Thầy Park chia sẻ: “Tôi nhớ mãi trận đầu dẫn dắt tuyển Việt Nam, hòa 0-0 trước Afghanistan, qua đó giành vé tham dự vòng chung kết Asian Cup 2019. Trận này diễn ra đúng một tuần sau khi tôi đến Việt Nam. Lúc đó, tôi còn không nhớ tên các cầu thủ trong đội tuyển quốc gia. Đội ngũ trợ lý HLV của đội tuyển đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Lúc đó tôi rất lo, nếu trận gặp Afghanistan có gì xảy ra thì không khéo tôi về Hàn Quốc luôn chỉ sau một tuần (ám chỉ bị sa thải-PV). Rất may trận đó hòa nên tôi mới có được thành công sau này với bóng đá Việt Nam”.

leftcenterrightdel
                

Pha đá phạt đưa bóng dội cột dọc khung thành đội tuyển Hàn Quốc của Văn Khang trong trận đấu giao hữu với đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Reuters

Quay trở lại với HLV đội tuyển quốc gia Việt Nam, ông Troussier, sau vô vàn thử nghiệm và trải qua hàng loạt trận đấu giao hữu, giờ là lúc chiến lược gia người Pháp cùng các học trò bắt đầu bước vào cuộc chiến thật sự-vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á.

Trước đó, HLV Troussier đã khởi đầu triều đại của mình với đội tuyển Việt Nam bằng 3 trận toàn thắng mà không phải nhận bất kỳ bàn thua nào, trước các đối thủ ngang cơ và dưới tầm như Hồng Công (Trung Quốc), Syria, Palestine.

Sau đó là 3 trận toàn thua, không ghi được bàn nào trước các đội mạnh là Trung Quốc (hạng 80 thế giới), Uzbekistan (hạng 75 thế giới) và Hàn Quốc (hạng 26 thế giới).

Thêm một cảnh báo: Ở trận thua Uzbekistan 0-2, đội nhà không có nổi cú sút nào trúng khung thành đối phương.

Vòng loại thứ hai World Cup 2026 là hành trình nhiều rủi ro, nơi thầy trò HLV Troussier sẽ phải làm khách trên sân Philippines (ngày 16-11), trước khi tiếp đón đối thủ mạnh Iraq (hạng 69 thế giới) vào ngày 21-11; còn đối thủ Indonesia vẫn đang hưng phấn sau tấm Huy chương Vàng ở SEA Games 32.

Chỉ tiêu vượt qua vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á là bắt buộc đối với đội tuyển Việt Nam và với chính cá nhân chiến lược gia Troussier. Với HLV Troussier, ông vẫn đang kiên tâm với mục tiêu dài hơi của mình lẫn bóng đá Việt Nam, đó là giành vé dự World Cup. Nếu không phải World Cup 2026 thì là World Cup 2030. Điều này có thể nhìn ra khi ông liên tục thử nghiệm và tin dùng rất nhiều cầu thủ trẻ ở các loạt trận giao hữu vừa qua như: Văn Khang, Đình Bắc, Văn Cường, Thái Sơn, Văn Luân, Minh Trọng, Tiến Anh, Đình Triệu, Tuấn Dương, Văn Luân...

Nhưng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và nhất là một bộ phận người hâm mộ, có lẽ điều quan trọng là thành tích trước mắt, chí ít là đội nhà phải vượt qua vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á.

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải tin tưởng đội tuyển Việt Nam đang đi đúng hướng dưới triều đại Troussier. Có điều, HLV người Pháp cần mềm mại, uyển chuyển hơn trong triết lý chơi bóng đang áp dụng cho cầu thủ Việt Nam, bởi theo ông Hải: “Qua các trận đấu giao hữu vừa qua, nhất là ở trận thua đậm Hàn Quốc 0-6, HLV Troussier cần điều chỉnh lại định hướng kiểm soát bóng, chủ động tấn công. Trước đối thủ mạnh, đội tuyển Việt Nam không thể kiểm soát bóng mà chính đối thủ mới kiểm soát bóng. Nếu ông Troussier cứ chăm chăm bắt/muốn cầu thủ giành bóng để kiểm soát thì rất tốn sức”.

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải cũng khẳng định: “Đội tuyển Việt Nam chưa thể chơi pressing trước các đối thủ mạnh vì về trình độ, ta vẫn kém các đội mạnh ở châu Á. Về tầm vóc con người, về khả năng xử lý kỹ thuật ở tốc độ cao, cầu thủ Việt Nam còn hạn chế. Son Heung-min cùng các cầu thủ Hàn Quốc chạy cỡ 10km/trận, còn cầu thủ Việt Nam chạy một trận được bao nhiêu, 7km hay 8km? Cái này Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Ban tổ chức giải V-League cần thu thập dữ liệu, thống kê xem ở giải đấu quốc nội, cầu thủ chạy trung bình bao nhiêu km/trận. Nếu cầu thủ của ta chỉ chạy 7-8km/trận thì lấy đâu sức chơi pressing tầm cao, chứ chưa nói gì đến chủ động kiểm soát bóng, áp đặt thế trận tấn công. Tới lúc này, tôi chưa thấy đội tuyển Việt Nam có miếng đánh hiệu quả nào trước các đối thủ mạnh”.

NGUYỄN CÔNG