Võ sư Trần Việt, Chánh văn phòng Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, Trưởng môn Đông Đô Việt võ phái, cũng là người nhiều năm nghiên cứu về võ cổ truyền kể rằng: Trong võ cổ truyền, khi xây dựng các bài võ liên quan đến loài vật, ban đầu chỉ có ngũ hình, gồm: Long (rồng), hổ, hạc, báo, xà (rắn). Sau đó, khi mở rộng lên thập hình thì có mèo bên cạnh kê (gà), hầu (khỉ), mã (ngựa), quy (rùa). Cũng phải kể thêm, không chỉ tại Việt Nam, miêu quyền còn có ở Nhật Bản, Trung Quốc...

Cũng theo võ sư Trần Việt, những động tác của miêu quyền được xây dựng dựa trên hình thái vận động của con mèo, trong đó, mô phỏng cước bộ di chuyển nhẹ nhàng, không tiếng động nhưng vọt đi rất nhanh; khi vồ, chộp thì móng vuốt rất lợi hại, ghê gớm. Trong những bài miêu quyền thường có động tác bước dài chân rồi trườn thấp xuống, bất ngờ vọt lên. Điều này bắt nguồn từ động tác mèo nằm phơi nắng, rồi ưỡn cơ thể để giãn gân, giãn cơ.

Các đòn tay của miêu quyền đánh ở cự ly gần, vuốt, nhả như động tác tấn công của mèo. Ngay động tác mèo trèo cây cũng được các dòng võ cổ truyền ứng dụng với những động tác ra đòn liên hoàn làm đối phương không kịp rút tay.

Cũng phải kể thêm, mèo có động tác rất thú vị là vào buổi sáng thường rửa mặt, lấy tay dụi mắt. Các võ sư nhìn thấy động tác quen thuộc này và đúc kết ra kỹ thuật chiến đấu bằng tay, mô phỏng động tác tay con mèo rửa mặt, còn gọi là “miêu tẩy diện”, trong đó dùng tay gạt đòn đánh đối thủ rồi phản đòn vào các yếu huyệt. Đặc biệt, các dòng võ ở Bình Định còn

phát triển động tác “miêu tẩy diện” thành bài võ. Rõ nhất và nổi tiếng nhất là võ đường Lý gia của võ sư Lý Xuân Hỷ có bài “Miêu tẩy diện”, được rất nhiều người tập luyện, tham khảo. Cũng còn nhiều dòng phái khác có bài liên quan đến mô phỏng động tác của mèo như “Linh miêu mai phục” (mèo rình mồi), “Linh miêu giảo trụ” (mèo trèo cột), “Linh miêu thám trảo” (mèo dùng trảo vồ), "Linh miêu hí thử" (mèo vờn chuột), "Linh miêu vọng nguyệt" (mèo nghịch trăng)...

Còn Đông Đô Việt võ phái lại xây dựng bài "Miêu trảo" gồm 16 bộ, mô phỏng các thế tấn, thế đánh của mèo. Trong đó, có miêu tấn (kết hợp tấn trảo mã, trung bình tấn) và chủ yếu dùng tay chộp như của mèo khi tấn công. Các đòn tấn công hướng vào hốc mắt, hai bên quai hàm, dưới cổ họng, hầu và xương quai xanh, hai hốc nách, hạ bộ... Từ 16 bộ "Miêu trảo" mô phỏng các thế tấn, thế đánh kết hợp với nhau có thể biến hóa thành nhiều bài khác nhau.

leftcenterrightdel
Võ sinh của Đông Đô Việt võ phái tập luyện bài "Miêu trảo". Ảnh: VIỆT TRẦN 

Với môn võ đặc thù như vậy nên miêu quyền phù hợp với những người có thể hình không cao lớn, gọn, nhỏ để phù hợp với kỹ thuật luồn, tránh, đánh cận chiến. Ở Đông Đô Việt võ phái, yêu cầu với người tập miêu quyền phải có bước chân nhanh, nhẹ nhàng như mèo; phải luyện cho ra được cước bộ của mèo bước đi như lá rơi, áp sát di chuyển nhẹ nhàng để tiếp cận đối thủ hay rất nhanh khi rút về phòng thủ.

Cũng vì lẽ đó, phải có bài tập phù hợp với miêu quyền như các bài chạy, nhảy buộc túi cát vào chân; đứng chân và di chuyển thành thạo trên các chiếc bát úp sao cho không để bị lật bát, vỡ bát. Như thế, đòi hỏi trọng tâm cơ thể phải đặt chuẩn để bảo đảm thăng bằng. Nếu bước mạnh, hấp tấp, bát có thể vỡ.

Đòn đá trong miêu quyền còn gọi là “miêu cước” phải thực hiện rất nhanh, đá xong phải rút chân về cực nhạy. Các thầy hay để tấm vải treo trước cửa, học trò đá vào thì tấm vải phải in vết chân tiếp xúc, còn tấm vải lay nhẹ nhất có thể, nếu tấm vải không lay thì còn gì tuyệt bằng.

Nhắc về chuyện này, võ sư Trần Việt cười: “Giờ áp dụng phương pháp ấy thì ít người theo tập. Thế nên, chúng tôi linh hoạt trong hình thức tập luyện như thay vì giẫm lên bát thì người tập giẫm lên nửa viên gạch để có sự thăng bằng khi tiến, lui...”.

Với sự quan sát của những người trong nghề, một võ sinh sau khi để đạt mức có căn bản tốt cũng mất khoảng 3 năm. Sau đó, cũng mất hơn một năm để tập thuần thục, đánh ra nét con mèo gồm cả động tác cũng như hình thái, trong đó có ánh mắt. Như lời của võ sinh Trần Nam Sơn (Đông Đô Việt võ phái) thì: “Càng tập càng thấy bài "Miêu trảo" có nhiều nét tinh túy và để thẩm thấu hết có lẽ không chỉ dừng lại ở vài năm tập luyện”. Thực tế, dù trước đây hay hiện nay thì các võ sư vẫn luôn tìm những võ sinh đủ tố chất để truyền dạy bài võ của mình. Từ lâu, Đông Đô Việt võ phái đã chủ động lưu giữ bài võ bằng cách ghi hình rồi lưu và đẩy lên các nền tảng công nghệ kết hợp truyền dạy để nhiều người cùng tập.

 Võ sư Trần Việt cho biết thêm: Ngoài các võ phái, Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam cũng bắt đầu coi trọng việc lưu trữ, số hóa những bài võ cổ truyền trong đó có các bài liên quan đến võ mèo.

 

MINH AN