Không ngẫu nhiên báo chí thế giới coi thành tích của đội tuyển nam cờ vua Việt Nam tại bảng mở rộng ở Olympiad 2024 là “hiện tượng thú vị”. Trong khi đó, Đại kiện tướng người Mỹ Robert Hess cho rằng, không thể gọi đội tuyển nam cờ vua Việt Nam là hiện tượng của giải năm nay, bởi những thành tích ấn tượng mà đội đã đạt được. Đặc biệt khi trong đội hình có một kỳ thủ đẳng cấp như Lê Quang Liêm thì đó thực sự là đội mạnh.

Lý giải của Đại kiện tướng Robert Hess góp phần làm rõ hơn về sự phát triển của cờ vua Việt Nam trong nhiều năm qua. Đại kiện tướng Bùi Vinh, Đội trưởng của đội tuyển nam cờ vua Việt Nam ở Olympiad 2024 chia sẻ: “Không thể chỉ trông vào nguồn kinh phí từ ngân sách rót cho các đơn vị quản lý thể thao ở Trung ương và địa phương, ngành để mong vận động viên vươn tầm thế giới. Giờ đây, phải có nhiều cách để đầu tư cho vận động viên, từ việc tiếp tục phát huy vai trò của các liên đoàn cờ Việt Nam trong kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư cho đến sự năng động của chính gia đình các kỳ thủ trong khâu tìm nguồn lực cho con em mình”.

leftcenterrightdel

Kỳ thủ Lê Quang Liêm (trái) trong trận thắng đương kim vô địch thế giới Ding Liren (Trung Quốc). Ảnh: FIDE 

Người trong nghề đã tính toán, mức đầu tư để một kỳ thủ trẻ có thể vươn đến danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế phải lên đến hàng tỷ đồng. Nếu không có sự chung tay từ nhiều bên, sẽ khó có những Đại kiện tướng, ví như trường hợp của Lê Quang Liêm là một điển hình. Để có được thành tích như hôm nay, Lê Quang Liêm nhận được sự đồng hành cả về thời gian, vật chất từ gia đình bên cạnh nguồn lực từ ngành thể thao, từ cấp Trung ương đến địa phương. Đến khi trở thành Đại kiện tướng, Lê Quang Liêm càng có điều kiện thi đấu quốc tế nhiều hơn, từ đó phát huy hết những phẩm chất tốt nhất của mình để lọt vào nhóm 13 kỳ thủ nam hàng đầu trên bảng xếp hạng thế giới.

Tương tự là trường hợp của Đại kiện tướng Lê Tuấn Minh-một trong những gương mặt thi đấu xuất sắc của đội tuyển nam cờ vua Việt Nam tại Olympiad 2024. Nếu không có gia đình hỗ trợ, kỳ thủ Hà Nội này khó có điều kiện để thi đấu quốc tế, qua đó đủ điều kiện trở thành Đại kiện tướng. Tất nhiên, thành công của Tuấn Minh cho đến lúc này cũng phải kể đến sự đầu tư, định hướng từ phía bộ môn cờ Hà Nội.

Trong thành phần đội tuyển nam cờ vua Việt Nam tại Olympiad 2024 còn có nhà đương kim vô địch quốc gia Bành Gia Huy (Hà Nội), người cũng đang được gia đình hỗ trợ tối đa để có thể trở thành đại kiện tướng. Ước tính, ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội cho Bành Gia Huy, mức đầu tư của gia đình cho vận động viên này cũng lên tới cả tỷ đồng/năm từ việc thuê chuyên gia đến tự túc kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế.

Với trường hợp của Nguyễn Ngọc Trường Sơn và Trần Tuấn Minh, những Đại kiện tướng khác trong thành phần đội tuyển nam cờ vua dự Olympiad 2024, sự đầu tư để họ trở thành Đại kiện tướng lại khác đôi chút khi chủ yếu đến từ ngân sách nhà nước. Nhưng để được như vậy, kinh phí đầu tư cho bộ môn ở Trung ương, đặc biệt là địa phương phải dành khoản đáng kể cho họ. Như với Trần Tuấn Minh, bộ môn cờ Hà Nội từng nhiều năm dành kinh phí phân cho bộ môn để đưa Trần Tuấn Minh và cậu em trai Trần Minh Thắng đi tập huấn dài hạn tại Nga. Đó cũng là yếu tố căn bản để kỳ thủ này trở thành Đại kiện tướng. Tuy nhiên, cách làm ấy trong giai đoạn hiện nay sẽ khó thực hiện mà rất cần đẩy mạnh xã hội hóa và sự chung tay của gia đình. 

Thành công tìm đến với đội tuyển nam cờ vua Việt Nam tại Olympiad 2024 cũng là điều dễ hiểu. Bởi nếu nhìn xuyên suốt cả quá trình đầu tư cho mỗi kỳ thủ cũng như nỗ lực, đam mê của họ thì mới thấy, để có một Đại kiện tướng tranh tài ở Olympiad 2024 quả thật lắm công phu và tốn kém tiền bạc. 

MINH HÀ