăn cản. Ngày hôm đó, chúng tôi được tác nghiệp một cách thoải mái, thậm chí những ngày sau đó, nhờ chiếc thẻ an ninh được tặng, chúng tôi đã đến được hầu hết những “khu vực hạn chế”, và có nhiều hình ảnh, bài viết mà không báo nào có (hồi đó tôi rất vui khi có 4 bài cộng tác với Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần).

Giá trị của chiếc thẻ an ninh và cái dây đeo thẻ mà tôi xin được còn có tác dụng bất ngờ hơn nữa. Đó là trận khai mạc World Cup 2010, chúng tôi tới SVĐ Soccer City với hai vé VIP dành cho đơn vị nắm bản quyền truyền hình. Hai chiếc vé đó được chúng tôi mang đi phòng trường hợp thẻ tác nghiệp không có giá trị vào sân. Nhưng sự lo lắng ấy trở nên thừa thãi. Chúng tôi vào sân xem trận khai mạc World Cup một cách đàng hoàng, qua 3 lớp kiểm tra với một thẻ tác nghiệp của FIFA cấp và một thẻ an ninh nội bộ được cài vào dây đeo thẻ FIFA. Có thể công tác an ninh vào cửa không kín kẽ, hoặc do họ nhìn nhầm dây đeo thẻ FIFA mà đồng nghiệp tôi sử dụng, nên hai chúng tôi vào sân mà không cần phải dùng đến vé.

Dự khán trận khai mạc World Cup là một điều tuyệt vời, bất chấp đó là trận đấu không quá hay giữa chủ nhà Nam Phi và Mexico. Ngoài việc xem lễ khai mạc và trận đấu, chúng tôi còn có thể lang thang vào cả khu vực modul truyền hình của các hãng lớn đặt ở SVĐ này, vào cả khu VIP của SVĐ lẫn khu vực báo chí, những nơi mà kể cả có thẻ hạng cao nhất của FIFA cũng không được phép vào. Khi ra về, chúng tôi còn hai vé nguyên cuống chưa xé. Sau đó, chúng tôi tặng lại một vé cho cậu thanh niên xin vé để sưu tập đứng ngoài SVĐ, còn một chiếc tôi giữ lại làm kỷ niệm.

Tác nghiệp ở những giải đấu lớn, bạn không được phép làm trái quy định, nhưng bạn sẽ không có điều gì đột phá hay đáng nhớ nếu không có may mắn hoặc kỹ năng xử lý tình huống. Vì vậy, bạn phải luôn nhớ: Hãy tìm cách làm những gì không bị cấm. Đã có rất nhiều chuyện đáng nhớ với tôi trong chuyến tác nghiệp World Cup năm đó, nhưng riêng chiếc dây đeo thẻ thôi cũng đã là một câu chuyện thú vị mà tôi trải qua trong sự nghiệp.

 LÊ THÀNH TRUNG