Không lâu sau khi Joseph Schooling và đồng đội ăn mừng lúc về nhất ở nội dung tiếp sức 4x100m tự do nam, ban tổ chức đã thông báo kết quả không được công nhận vì đội tuyển Singapore lẫn Malaysia đều phạm quy.
Schooling là người bơi lượt cuối của đội Singapore ở chung kết nội dung 4x100m tự do nam tối 14-5. Kình ngư từng giành HCV ở Olympic Rio de Janeiro 2016 về đích đầu tiên, bỏ xa các đối thủ. Thế nhưng, chính sai lầm của Schooling khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ. Giới chuyên môn cho rằng, bất kể ở SEA Games 31 Schooling giành được bao nhiêu HCV thì sai lầm của đồng đội vào tối 14-5 tại Cung thể thao dưới nước (Mỹ Đình, Hà Nội) có thể khiến kình ngư này một lần nữa rơi vào khủng hoảng.
6 năm trước, sau khi đoạt HCV, lập kỷ lục ở Thế vận hội Rio de Janeiro 2016, Schooling trở thành "quốc bảo" của Singapore. Cuộc đời anh đã sang trang thực sự khi đánh bại tay bơi huyền thoại người Mỹ Michael Phelps tại Olympic 2016. Thật ngạc nhiên, người truyền cảm hứng cho Schooling trở thành kình ngư nổi tiếng thế giới không ai khác chính là Michael Phelps.
Năm 2008, khi đang ngồi học ở trường, Schooling, khi đó là cậu học sinh 13 tuổi, nghe các bạn ở ngoài sân trường hò reo: “Michael” (Phelps) kìa”. Đó là lúc đội tuyển bơi Mỹ đến Singapore tập huấn trước khi sang Bắc Kinh dự Olympic 2008. Schooling liền xin phép thầy giáo, chạy ra ngỏ ý muốn chụp ảnh cùng Michael Phelps. Nhớ lại chuyện xưa, Schooling chia sẻ: “Lúc đó, tôi chỉ biết là mình muốn chụp hình với kình ngư vĩ đại người Mỹ. Tôi bối rối nên chỉ cười nhẹ theo quán tính”. Nhận lời chúc tốt đẹp của VĐV vĩ đại nhất trong lịch sử Olympic, Schooling gọi giây phút đó là định mệnh, vì sau lần gặp ấy, Schooling quyết tâm trở thành một kình ngư tên tuổi như thần tượng của mình.
Trên hành trình chinh phục tấm HCV ở Olympic 2016, Schooling đã được hưởng đặc ân của Chính phủ Singapore, cho phép hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự-nghĩa vụ bắt buộc với mọi nam công dân Singapore. Richard Gordon, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Singapore lý giải về quyền lợi đặc biệt của Schooling: “Ngày đó, chính phủ đã đồng thuận với những kiến nghị của Vụ Thể thao thành tích cao. Joseph là quái kiệt hiếm có, đặc biệt là với nước nhỏ như Singapore. Thực hiện nghĩa vụ quân sự là điều thiêng liêng với công dân Singapore. Và nếu có điều gì để thể hiện sự tự hào của đất nước dành cho anh ấy thì đó chính là việc cho Schooling cơ hội tiếp tục vừa học tập vừa luyện tập bơi trong môi trường đỉnh cao ở Mỹ”.
Schooling kể rằng, cuộc gặp gỡ định mệnh với Michael Phelps là món quà tuyệt vời mà thượng đế ban tặng cho mình: “Bình thường, Michael Phelps không dành quá 30 giây để chụp hình lưu niệm với người hâm mộ. Nhưng hôm ở trường, siêu kình ngư người Mỹ dành cho tôi mấy phút để trò chuyện, động viên tôi theo đuổi ước mơ”. Để rồi ở Thế vận hội 2016, sau khi bị đánh bại bởi cậu nhóc Schooling, Michael Phelps đã quay sang chúc mừng, thì thầm vào tai nhà đương kim vô địch: “Tôi biết là cậu sẽ làm được mà”. Và cũng thật ngạc nhiên, sau khi thất bại trước Schooling ở chung kết 100m bơi bướm, Michael Phelps đã nói lời giã từ sự nghiệp.
Sau Olympic Tokyo 2020 diễn ra vào tháng 6-2021, Schooling đã tuyên bố giải nghệ vì hoài nghi chính bản thân mình. Anh nói với truyền thông quốc đảo sư tử rằng “thời của tôi đã hết”, nhất là vào đầu năm 2022, anh còn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nhưng những người chỉ huy, đồng đội ở đơn vị đã động viên Schooling quay trở lại đường đua xanh, bởi họ biết nội lực trong anh còn sung mãn. Chỉ là Schooling tạm thời bị khủng hoảng phong độ lẫn tinh thần (mất cha vào tháng 11-2021). Thế là, tranh thủ những giờ nghỉ ở đơn vị, Schooling miệt mài lao xuống bể luyện tập. Ở vòng tuyển chọn VĐV tham dự SEA Games 31 của đội tuyển bơi Singapore, tại nội dung 100m bơi bướm, Schooling về nhất, không có đối thủ, qua đó ẵm luôn suất dự tranh ASIAD 19-2022.
Schooling tự tin tranh tài ở SEA Games 31 nhưng thảm họa xuất phát ở nội dung 4x100m tự do nam của đồng đội khiến anh sốc nặng. Bộ đôi trọng tài phát hiện ra lỗi xuất phát của đội tuyển Singapore và Malaysia (kình ngư Welson phạm quy) đều đến từ hai quốc gia trên. Và mọi chuyện càng trở nên rõ ràng hơn khi ban tổ chức đối chiếu lại các thông số chuyên môn giữa các lượt xuất phát của hai đội Singapore và Malaysia. Jonathan Jin Tan mắc lỗi nhảy xuất phát sớm khi đồng đội chưa chạm tay vào thành bể. Theo phát hiện của đồng hồ điện tử, kình ngư Singapore đã nhảy sớm 0,04 giây. Kình ngư Welson của Malaysia cũng mắc lỗi tương tự. Từ vị trí thứ ba, đội bơi tiếp sức Việt Nam với 4 kình ngư: Hoàng Quý Phước, Lương Jeremie, Ngô Đình Chuyền và Paul Lê Nguyễn bước lên bục nhận HCV. Huy chương bạc thuộc về đội Indonesia, còn đội Thái Lan nhận huy chương đồng.
Sau phần thi trên, ban tổ chức đã thông báo hai vấn đề kỹ thuật từ việc hai đội bơi tiếp sức 4x100m tự do nam của Singapore và Malaysia bị loại vì phạm quy, đồng thời lý giải: 1. Kỹ thuật xuất phát trong bơi tiếp sức là một kỹ thuật xuất phát chuyên biệt, rất khác so với kỹ thuật xuất phát trong các cự ly cá nhân. Kỹ thuật này đòi hỏi sự luyện tập cùng nhau của các thành viên trong đội để bảo đảm sự chuyển tiếp nhanh nhưng đúng luật giữa VĐV đang bơi dưới nước và VĐV đứng trên bục. Đội sẽ bị phạm quy nếu VĐV trên bục rời khỏi bục mà tay của VĐV đang bơi dưới nước chưa chạm vào thành hồ (hay bảng chạm điện tử). 2. Mỗi khi VĐV xuất phát thì đồng hồ điện tử sẽ ghi lại thời gian phản ứng rời khỏi bục, tính từ khi tay VĐV đang bơi dưới nước chạm bảng chạm điện tử và VĐV đứng ở trên rời khỏi bục. Nếu số này là số dương thì đó là một xuất phát hợp lệ, nếu số này là số âm thì đó là một xuất phát phạm quy. Thông số phạm quy này rất khách quan (do đồng hồ điện tử ghi nhận) chứ không phải là chủ quan bằng mắt thường của các trọng tài.
MINH NHẬT