Để có được cái nhìn toàn diện, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phụ trách bộ môn điền kinh đồng thời là Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho hay: “Ngay sau Giải Điền kinh vô địch quốc gia 2023, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo chuyên môn, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý thể thao và những người làm điền kinh thực tế tại địa phương, từ đó đưa ra những giải pháp, vấn đề cần giải quyết đối với đào tạo, huấn luyện chuyên môn điền kinh. Một trong những điểm chúng tôi muốn bàn bạc kỹ lưỡng, là làm thế nào để điền kinh Việt Nam tập trung ở công tác đào tạo chuyên môn trọng điểm, để từ đó Bộ môn điền kinh (Cục Thể dục thể thao) và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam điều chỉnh cho phù hợp với thực tế”.

leftcenterrightdel

Điền kinh Việt Nam vẫn phải trông đợi vào một số tuyển thủ gạo cội như Nguyễn Thị Oanh. Ảnh: HỮU TRƯỞNG 

Ở Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) 32, điền kinh Việt Nam “hụt hơi” khi chỉ giành được 12 huy chương vàng. Đến ASIAD 19 ở Hàng Châu (Trung Quốc), đội tuyển điền kinh Việt Nam trắng tay dù có đủ binh hùng. Những tuyển thủ điền kinh Việt Nam thi đấu ở SEA Games 32, ASIAD 19 đều là những người có khả năng tốt nhất, được tuyển chọn cẩn thận. Thế nhưng kết quả lại hoàn toàn không như mong đợi.

Một trong những vấn đề sẽ được mang ra thảo luận tại hội thảo tới đây là liệu điền kinh Việt Nam có cần chuyên gia ngoại? Điền kinh Việt Nam đã không có chuyên gia ngoại từ sau SEA Games 31. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong năm 2024, đội tuyển điền kinh Việt Nam sẽ rà soát chuyên môn để có thể thuê một số chuyên gia ngoại huấn luyện những tổ/nội dung trọng điểm. Từ trước tới nay, chuyên gia điền kinh nước ngoài khi tới Việt Nam đều để lại dấu ấn trong công tác huấn luyện.

Thẳng thắn chỉ ra điểm hạn chế của điền kinh nước nhà tại ASIAD vừa qua, chuyên gia Dương Đức Thủy, nguyên Trưởng bộ môn điền kinh (Cục Thể dục thể thao) cho rằng: “Sự chủ quan, thi đấu dàn trải và kém chuyên nghiệp khiến điền kinh Việt Nam sa sút ở ASIAD 19. Điền kinh nước nhà từng có nền tảng tốt nhưng sau đó rời rạc, chủ quan, thiếu sự đầu tư. Chúng ta cứ nói đến những khó khăn nhưng lại không chỉ ra nguyên nhân thất bại, không tìm ra cách giải quyết thấu đáo hạn chế để rồi thành tích đi xuống”.

Với chuyên gia Dương Đức Thủy, SEA Games vẫn là đấu trường quan trọng: “Một số người gọi SEA Games là “ao làng”. Tôi không quan tâm họ coi SEA Games là gì. Quan điểm của tôi là phải duy trì thông số tốt ở SEA Games bởi muốn lên tầm châu lục thì VĐV phải thử sức qua đấu trường này. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng điền kinh một số quốc gia trong khu vực không còn ở vùng trũng nữa, mà đã bắt đầu “leo lên bờ”. Điều tôi lo lắng là SEA Games năm 2025 tại Thái Lan-đối thủ số 1 của Việt Nam-sẽ bỏ xa chúng ta. Các VĐV của Việt Nam đã lớn tuổi trong khi chưa nhìn thấy sự thay thế. Vẫn trông vào Nguyễn Thị Oanh thôi, còn Nguyễn Thị Huyền thì vừa tuyên bố giải nghệ”.

Coi trọng việc thuê chuyên gia ngoại, đầu tư bài bản có chiều sâu, tập trung vào một số nội dung có thể giành huy chương ở ASIAD, đoạt suất dự Olympic nhưng bên cạnh đó, chuyên gia Dương Đức Thủy cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của điền kinh, tựu trung lại là do kỷ luật kém. Ông Dương Đức Thủy kể lại chuyện cũ: “Khi tôi còn làm việc, có tuyển thủ quốc gia vi phạm nội quy, tôi lập tức đề xuất kỷ luật. Lãnh đạo Liên đoàn Điền kinh Việt Nam lúc đó bảo sao động một chút là đòi kỷ luật, kỷ luật thì lấy ai thi đấu? Nhưng với tôi thể thao cũng như Quân đội, kỷ luật là sức mạnh. Chúng ta là đội tuyển đi chiến đấu thực sự ở các đấu trường, VĐV như người lính, không duy trì nghiêm kỷ luật làm sao có sức mạnh? VĐV phải có ý thức, phải biết xấu hổ khi thất bại và nhìn thẳng vào thất bại”.

MINH CHIẾN