Bóng đá thập niên 90 thế kỷ trước dường như không phải là lựa chọn nghề nghiệp đáng mơ ước cho các cô gái. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc nhiều bậc cha mẹ không muốn cho con gái mình chơi bóng. Huấn luyện viên (HLV) Mai Đức Chung nhớ lại: “Xã hội rất khó chấp nhận sự tồn tại của một đội bóng như vậy”. Vào giai đoạn 1994-1996, nếu như lãnh đạo ngành thể thao Hà Nội khi đó là ông Hoàng Vĩnh Giang hết lòng ủng hộ bóng đá nữ (đội có tên rất đẹp-Hoa học trò-tập luyện ở sân Quần Ngựa) thì ở trong Nam, lãnh đạo ngành thể thao lại không mấy mặn mà để ủng hộ sự phát triển của đội bóng đá nữ quận 1.

leftcenterrightdel
           

Bích Thùy ăn mừng sau khi ghi bàn ấn định chiến thắng 2-0 cho đội tuyển nữ Việt Nam trước Nepal, ở trận ra quân tại ASIAD 19. Ảnh: VIỆT AN

Thế rồi, đúng như lời ông Hoàng Vĩnh Giang chia sẻ, khi các thành viên đội bóng đá nữ Hoa học trò ôm lấy ông khóc như ri vì khổ, vì tủi thân: “Các cháu hãy cố gắng tập luyện. Bác tin là tương lai của các cháu, của đội bóng sẽ rất tươi sáng. Các cháu phải cố gắng thi đấu có thành tích, có như vậy bác mới có cơ sở xin kinh phí và tài trợ cho đội bóng”.

Tôi vẫn nhớ, mỗi lần ông Hoàng Vĩnh Giang đến thăm đội bóng Hoa học trò, nhất là vào dịp ngày hè trời mưa to, các cầu thủ nữ phải kiếm xỉ than, cát, gạch đổ xuống đường để lấy lối đi. Sân Quần ngựa những năm 90 hễ trời mưa là đường tứ bề ngập nước.

Một phần tư thế kỷ sau, đội tuyển nữ Việt Nam là một trong những đội thống trị Đông Nam Á, thể hiện sức mạnh tuyệt đối ở SEA Games và Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á. Tháng 7 vừa qua, thầy trò HLV Mai Đức Chung ghi dấu ấn lịch sử khi tham dự World Cup. Sự xuất hiện của đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup nữ 2023 là đỉnh cao của kế hoạch phát triển bóng đá nữ kéo dài gần một thập niên của FIFA, một phần thông qua việc mở rộng sân chơi World Cup nữ từ 16 lên 24 đội, và ở kỳ World Cup nữ vừa qua là 32 đội.

Đội tuyển nữ Việt Nam đã rời giải đấu trên đất Australia và New Zealand mà không ghi được bàn thắng nào. “Chúng tôi đã trải qua những thất bại trước Mỹ, Bồ Đào Nha và Hà Lan, đó là những bài học kinh nghiệm quý giá cho đội nhà”, tiền đạo Huỳnh Như chia sẻ.

Hơn bất kỳ cầu thủ Việt Nam nào, Huỳnh Như, 32 tuổi, đại diện cho sự phát triển và hội nhập của bóng đá nước nhà trên trường khu vực và quốc tế. Cô không chỉ là cầu thủ nữ đầu tiên của Việt Nam chơi cho một câu lạc bộ ở châu Âu, ghi 7 bàn thắng trong mùa giải trước cho Lank FC, mà còn vừa được đội bóng của Bồ Đào Nha này gia hạn hợp đồng với mức lương tăng lên đáng kể, khoảng 3.000 euro mỗi tháng.

Bóng đá mang lại nhiều nguồn lợi cho các ngôi sao của đội tuyển nữ Việt Nam, mà điển hình cũng là Huỳnh Như. Đội trưởng đội tuyển nữ Việt Nam là gương mặt đại diện cho nhiều nhãn hàng. Nhưng không phải ai cũng có sự nghiệp suôn sẻ như Huỳnh Như, khi được bố mẹ hậu thuẫn vô điều kiện. Cha cô, ông Huỳnh Thanh Liêm, một cựu cầu thủ, bắt đầu huấn luyện khi con gái 4 tuổi. Mẹ cô, bà Lê Thị Lài buôn bán ở một khu chợ vùng nông thôn Trà Vinh, đã mang về nhà quả bóng theo yêu cầu của con gái rượu.

ASIAD 19, Huỳnh Như không tham dự vì bận thi đấu cho Lank FC nhưng các đồng đội sẽ nhìn vào con đường tiến thân, sự nghiệp của cô để học tập. HLV Mai Đức Chung tin tưởng trong đội hình đội tuyển nữ Việt Nam hiện nay, có 3-4 cầu thủ đủ sức sang châu Âu chơi bóng. Á vận hội kỳ này cũng chính là dịp để các tuyển thủ nữ Việt Nam thể hiện năng lực trước đội ngũ tuyển trạch viên. Thành công của Huỳnh Như trong màu áo Lank FC chính là nguồn cảm hứng cần thiết cho đồng đội, để nuôi dưỡng, chắp cánh cho những ước mơ vươn xa...

HÀ THÀNH