Ai lại đi phạt Đồng minh
Tối 25-8, khi UEFA tổ chức bốc thăm vòng bảng Champions League mùa giải 2022-2023, mọi sự chú ý đổ dồn vào Chủ tịch đội bóng Paris Saint-Germain (PSG), tỷ phú Nasser al-Khelaifi.
Mọi chuyện bắt nguồn từ tháng 3-2022, khi PSG để thua chung cuộc Real Madrid tại vòng tứ kết Champions League mùa giải trước. Sau trận đấu trên sân Bernabeu, Nasser al-Khelaifi và Giám đốc thể thao PSG Leonardo đã đi thẳng vào phòng thay đồ của trọng tài chính Danny Makkelie. Không có gì lạ khi các thành viên chủ chốt đến từ PSG bày tỏ sự thất vọng về trận thua, hoặc ông chủ Nasser al-Khelaifi đang cố tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng. Nhưng Makkelie, vị trọng tài giàu kinh nghiệm của Hà Lan, cảm thấy những gì xảy ra trong khu vực đường hầm ở sân Bernabeu đã vượt ra ngoài mọi giới hạn có thể chấp nhận được.
Makkelie đã viết trong báo cáo sau trận đấu, mô tả Nasser al-Khelaifi và Leonardo “đã thể hiện hành vi hung hăng, cố gắng vào phòng thay đồ của trọng tài để gây hấn, đập phá”.
Sự kiện trên đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong lòng UEFA. Nasser al-Khelaifi là một trong những người đàn ông quyền lực nhất của bóng đá châu Âu, với tư cách là đại diện Hiệp hội các Câu lạc bộ châu Âu (ECA) tại UEFA. Hơn nữa, Nasser al-Khelaifi còn kiếm tiền về cho UEFA qua những bản hợp đồng thương mại có trị giá hàng trăm triệu euro.
Trong vòng 24 giờ sau khi xảy ra vụ việc va chạm giữa lãnh đạo PSG và trọng tài Makkelie, UEFA ra thông báo mở cuộc điều tra. Thế rồi, vụ việc sau đó rơi vào im lặng.
Phải đến tháng 6 vừa qua, dưới áp lực của dư luận và giới truyền thông, cơ quan quyền lực nhất bóng đá châu Âu mới phạt đội bóng PSG 8.000 euro và cấm cựu Giám đốc thể thao Leonardo đến sân một trận ở đấu trường Champions League. Tuy nhiên, UEFA không đề cập gì tới án phạt dành cho Nasser al-Khelaifi, dù Chủ tịch PSG đã có “hành xử xúc phạm và trái với các quy tắc cơ bản”, theo L’Equipe (Pháp). Khi phóng viên L’Equipe yêu cầu được cung cấp thông tin về cuộc điều tra, UEFA từ chối thẳng thừng và không nêu lý do tại sao Nasser al-Khelaifi tránh được trừng phạt. Về phía PSG, đội bóng nhà giàu nước Pháp từ chối đưa ra bình luận về vụ việc trên.
Thật khó để UEFA đưa ra án phạt dành cho ông chủ của PSG, khi tổ chức này đang sống nhờ vào các nguồn tiền được Nasser al-Khelaifi mang về từ năm 2021.
Đặc biệt, vào năm ngoái, thời điểm nhóm 12 đội bóng hàng đầu châu Âu tuyên bố ủng hộ Super League, thì Nasser al-Khelaifi, thay vì đăng ký gia nhập, đã tuyên bố PSG đứng về phía UEFA, tích cực vận động hành lang công khai lẫn riêng tư để giúp lãnh đạo UEFA dập tắt “cuộc nổi dậy”. Nỗ lực đó đã được đền đáp: Nasser al-Khelaifi sớm được bổ nhiệm làm lãnh đạo ECA. Chưa kể, vị tỷ phú người Qatar này còn có chân trong Hội đồng quản trị của Tập đoàn Truyền thông beIN Sports, một trong những đối tác lớn nhất của UEFA hiện tại. Tháng 12-2019, beIN Sports ký một hợp đồng trị giá 375 triệu euro/năm để mua bản quyền Champions League tại Pháp trong 3 mùa giải (từ năm 2021 đến năm 2024).
Trước việc Nasser al-Khelaifi dần trở nên không thể động đến, Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin đã gạt đi những lo lắng như vậy, thậm chí còn nhấn mạnh rằng, Nasser al-Khelaifi là người bạn thân thiết và là đối tác đặc biệt của bóng đá châu Âu. Xung quanh Lễ bốc thăm vòng bảng Champions League vào tối 25-8, Ceferin và Nasser al-Khelaifi, trong vai trò người đứng đầu ECA, đã có những cuộc họp riêng bàn về tương lai của giải đấu danh giá này. Mục tiêu của Chủ tịch UEFA Ceferin không gì khác ngoài việc tận thu từ Champions League. Nasser al-Khelaifi không chỉ hiểu ý mà còn chiều lòng Ceferin khi hứa hẹn mang về hàng tỷ euro từ giải đấu này thông qua việc bán bản quyền truyền hình.
|
|
Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin (bên phải) cười tít mắt khi gặp Nasser al-Khelaifi. Ảnh: Getty |
Vuốt mặt cũng phải nể mũi
Khi tầm ảnh hưởng của Nasser al-Khelaifi càng lớn, người Pháp càng cảm thấy đội bóng PSG tiến gần về vùng Vịnh. Trước đây, người dân thủ đô Paris nói riêng, cổ động viên Pháp nói chung tự hào về PSG, thì nay, họ có cảm giác đội bóng đang bị Qatar hóa. Nói như huấn luyện viên huyền thoại Wenger thì “đất nước Qatar đang sở hữu đội bóng PSG”. Từ lâu, PSG thuộc quyền sở hữu của Qatar Sports Investments (QSi), người đứng đầu tổ chức này là Nasser al-Khelaifi. Người đàn ông này không xuất thân từ dòng dõi cao quý ở Qatar nhưng là nhà kinh doanh rất tài năng, là người đại diện vốn cho hàng loạt hoàng thân quốc thích ở Qatar thông qua các dự án, trong đó có việc mua và đầu tư vào PSG.
Hay như Man City hiện thuộc quyền sở hữu của City Football, công ty có 78% cổ phần thuộc Tập đoàn Abu Dhabi United. Người đứng đầu tập đoàn này là Sheikh Mansour, thành viên trong gia đình Hoàng gia Abu Dhabi, thuộc tiểu vương lớn nhất trong 7 tiểu vương hợp lại thành Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Ngày 5-10-2021, trang chủ đội bóng Newcastle ra thông báo: “Một nhóm đầu tư của PIF, cùng PCP Capital Partners và RB Sports&Media đã hoàn tất việc mua lại 100% cổ phần của Newcastle từ St.James Holdings Limited”. Theo The Athletic, tài sản của PIF năm 2021 là 500 tỷ USD. Dự kiến, năm 2025, tài sản của PIF lên tới hơn 1.000 tỷ USD. Họ sở hữu cổ phần của nhiều doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới như Live Nation, Boeing, Facebook, Citigroup, Disney hay Bank of America. Chủ tịch PIF là Thái tử đầy quyền lực Mohammad bin Salman, thực tế là người nắm quyền điều hành Saudi Arabia lâu nay.
Học theo Hoàng gia Qatar, Hoàng gia Abu Dhabi, Thái tử Mohammad bin Salman quyết tâm mua bằng được Newcastle, nhằm biến đội bóng này thành công cụ đánh bóng hình ảnh cho Saudi Arabia. Khi Man City 4 lần vô địch Ngoại hạng Anh trong 5 mùa giải gần đây, người ta nhớ về Hoàng thân Sheikh Mansour, nhớ về Hoàng gia Abu Dhabi, nhớ về UAE. Hoặc đơn giản hơn, đám đông coi Man xanh là của UAE. Bản thân các thành viên trong Hoàng gia Abu Dhabi đã coi Man City là món đồ trang sức giá trị, có tầm ảnh hưởng lớn. Chiến tích của đội bóng này cũng chính là thành công của Hoàng gia Abu Dhabi trong việc thiết lập quyền ảnh hưởng ngày một lớn hơn ở vùng Vịnh.
Trước mùa giải 2022-2023, có một chuyện lạ khi Ban tổ chức La Liga (đại diện cho Barcelona, Real Madrid...) khởi kiện PSG đã vi phạm luật công bằng tài chính lên UEFA. Chuyện PSG rồi Man City bị tố vi phạm tài chính đã có từ 3-4 mùa giải qua, nhưng rồi lần nào cũng bị “chìm xuồng”. UEFA không thể xuống tay xử phạt Man xanh hay PSG được, hai đại gia này giỏi lách luật. Hơn nữa, PSG là bộ mặt, là niềm tự hào của Qatar; Man City là tấm gương phản chiếu những thành công của UAE về mặt thể thao, du lịch, văn hóa. Nếu UEFA xử phạt hai đội bóng này, khác nào đối đầu với hai quốc gia vùng Vịnh. Thôi thì, vuốt mặt cũng phải nể mũi.
CẨM TÚ