Hãy đến sân tiêu thật nhiều tiền

Từ đầu năm tới giờ, người hâm mộ ở xứ sương mù liên tục biểu tình, phản đối giá vé xem Ngoại hạng Anh ngày càng vượt quá khả năng chi tiêu. Thực sự giá vé ở Ngoại hạng Anh có đắt?

“Trên sân, người hâm mộ của chúng tôi thật tuyệt vời. Tôi gọi họ là những người hâm mộ cuồng nhiệt. Nhưng ở nhà, họ sẽ uống một ít đồ uống, ăn bánh mì kẹp tôm, làm vài lát thịt bò. Họ không nhận ra điều gì đang diễn ra trên sân”. Bình luận sau trận đấu của Roy Keane (cựu tiền vệ Manchester United-MU) năm 2000 trở nên khét tiếng vì đã nhắc tới một bộ phận cổ động viên (CĐV) ở Old Trafford "lười" đến sân.

leftcenterrightdel
                                  

Cổ động viên Liverpool giăng một biểu ngữ ở sân Anfield có nội dung “những người ủng hộ chứ không phải khách hàng”. Ảnh: Getty

Gần 1/4 thế kỷ trôi qua và các ông chủ đội bóng ở Ngoại hạng Anh vẫn thấy bình luận của Roy Keane quá chuẩn. Họ muốn thật nhiều CĐV đến sân, cổ vũ, ăn uống, mua sắm. Tóm lại, người hâm mộ hãy đến sân và tiêu thật nhiều tiền.

Sir Jim Ratcliffe, đồng sở hữu mới của MU đã nói vào đầu tháng 4-2024: “Các đội bóng phải mang đến nhiều hoạt động giải trí hơn cho CĐV thụ hưởng khi đến sân. CĐV sẽ nhâm nhi một miếng khoai tây, mua sắm một chút gì trước, trong và sau trận đấu. Nếu mọi CĐV, thay vì chi 2 bảng Anh cho một chiếc bánh mì kẹp thịt trong thời gian nghỉ giữa hiệp, ở lại thêm vài phút và chi tiêu tầm 15-20 bảng Anh thì đó là đôi bên cùng có lợi. Người hâm mộ có nhiều trải nghiệm, kỷ niệm; còn đội bóng MU được hưởng lợi vì có thêm ngân sách để mua những cầu thủ tốt hơn”.

Sự thay đổi dần dần này hướng tới mô hình ở Mỹ, nơi các câu lạc bộ (CLB) coi trọng thời gian ở trong sân vận động. Một nửa trong số 20 đội bóng ở Premier League hiện thuộc sở hữu một phần hoặc toàn bộ của người Mỹ hoặc các công ty Hoa Kỳ. Mà giới chủ Mỹ thì rất biết cách “móc tiền” CĐV.

Trong những tuần gần đây, các cuộc biểu tình được tổ chức ngày càng rầm rộ tại Tottenham, Manchester City và Fulham, với việc người hâm mộ cáo buộc các CLB lợi dụng lòng trung thành của họ trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Vậy với giá vé đang được bán, chi phí của một trận đấu ở Premier League so với các môn thể thao khác như thế nào?

Giá vé Premier League đã trở thành một vấn đề gây chia rẽ khi các CLB cân nhắc giữa nhu cầu xoa dịu lượng người hâm mộ địa phương, người hâm mộ trung thành, trong khi cố gắng thu hút lượng người theo dõi toàn cầu hơn và mang lại thêm doanh thu.

Đối với một số CĐV, tăng giá vé là một đòn đánh vào lòng trung thành. Vào cuối tháng 3-2024, nhiều người hâm mộ Tottenham đã quay lưng lại trên khán đài, khi đội nhà đấu với Luton Town ở phút thứ 65, để phản đối kế hoạch của CLB nhằm loại bỏ các ưu đãi dành cho những người mua vé cả mùa giải từ 65 tuổi trở lên.

Cùng thời điểm trên, tại sân vận động Etihad, nhóm CĐV Manchester City có tên “1894” giăng biểu ngữ với nội dung: “Lợi nhuận kỷ lục nhưng giá vé cao kỷ lục. Đừng lợi dụng lòng trung thành của chúng tôi nữa!”.

Còn đầu mùa giải này, người hâm mộ Fulham đã phản đối giới chủ đội bóng khi giá vé cả mùa giải dành cho người lớn-trên 65 tuổi-đã tăng 18% so với mùa bóng 2022-2023, hiện lên tới 3.000 bảng Anh (cho 38 trận).

Đầu tháng 4-2024 có tới 17/20 CLB ở Premier League thông báo tăng vé mùa giải tới. Còn ở mùa giải này, giá vé của MU và Manchester City cùng tăng 5% so với mùa bóng 2022-2023.

Không ai muốn chỉ là khách hàng

Dominic Rosso, Phó chủ tịch Hội CĐV Chelsea cho biết: “Ngày càng có nhiều người hâm mộ cảm thấy mình là khách hàng thay vì người ủng hộ. Có cảm giác bóng đá đang bị tước đi linh hồn”.

Chi tiêu quá mức, dễ vi phạm luật công bằng tài chính nên hàng loạt đội bóng ở Ngoại hạng Anh đang tìm cách kiếm tiền từ những tấm vé cao cấp. Manchester City cung cấp gói “vé chữ ký” với giá 4.200 bảng Anh cho một trận đấu, bao gồm gặp gỡ và chào đón huyền thoại CLB, tham quan sân vận động Etihad và cơ hội nhìn thấy các cầu thủ từ đường hầm kính. West Ham tung ra vé trị giá 4.000 bảng Anh bao gồm việc xem một trận đấu và một chuyến du ngoạn bằng trực thăng trên bầu trời London.

Ngoài vé xem cả mùa, giá vé xem một trận đấu thường lệ ở Premier League cũng tăng lên. Hiện tại, vé xem sân nhà có giá khoảng 45-60 bảng Anh. Tuy nhiên, đặc biệt là ở các CLB lớn như MU, chúng cực kỳ khó mua và vé có xu hướng quanh quẩn trong mạng lưới gia đình hoặc bạn bè thân thiết, đáng tin cậy. Vé sân khách được giới hạn ở mức 30 bảng Anh-một sự nhượng bộ khó giành được tình cảm từ người hâm mộ, bởi họ còn bỏ ra hàng loạt chi phí cho việc di chuyển, ăn ở...

Ở La Liga, giá vé trung bình thấp nhất là 37 euro/trận trong khi cao nhất là 91 euro/trận. Vé Serie A thậm chí rẻ hơn, chỉ khoảng 10 euro tại Empoli, khoảng 40 euro tại Lazio, Roma nhưng thật khó để mua vé ở những sân vận động mang tính biểu tượng như San Siro (AC Milan và Inter Milan), Allianz (Juventus)-nơi luôn có nhu cầu vé rất cao từ người hâm mộ trung thành.

Ở Ngoại hạng Anh, doanh thu từ bán vé mang về cho giới chủ Tottenham gần 6 triệu bảng Anh mỗi trận (MU thu về 4,25 triệu bảng Anh/trận), trong khi sân cũ White Hart Lane của họ chỉ mang về trung bình 1 triệu bảng Anh/trận. Sân vận động mới của Tottenham được trang bị quán bar tốt hơn bất kỳ nơi nào khác trong giải đấu. Ban lãnh đạo Tottenham cũng cho thuê sân nhà của họ để tổ chức các buổi hòa nhạc (họ đã có 5 đêm biểu diễn của ca sĩ nổi tiếng Beyonce vào cuối mùa giải trước) và có thỏa thuận 10 năm để tổ chức các trận đấu của giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ.

Giống như Premier League, chi phí để xem các môn thể thao đỉnh cao khác tiếp tục tăng lên (như bóng rổ, bóng chày, bóng bầu dục, quần vợt...) với những lo ngại rằng nó đang trở thành thứ dành riêng cho những người giàu có. Vé rẻ nhất cho trận đấu của đội tuyển bóng bầu dục Anh với New Zealand tại Twickenham vào tháng 11-2023 là 99 bảng Anh cho một người lớn, trong đó vé VIP đắt nhất là 229 bảng Anh.

Ở môn đua xe công thức 1, vé xem buổi tập của các tay đua ở trường đua Silverstone (Anh quốc) năm 2019 là 50 bảng Anh, nay là 169 bảng Anh; còn vé để xem buổi đua chính tại trường đua này ở mùa giải công thức 1 năm nay có giá trung bình 364 bảng Anh.

Trong thông báo mới nhất, Ban tổ chức Olympic Paris 2024 cho biết, vé xem chung kết điền kinh tại sân Stade de France có giá 990 euro/ngày cho ghế hạng nhất, giảm dần từ 690, 385 xuống 195, 85 euro cho vé hạng A, B, C, D.

Để so sánh, ở Mỹ, nhiều môn thể thao vận hành “mô hình định giá vé linh động” tương tự như các hãng hàng không và khách sạn.

Điều này có nghĩa là giá vé dao động theo cung-cầu, vì vậy, bạn có thể mua vé rất rẻ cho một trận đấu ít được quan tâm nhưng nếu muốn có chỗ ngồi tốt cho một trận đấu lớn (có sự xuất hiện của Messi chẳng hạn), bạn có thể phải chi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn USD.

Còn tại Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA), có nhiều vé được bán cho công chúng hơn, ít vé bán cả mùa hơn. Giá vé thay đổi tùy theo các yếu tố như: Đối thủ, chỗ ngồi, địa điểm và gói cụ thể được sử dụng để mua vé (vé một trận đấu, vé xem 10 trận hay gói 41 trận đầy đủ) và liệu vé được mua ở đâu. Ví dụ, vé xem Boston Celtics ở lượt đầu tiên của vòng play-off NBA hiện có sẵn để mua dưới dạng “vé bán lại đã được xác minh” với giá dao động từ 139 đến 2.490USD/vé. Một báo cáo riêng của Team Marketing ước tính sẽ tốn ít nhất 631USD để đưa một gia đình 4 người đi xem một trận đấu, mua đồ ăn cùng 2 món quà lưu niệm và 1 chỗ đậu xe ở giải NBA.

Vậy là, khi so sánh với các môn thể thao khác, Premier League có thể xuất hiện giá vé với mức giá cạnh tranh, khi mà tỷ giá USD, bảng Anh và euro ngày càng thu hẹp.

Tuy nhiên, khi chi phí tiếp tục tăng và ngày càng có nhiều cuộc biểu tình được tổ chức bên ngoài các sân bóng nước Anh, có cảm giác người hâm mộ đang đạt đến một điểm mấu chốt mà một số người cảm thấy đây là cuộc chiến vì linh hồn của bóng đá. Đám đông muốn là CĐV nhiệt thành chứ không phải là khách hàng.

NGUYỄN CÔNG