Ông ngoại truyền cảm hứng

Đến nay, Thùy Linh có 17 năm theo nghiệp cầu lông mà phía sau đó là muôn vàn thử thách, ngã rẽ khắc nghiệt cùng cả tuổi thơ và thời thanh xuân phải hy sinh để tạo nên giấc mơ có thật cho chính mình với một môn khó đua tranh quốc tế nhất của thể thao Việt Nam. Đây thực sự là một trường hợp “độc nhất vô nhị” như lời ví von trong sự thán phục của Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Lê Thanh Hà cùng giới chuyên môn.

Hành trình ngoạn mục của cô gái quê Phú Thọ sinh năm 1997 khác hẳn các đồng nghiệp đều qua tuyển chọn, đào tạo bài bản ở những cái nôi truyền thống, khi chỉ khởi nguồn từ những buổi theo ông ngoại chơi cầu lông phong trào. Chính ông ngoại-người thầy đầu tiên đã dạy Linh cách cầm vợt, gợi mở đam mê và cũng chính ông đã nhìn ra tố chất ban đầu rồi vận động, thuyết phục để cháu gái được theo học cầu lông “xem như thế nào”.

Mới 10 tuổi, Linh đã rời xa gia đình lên Thủ đô ăn tập trong một môi trường lạ lẫm. Qua hai năm tập luyện, Linh được mẹ đón về nhà vì lo cho tương lai, muốn con tập trung học văn hóa. Nhờ ông ngoại thấu hiểu và đứng ra “bảo lãnh”, Linh mới có thể trở lại với cầu lông sau hai năm gián đoạn. Kể từ thời điểm ấy, cô bé tự hứa với mình sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Động lực để Linh phấn đấu còn đến từ hai nỗi đau quá lớn, mất mẹ ở tuổi 14 và sau đó một năm ông ngoại-“người bạn lớn” cũng qua đời. Linh đã “trút” tất cả khát vọng và nỗi niềm của mình vào những buổi tập 8 tiếng, rồi 10 tiếng đồng hồ miệt mài và lặng lẽ mỗi ngày ở địa điểm mới là Đà Nẵng.

Sau đúng hai năm tái xuất, thiếu nữ xinh đẹp đất Tổ đã có cuộc đột phá quan trọng đầu tiên khi giành Huy chương Vàng Giải vô địch cầu lông cá nhân thiếu niên toàn quốc năm 2014 vô cùng ấn tượng, được ví như một hiện tượng mới. Linh “bay” thẳng vào đội tuyển quốc gia, giành quyền dự tranh huy chương tại Đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2015 (SEA Games 28), sớm xác lập vị trí tay vợt nữ số 2 sau đàn chị Vũ Thị Trang khi mới 18 tuổi.

leftcenterrightdel

Nguyễn Thùy Linh ngày càng cho thấy bản lĩnh của một tay vợt tài năng. Ảnh: LÂM THỎA

Khẳng định đẳng cấp 

Một vận động viên 18 tuổi khác có thể bằng lòng với ngôi vị số 2, nhất là chỉ đứng sau một Vũ Thị Trang đang ở đỉnh cao nhất của sự nghiệp, nhưng Linh thì không. Qua nhiều lần phải gác vợt giống như “dớp” về nhì, Thùy Linh chính thức soán ngôi đàn chị với chiến thắng nghẹt thở 2-1 tại bán kết cầu lông nữ Đại hội thể thao toàn quốc 2018. Đến năm 2020, Linh giành chức vô địch ở cả giải vô địch quốc gia và giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc, đoạt suất chính thức tham dự Olympic Tokyo 2020, để xác lập ngôi vị số 1 nữ vượt trội của mình trong làng cầu lông Việt Nam.

Tại đấu trường Olympic Tokyo 2020, dù rơi vào bảng đấu khó nhưng “tân binh” Thùy Linh gây sửng sốt với hai trận thắng áp đảo 2-0 trước Xuefei Qi (Pháp) và Sabrina Jaquet (Thụy Sĩ), chỉ chịu thua tay vợt nữ số 1 thế giới Tai Tzu Ying (Đài Bắc Trung Hoa). Linh được Liên đoàn Cầu lông thế giới vinh danh trong một bài viết trên trang chủ về màn trình diễn “hơn cả một chiến thắng”.

Để có thêm nguồn kinh phí bảo đảm, Thùy Linh chuyển về Đồng Nai, một đơn vị có tiềm lực tốt. Thùy Linh đã nhận được những thành quả xứng đáng trong năm 2023 khi cô làm nên lịch sử, lần đầu lọt vào tốp 20 đơn nữ thế giới, cầm chắc một suất chính thức tới Olympic Paris 2024, vô địch Giải quốc tế Yonex Sunrise Vietnam Open, vô địch Giải quốc tế Ciputra Hanoi-Yonex Sunrise, vào tứ kết 3 giải quốc tế.

Đáng nói hơn, tay vợt nữ số 1 Việt Nam cũng cho thấy đẳng cấp mới, sự tập trung cao độ và bản lĩnh lớn trong thi đấu. Những chiến thắng vang dội trước ZhangYi Man (Trung Quốc), đối thủ trong tốp 10 thế giới như Beiwen Zhang (Mỹ) hay Gregoria Mariska Tunjung (Indonesia) ở các giải quốc tế tầm cỡ đã khẳng định nội lực và sức vươn tuyệt vời của Thùy Linh.

PHÚC TƯỜNG