Vào Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) Quốc phòng 5 tập luyện từ năm 11 tuổi, Trần Hưng Nguyên được thầy Trương Ngọc Tuấn huấn luyện cơ bản 4 kỹ thuật: Bơi bướm, bơi ngửa, bơi ếch, bơi tự do. Sau một thời gian khổ luyện, một trong những sở trường của Nguyên là nội dung hỗn hợp cá nhân.

Nhìn lại quãng đường đã qua, Trần Hưng Nguyên tâm sự: “Em cũng không nghĩ mình có thể phát triển nhanh đến vậy. Công lao của các thầy ở Trung tâm TDTT Quốc phòng 5, ở đội tuyển bơi quốc gia, suốt đời em không quên”.

Trò chuyện với tác giả bài viết, Nguyên nhớ lại ngày bé chỉ mong sao sớm phụ giúp được gia đình, để bố mẹ đỡ khổ. Ngày rời gia đình ở Quảng Bình vào Nam, Nguyên nhủ thầm rằng bố mẹ sẽ không còn phải vất vả nuôi mình, còn sau này... Thực sự, Nguyên không nhớ lúc đó bản thân mong ước điều gì. Có thể là những bữa cơm có thịt, quần áo mặc đủ ấm. Nhưng trong thâm tâm, Nguyên luôn tin tưởng các thầy, nhất là thầy Trương Ngọc Tuấn sẽ giúp mình trở thành người tử tế, có ích cho xã hội.

Trần Hưng Nguyên sinh năm 2003 tại Quảng Bình, trong một gia đình có 3 anh em. Tuổi thơ của Nguyên không gắn với sông nước và em cũng không biết bơi, cho đến khi bén duyên với môn bơi một cách rất tình cờ. Vào năm 2013, một người họ hàng của gia đình Trần Hưng Nguyên từ TP Hồ Chí Minh về thăm quê, thấy hoàn cảnh gia đình Nguyên khó khăn nên ngỏ ý muốn đưa Nguyên vào TP Hồ Chí Minh để học bơi, nhằm mở hướng tương lai. Người họ hàng ấy chính là bà Quách Thị Dung, mẹ của cựu tuyển thủ bơi Trương Ngọc Tuấn lừng lẫy một thời. Thể thao nước nhà và thể thao quân đội phải cảm ơn bà Dung, bởi bà đã có con mắt nhìn người "quá đỉnh". Sau 3 năm, dưới sự hướng dẫn của thầy Trương Ngọc Tuấn, Nguyên đã được gọi vào đội tuyển bơi quốc gia và được đánh giá là niềm hy vọng mới cùng những đàn anh như: Nguyễn Hữu Kim Sơn, Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Quý Phước...

leftcenterrightdel

Trần Hưng Nguyên là niềm tự hào của thể thao nước nhà. Ảnh: TRỌNG HẢI

Trong hai năm ăn tập đầu tiên, Nguyên không có nhiều thành tích, khi chỉ về hạng 5-6 ở các giải đấu. Không nản chí, Nguyên nỗ lực tập luyện vì niềm tin các thầy đặt vào mình. Trong kỳ SEA Games đầu tiên được tham dự (SEA Games 30), Trần Hưng Nguyên lập tức tỏa sáng khi giành huy chương vàng (HCV) nội dung 200m hỗn hợp; HCV, phá kỷ lục nội dung 400m hỗn hợp. Bên cạnh đó, Nguyên còn góp công ở hai tấm huy chương đồng cự ly tiếp sức 4x100m hỗn hợp và 4x100 tự do nam. Ở SEA Games 31, Trần Hưng Nguyên trở thành tuyển thủ quân đội thi đấu thành công nhất với 4 HCV, phá hai kỷ lục tại đại hội ở nội dung 400m hỗn hợp và 4x200m tự do tiếp sức. Đặc biệt, ở nội dung 4x200m tự do tiếp sức, Trần Hưng Nguyên đã cùng các đàn anh: Nguyễn Hữu Kim Sơn, Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Quý Phước lập kỷ lục SEA Games mới, giành HCV quý giá cho bơi Việt Nam trước sự bàng hoàng của đội bơi Singapore.

Nhìn lại thành tích ở SEA Games 31, Trần Hưng Nguyên chia sẻ: “Em có được thành công như hôm nay là nhờ vào công lao rất lớn của các thầy, các chuyên gia trong ban huấn luyện đội tuyển bơi quốc gia, Trung tâm TDTT Quốc phòng 5. Em sẽ luôn nỗ lực để giành thành tích cao ở các giải đấu trong tương lai. Em hạnh phúc vì đã góp phần vào thành tích chung của thể thao quân đội và thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Em mừng vì đã có điều kiện giúp bố mẹ đỡ vất vả”.

MINH CHIẾN