Hoài bão dang dở?

Nếu có khách đến thăm Câu lạc bộ (CLB) Than Quảng Ninh, chủ tịch đội bóng Phạm Thanh Hùng rất thích đưa khách đi thăm nơi ăn chốn nghỉ của cầu thủ. Chịu khó đi bộ một đoạn, chúng tôi “thực mục sở thị” nơi đội bóng trồng rau sạch, nuôi gà sạch...

“Tôi thích làm bóng đá sạch nên mọi thứ ở đội đều phải sạch, từ nơi ăn chốn ở đến thực phẩm cầu thủ dùng hằng ngày”, ông Phạm Thanh Hùng cho chúng tôi hay.

Dù là Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh nhưng tên tuổi ông Phạm Thanh Hùng (sinh năm 1964) chỉ được biết đến rộng rãi khi ông làm Trưởng đoàn bóng đá nữ Việt Nam tại SEA Games 30, cùng khoản thưởng 3 tỷ đồng cho thầy trò HLV Mai Đức Chung. Còn trước đó, khi làm ông chủ ở đội bóng Than Quảng Ninh, ông Hùng khá kín tiếng dù ở đất mỏ, nhắc tới tên ông là người hâm mộ luôn thán phục độ chịu chơi và chịu chi của ông cho đội nhà. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng: “Tôi không làm bóng đá theo cách ăn xổi. Than Quảng Ninh không mua sắm ồ ạt là vì thế. Chúng tôi chỉ mua cầu thủ thực sự cần và phù hợp, còn lại ưu tiên cầu thủ trưởng thành từ đội trẻ. Như vậy đội mới có được nền móng tốt, thành công có thể lâu đến hơn nhưng đã đến rồi thì sẽ bền vững. Ngoài ra, tôi tâm niệm đã làm bóng đá là phải sạch, cầu thủ phải chơi đẹp, tiêu cực là tôi cho nghỉ. Ngay từ ngày đầu tiếp quản đội (năm 2014), tôi đã quán triệt điều này. Rất may là từ ngày ấy tới giờ, tôi chưa phải cho cầu thủ nào nghỉ”.

Trong cuộc trò chuyện với ông Hùng, điều chúng tôi ấn tượng nhất là nghe ông kể về ngày xửa ngày xưa, cái hồi chàng trai Phạm Thanh Hùng  không đủ tiền mua vé vào sân xem bóng đá, đã cuốc bộ hơn 20 cây số từ Cẩm Phả xuống Hạ Long xem Than Quảng Ninh thi đấu ở sân Hòn Gai. “Thời điểm đó, tôi đã ước khi lớn lên có thể làm điều gì đó cho bóng đá Quảng Ninh, bóng đá nước nhà. Không ngờ sau này tôi lại được quản lý đội bóng mình yêu thích. Vậy nên tôi dốc hết tâm sức để làm mà không mưu cầu gì cả”, người đứng đầu đội bóng Than Quảng Ninh hồi tưởng.

leftcenterrightdel
Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng sẽ quyết định tương lai của mình.

Mà đúng là làm Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh, ông Hùng bị chi phối bởi nhiều công việc. Để tiện cho việc chăm lo đội bóng, ông Hùng gần như ăn ngủ cùng đội luôn. Nhiều lúc, ông còn kiêm luôn chân anh nuôi cho đội. Cứ ở đâu có thực phẩm sạch, ngon là chủ hàng lại “alô” cho ông chủ đội bóng. Bữa đang ngồi trò chuyện cùng chúng tôi thì một chủ tàu điện thoại thông báo cho ông Phạm Thanh Hùng: “Anh à, có con cá mú ngon lắm. Anh có lấy về cho đội dùng không?”. “Ok, để cho anh nhé”. Rồi được một lúc thì người nhà ông Hùng điện thoại trách, ý cà chua sạch trồng ở vườn nhà chín tới độ rồi, sao anh không hái mang cho cầu thủ dùng.

Ngay như chuyện ăn uống ở đội, ông chủ Than Quảng Ninh cũng rất chiều các cầu thủ. Cầu thủ ăn cảm thấy không ngon, ông Hùng cho đổi đầu bếp ngay, điều luôn bếp trưởng từ Hà Nội xuống. Cơ sở vật chất của Than Quảng Ninh không thua kém các đội bóng mạnh khác ở V-League. Có điều, ở đội bóng vùng Đông Bắc này, các tuyến trẻ còn yếu và thiếu, đó cũng chính là nỗi lo của ông Phạm Thanh Hùng. Ngắm các đội trẻ đi học văn hóa về, ông Hùng vui lắm, bảo: “Tương lai của bóng đá đất mỏ nằm ở các cháu cả đấy. Những năm qua, tôi cùng lãnh đạo đội bóng tập trung gây dựng nền tảng cho đội. Bước đầu đã có kết quả nhưng để vô địch V-League thì còn thiếu nhiều thứ. Cái thiếu lớn nhất của Than Quảng Ninh chính là nguồn cầu thủ kế cận. Hà Nội FC sở dĩ duy trì được sự thống trị của mình ở sân chơi quốc nội là nhờ họ làm công tác đào tạo trẻ rất tốt, lực lượng vì vậy có chiều sâu và chất lượng”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Chủ tịch Phạm Thanh Hùng ấp ủ nhiều ước mơ lắm. Nhưng ở đời, mấy ai học được chữ ngờ.

Khổ vì chữ tình

Than Quảng Ninh đã chia tay hàng loạt trụ cột như Huỳnh Tuấn Linh, Nguyễn Văn Việt, Đào Nhật Minh, Giang Trần Quách Tân... Đau nhất là trường hợp ra đi của thủ môn, đội trưởng Huỳnh Tuấn Linh. Anh trưởng thành và gắn bó với CLB Than Quảng Ninh 10 năm qua, là biểu tượng của đội bóng. Huỳnh Tuấn Linh cũng hiểu, khi đội nhà gặp khó khăn mà anh ra đi thì coi như trong lòng cổ động viên, hình ảnh của anh sứt mẻ nghiêm trọng, nhưng thủ môn này phải tự cứu mình trước khi “thuyền chìm tại bến”.

Lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai mừng như bắt được vàng khi chiêu mộ thành công Huỳnh Tuấn Linh. Quân của Than Quảng Ninh khá thiện chiến nên cầu thủ nào rời Cẩm Phả, lập tức được ký hợp đồng với đội bóng mới ngay.

Vậy là đã hơn hai tuần kể từ khi CLB Than Quảng Ninh hội quân chuẩn bị cho mùa giải 2021 nhưng chưa một buổi nào đội tập chiến thuật. Trong tay HLV Phan Thanh Hùng chỉ có 14 cầu thủ. Để giải khuây, ông Hùng chia đội cho tập... bóng chuyền.

Cũng như các học trò, ông Hùng khá lo cho tương lai của mình. Chiến lược gia người Đà Nẵng này còn một năm hợp đồng với CLB Than Quảng Ninh. Giờ ông Hùng mà chia tay CLB Than Quảng Ninh, coi như đội bóng đất mỏ sụp hoàn toàn.

Vì ở thượng tầng, Chủ tịch Phạm Thanh Hùng đã úp mở với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về việc trả lại đội bóng. Nhóm cầu thủ Than Quảng Ninh còn ở lại chưa chịu ra đi, phần nhiều là vì họ quá thương yêu chủ tịch và HLV trưởng CLB.

Cuối mùa giải 2020, bầu Đức đã điện thoại thiết tha mời HLV Phan Thanh Hùng lên phố núi cầm quân. Ban cán sự Hoàng Anh Gia Lai gồm Xuân Trường, Tuấn Anh cũng điện thoại mời thầy Hùng lên phố núi... nhưng vì cái tình với đất mỏ, HLV Phan Thanh Hùng quyết tâm ở lại cho đến hết hợp đồng, dù vào mùa giải 2019, tài chính ở CLB Than Quảng Ninh đã bắt đầu gặp khó khăn.

Năm 2016, sau khi chia tay Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC), HLV Phan Thanh Hùng được Becamex Bình Dương mời chào với chế độ đãi ngộ đến khó tin: Lương 10.000USD/tháng, chưa kể phí “lót tay” có thể lên đến 50.000USD. HLV được trả lương cao nhất ở Becamex Bình Dương là Lê Thụy Hải cũng chỉ nhận 100 triệu đồng/tháng. Có thể thấy, lãnh đạo đội bóng chủ sân Gò Đậu đã “phá rào” chuyện lương thưởng để chứng tỏ tấm thịnh tình với HLV Phan Thanh Hùng, nhưng trái tim của chiến lược gia họ Phan lúc đó đã hướng về đất mỏ.

HLV Phan Thanh Hùng năm 2015 từng xin bầu Hiển cho thôi việc để ông có thể về Đà Nẵng sống cùng gia đình. Ông nhớ nhà quá, khi đã xa gia đình 5 năm để làm việc dưới trướng bầu Hiển. Cứ tưởng thời điểm 2016 ông sẽ được toại nguyện, nào ngờ ông còn Đông Bắc tiến.

Vào lúc làm ăn thuận lợi, các nhà tài trợ rót tiền đều đặn cho CLB Than Quảng Ninh. Tính ra mỗi năm, đội cũng có khoảng 70 tỷ đồng để hoạt động. Nhưng từ năm 2019, chuyện tài trợ cho CLB Than Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn, đội bóng bắt đầu nợ lương cầu thủ-chuyện xưa nay hiếm ở đội bóng đất mỏ. Còn thời điểm hiện tại, CLB Than Quảng Ninh đã nợ lương cầu thủ tới 3 tháng. Nhiều cầu thủ còn chưa được nhận tiền “lót tay”. Tiền thưởng mấy năm trước có khi cỡ cả tỷ đồng/trận thắng, nay cũng không còn nữa.

HLV Phan Thanh Hùng rất khó ăn khó nói với học trò khi đội bóng gặp cảnh lao đao. Chính bản thân ông cũng đang lo cho tương lai của mình. Nhưng ông lo cho mình thì ít mà lo cho cầu thủ thì nhiều. Ông Hùng sốt ruột vì cả hai cuộc hẹn gặp trực tiếp với Chủ tịch Phạm Thanh Hùng để bàn rõ mọi chuyện đều bị hoãn. Tuần này, sẽ là một cuộc hẹn nữa giữa hai người đứng đầu đội bóng, không rõ sự tình sẽ đi đến đâu.

Nếu HLV Phan Thanh Hùng rời CLB Than Quảng Ninh, sẽ có ngay đội bóng trải thảm đỏ mời ông về (lãnh đạo đội bóng Thanh Hóa đang ngóng tin từng giờ). Nhưng nếu ra đi, hẳn chiến lược gia sinh năm 1960 này đã lên phố núi. Hoặc xa hơn, vào thời điểm năm 2016, ông đã chọn đất Thủ Dầu Một để lập nghiệp, với mức lương không tưởng 10.000 USD/tháng cho HLV nội.

Vì chữ tình mà HLV Phan Thanh Hùng vẫn trụ lại với đội bóng đất mỏ. Nhưng đời mà, biết đâu một sớm mai thức dậy, chiến lược gia họ Phan lại bước vào cuộc phiêu lưu mới, bởi ông vừa mới gửi đơn xin thôi việc lên đội bóng.

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh về những vướng mắc mà CLB Than Quảng Ninh đang gặp phải; sẽ không có chuyện Than Quảng Ninh giải thể hay Chủ tịch CLB Phạm Thanh Hùng chia tay đội bóng.

Bài và ảnh: MINH NHI