Tham dự ASIAD 19, thầy trò huấn luyện viên (HLV) Mai Đức Chung xác định rõ mục tiêu: Giành quyền vào vòng tứ kết. Kết quả: Sau 3 trận vòng bảng, đội lặng lẽ lên đường về nước. Sang đến TP Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), ngay trong buổi tập đầu tiên cùng đội (sáng 20-9), HLV Mai Đức Chung đã yêu cầu các học trò phải phát huy tinh thần như tại World Cup nữ 2023, tuyệt đối không chủ quan: “Mục tiêu của chúng ta là cố gắng thi đấu tốt từng trận một, tiến sâu nhất vào vòng trong”.
|
|
Đội tuyển nữ Nhật Bản thể hiện sức mạnh vượt trội trước đội tuyển nữ Việt Nam tại ASIAD 19. Ảnh: VIỆT AN
|
Lịch sử tham dự ASIAD, đội tuyển nữ Việt Nam có hai lần vượt qua vòng bảng. Thành tích tốt nhất của đội là xếp hạng 4 ở ASIAD 17 (năm 2014). Tại ASIAD 18 (năm 2018), các cô gái của chúng ta dừng chân ở vòng tứ kết.
HLV Mai Đức Chung buồn bã chia sẻ: “Đội nhà chơi không tốt trong khi đội tuyển nữ Nhật Bản rất mạnh. Bên cạnh đó, các cầu thủ nữ Việt Nam hơi lên mây một chút, mất tập trung, nhất là sau những trận đấu thua đội tuyển nữ Đức, Mỹ với tỷ số không mấy cách biệt. Đây là điều tôi đã rút ra”.
Trong khi đó, điểm mạnh của đội tuyển nữ Nhật Bản đến từ kỹ thuật, tốc độ luân chuyển bóng, nhịp phối hợp hoàn hảo và sự cơ động tuyệt vời của hàng tiền vệ. Lối đá của đội tuyển nữ Nhật Bản trong hai thập niên qua dựa trên nền tảng tiki-taka, nên các tuyến có sự phối hợp cực kỳ nhuần nhuyễn. Đến đội tuyển nữ Mỹ và các đội bóng hùng mạnh châu Âu, giờ gặp đội tuyển nữ Nhật Bản còn e ngại, huống chi là đội tuyển nữ Việt Nam.
Ở đây, đúng là các học trò của HLV Mai Đức Chung đã chủ quan, không biết người biết ta. Kể từ sau khi vô địch World Cup nữ 2011, bóng đá nữ Nhật Bản luôn đặt mục tiêu khi dự đấu trường World Cup và Olympic, đó là ngôi số 1. Còn tại ASIAD, cũng là mục tiêu tương tự.
Có lẽ chính HLV Mai Đức Chung cũng không lường hết sức mạnh của đội tuyển nữ Nhật Bản. Lý giải cho thất bại 0-7 của đội nhà, thầy Chung cho rằng: “Cũng có thể do dồn sức cho World Cup nữ 2023, nhất là giai đoạn giao hữu chuẩn bị nên sau đó các cầu thủ sa sút thể lực, toàn đội không còn giữ được phong độ. Lực lượng của đội tại ASIAD 19 cũng tổn thất nhiều khi thiếu vắng những tuyển thủ chủ lực như Huỳnh Như, Chương Thị Kiều”.
Nếu các cô gái đội tuyển Việt Nam xem kỹ đội tuyển Nhật Bản đá World Cup nữ 2023, hẳn họ sẽ biết đối thủ mạnh đến cỡ nào. Đội bóng xứ phù tang quá thiếu may mắn nên mới thua Thụy Điển 1-2 ở tứ kết. Bản thân HLV Mai Đức Chung cũng thừa nhận: “Tôi đã xác định trận đấu với Nhật Bản rất khó khăn, vì họ là đội bóng mạnh. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn phương án đá phòng ngự phản công nhưng hàng phòng ngự vỡ nhiều chỗ, một phần do sức yếu, không kèm được người. Đội tuyển nữ Nhật Bản không có ngôi sao nhưng họ có đội hình đồng đều, chiến thuật hợp lý. Đây là bài học để các cầu thủ rút ra và phải có những trận đấu như thế để chúng ta tiến lên, học hỏi và phát triển trong thời gian tới”.
Ngoài ra, chiến lược gia Mai Đức Chung còn lý giải dưới góc độ ở World Cup nữ 2023, gặp đối thủ với lối đá châu Âu chủ yếu chơi bóng dài như Hà Lan, Bồ Đào Nha, nên chúng tôi đá phòng ngự phù hợp. Nhưng tại châu Á, các đội phối hợp nhỏ, nhanh, khiến chúng tôi không theo kịp. Gặp các đội Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì rất khó đá.
Sau rất nhiều lý giải của HLV Mai Đức Chung, tác giả cho rằng, điều nguy hại nhất chính là tâm lý của ít nhiều cầu thủ trong đội tuyển nữ Việt Nam đã "lên mây" sau kỳ World Cup nữ 2023. Có lẽ, ở một vài cầu thủ đã xuất hiện chút ảo tưởng về bản thân, về trình độ, về tên tuổi... Nếu không tỉnh táo, cộng mỗi thứ một chút, qua thời gian sẽ hóa bệnh “ngôi sao”. Tựu trung lại, đội tuyển nữ Việt Nam dù thắng 2, thua 1 ở vòng bảng ASIAD 19 nhưng cả 3 trận, đội chơi đều dưới sức và dường như không còn là chính mình.
NGUYỄN CÔNG