Không riêng Phạm Quang Huy, với nhiều VĐV, HLV thể thao thành tích cao, việc tập huấn và thi đấu quốc tế, trao đổi với các chuyên gia người nước ngoài diễn ra thường xuyên. Nhằm nâng cao chuyên môn đòi hỏi các HLV, VĐV rèn luyện vốn ngoại ngữ để không chỉ hiểu các đối thủ mà còn cập nhật những kiến thức, phương pháp huấn luyện mới. Ngoài tiếng Anh, một số ngoại ngữ như tiếng Trung, tiếng Thái, tiếng Hàn... được nhiều HLV, VĐV Việt Nam sử dụng thành thạo. Đơn cử, trước khi tham dự Giải vô địch wushu châu Á 2024, võ sĩ Dương Thúy Vi được bộ môn wushu Hà Nội tạo điều kiện tự liên hệ địa điểm mà mình thấy phù hợp và một mình đi tập huấn tại Trung Quốc. Cũng nhờ sự tự tin, bản lĩnh và hiểu đối thủ do thông thạo tiếng Trung, Dương Thúy Vi đã gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào, nổi bật nhất là tấm huy chương vàng World Games 2022.

Đối với bộ môn bi sắt Hà Nội, việc nhiều năm sử dụng chuyên gia người Thái Lan đã tạo cơ hội để một số HLV, VĐV học tiếng nước bạn. Do yêu cầu trao đổi chuyên môn mỗi ngày, ông Đặng Xuân Vui, Trưởng bộ môn bi sắt Hà Nội cũng phải tự học tiếng Thái. Bởi vậy, mỗi khi bộ môn bi sắt Hà Nội thuê chuyên gia người Thái Lan hay đi tập huấn tại xứ chùa vàng, ông Đặng Xuân Vui lại tự tin dẫn quân sang nước bạn. Học trò của ông Vui, VĐV Vũ Thị Thu không chỉ giỏi tiếng Thái mà còn thông thạo tiếng Anh. Bởi vậy, Vũ Thị Thu được bộ môn tạo điều kiện tham gia các khóa học quốc tế và sớm nhận bằng trọng tài đẳng cấp thế giới khi đang là VĐV. Nhờ tinh thần tự học ngoại ngữ để nghiên cứu đối thủ cùng các phương pháp huấn luyện mới, dù đi sau nhưng bộ môn bi sắt Hà Nội hiện là đơn vị dẫn đầu cả nước trong đào tạo và huấn luyện tài năng bi sắt. 

leftcenterrightdel

 Võ sĩ wushu Dương Thúy Vi trong phần thi thương thuật tại Asian Games 19.

Việc học ngoại ngữ của VĐV chịu ảnh hưởng lớn từ những người thầy. Trong làng thể thao Việt Nam hiện nay, có nhiều quản lý, lãnh đạo, HLV thông thạo ngoại ngữ. Sinh thời, nhờ vốn tiếng Nga và tiếng Trung tốt, ông Hoàng Vĩnh Giang, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam đã có nhiều hoạt động ngoại giao thể thao, góp phần vào sự phát triển của thể thao Hà Nội và thể thao Việt Nam. Thế hệ HLV của thể thao Việt Nam hiện nay cũng có nhiều người đa tài, không ngừng học hỏi từ nước bạn để áp dụng vào công tác đào tạo và huấn luyện VĐV.

Một số đội tuyển thể thao Việt Nam hiện nay có sử dụng chuyên gia người nước ngoài mà không cần thuê thêm người phiên dịch. Đơn cử như HLV Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn đấu kiếm Hà Nội có thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh, tiếng Trung, nhiều năm liền tự dẫn quân đi tập huấn và thi đấu ở nước ngoài. Ông Hoàng Anh Tuấn, HLV câu lạc bộ Becamex Bình Dương cũng có thói quen tự học tiếng Anh và có thể giao tiếp tốt với đồng nghiệp các nước bạn. VĐV cầu lông Nguyễn Thùy Linh thời gian qua vẫn thường đi một mình trong những chuyến tập huấn và thi đấu quốc tế. Hay Câu lạc bộ bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh Thông tin-Trường Tươi Bình Phước thành lập một nhóm VĐV thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ nhau việc học tiếng Anh... Môi trường khắc nghiệt của thể thao đã giúp các HLV, VĐV hun đúc ý chí, tinh thần vượt khó, tự học để nâng cao hiểu biết ngoại ngữ và chuyên môn. 

Bài và ảnh: TAM NINH