Nghệ nhân dân gian Kim Dung.

QĐND - Gần 7 năm qua, Nhà Văn chỉ của làng Mọc, phường Quan Nhân đã trở thành điểm hẹn của những nghệ sĩ nghiệp dư CLB Dân ca và Chèo làng Mọc Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Không phân biệt tuổi tác, giới tính, họ cùng nhau kết nối và tạo ra một sân chơi nghệ thuật bình dị mà cũng đầy ý nghĩa, mở ra một hướng đi mới trong việc xây dựng phong trào văn hóa ở cơ sở cũng như bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của ông cha.

Mang chèo quê lên phố

Nghệ sĩ ưu tú Kim Dung, Chủ nhiệm CLB Dân ca và Chèo làng Mọc Quan Nhân quê gốc ở Thượng Trang, xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Lớn lên trong cái nôi của những điệu hát xẩm, hát chèo, hát văn từ người cha là nghệ nhân nổi tiếng của đất thành Nam, cô bé Kim Dung bén duyên với nghệ thuật từ thuở lên 9, lên 10. Bà kể hồi ấy, tối nào cha đi tập văn nghệ trong xóm bà cũng lẽo đẽo đi theo. Lời ca, điệu hát, nhịp phách… đã truyền cho cô bé Dung niềm đam mê từ lúc nào chẳng biết. “Ngày đoàn nghệ thuật của tỉnh về xã tuyển văn công, tôi vui lắm, cứ chạy với theo ô tô rồi hét thật to: Cho cháu đi với”- nghệ sĩ Kim Dung nhớ lại. Thế rồi, cô bé 13 tuổi ấy cũng được tuyển sau khi trình diễn tại Nhà hát 3/2 điệu hát cách của làn điệu chèo, bài “Nghị quyết của Đảng ta”.

Nhớ lại thuở chập chững đến với nghề, nghệ nhân Kim Dung vẫn không thể nào quên được những người thầy đã dìu dắt mình trong những năm tháng đầu tiên. Đó là các Nghệ sĩ Nhân dân (NSND): Lê Huệ, Kim Liên, Thanh Hương… Sau này lên Hà Nội học, bà lại may mắn được truyền dạy những tinh hoa của âm nhạc dân gian từ những nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng. Đó là nghệ nhân Năm Ngũ và các NSND Dịu Hương, Minh Lý, Bùi Trọng Đang…

Được học hành bài bản, lại sẵn có niềm đam mê nghệ thuật nên sau những năm tháng làm công tác văn hóa cơ sở trong ngành thương nghiệp, khi đã bước vào tuổi xế chiều, nghệ sĩ Kim Dung quyết tâm truyền dạy những kiến thức của mình với mong ước sẽ lan tỏa được những giá trị của âm nhạc dân gian trong đời sống cộng đồng. Và làng Mọc Quan Nhân, quê hương thứ hai của bà chính là nơi bà bắt đầu hành trình lan tỏa ấy.

Truyền dạy điệu hát, lời ca

Đã 7 năm nay, nghệ sĩ Kim Dung miệt mài, say mê với công việc truyền dạy lời ca, điệu hát cho những thành viên của CLB Dân ca và Chèo làng Mọc Quan Nhân.

Làng Mọc Quan Nhân, nơi gia đình nghệ sĩ Kim Dung đang sinh sống là một làng Việt cổ có truyền thống văn hóa từ lâu đời. Tháng 5-2009, CLB Dân ca và Chèo làng Mọc Quan Nhân chính thức được ra đời, do nghệ sĩ Kim Dung làm chủ nhiệm. Thời kỳ đầu, CLB chỉ vỏn vẹn 14 thành viên đều là những diễn viên không chuyên, phần lớn là những người đã lên ông, lên bà. Đến nay, trải qua 7 năm, số hội viên của CLB đã ngót nghét 50 người trong đó có cả các cháu thiếu niên, nhi đồng. Đều đặn hằng tuần, CLB có các buổi sinh hoạt định kỳ với nhiều hoạt động như: Học hát các làn điệu dân ca, hát chèo, hát văn… và tập các điệu múa dân gian. Ngoài ra, nghệ sĩ Kim Dung còn dạy cho các học viên diễn xuất các vai trích đoạn trong nhiều vở chèo cổ, hát xẩm như: Thị Mầu lên chùa, Tuần ty Đào Huế, Xẩm chợ… Vào những dịp lễ hội, ngày Tết, ngày kỵ thánh, ngày mừng thọ các cụ cao niên, các kỳ tổ chức đại hội của phường của quận, đều có sự góp mặt của các tiết mục văn nghệ của CLB.

Từ những bỡ ngỡ, ngượng ngập thuở ban đầu, những nghệ sĩ không chuyên của CLB cũng đã dần quen với những điệu ca, nhịp phách, thuần thục trong từng điệu múa. Và tiếng thơm của CLB cũng ngày một vươn xa hơn tới các phường, xã bạn, tới nhiều địa phương trên cả nước. Không chỉ phục vụ đời sống tinh thần cho những người dân nơi đây, CLB còn gặt hái được nhiều thành công trong các cuộc thi văn hóa văn nghệ như: Huy chương Vàng trong Hội thi hát văn và hát chầu văn khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất tại Vĩnh Phúc năm 2010; Giải Nhất trong Liên hoan hát văn do Hội Di sản văn hóa Thăng Long- Hà Nội tổ chức năm 2012... Nghệ sĩ Kim Dung cũng vinh dự được trao tặng danh hiệu cao quý: Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân gian vì những cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.

Còn đó bao trăn trở

Là người đã gắn bó với âm nhạc cổ truyền từ những ngày thơ bé, nghệ nhân Kim Dung hiểu rất rõ những giá trị văn hóa ẩn sâu trong mỗi lời ca, điệu hát. Cũng bởi niềm đau đáu với văn hóa dân gian mà bà chẳng quản thời gian, tuổi tác… miệt mài nhằm làm lan tỏa những cái đẹp, cái hay của âm nhạc cổ truyền. 7 năm đồng hành với CLB, dù không có một khoản thù lao nào cho việc truyền dạy, nhưng nghệ nhân Kim Dung không lấy đó làm buồn, cũng chưa bao giờ bà muốn bỏ cuộc. Ngược lại, bà thấy vui khi được mang những lời ca tiếng hát phục vụ cho dân làng, khi tạo được sân chơi cho bạn bè, bà con làng Mọc. Và còn ý nghĩa biết bao khi gieo được niềm say mê âm nhạc cổ truyền cho các em nhỏ nơi đây.

CLB Dân ca và Chèo làng Mọc Quan Nhân giờ có tới gần 20 em nhỏ tham gia sinh hoạt. Những ngày hè, khi các em được nghỉ ngơi, cũng là lúc mà nghệ nhân Kim Dung bận rộn hơn, bởi lúc nào các em có thời gian tập luyện là bà lại tranh thủ để truyền dạy.

 “Trẻ con bây giờ có nhiều thứ để quan tâm. Chúng bị cuốn vào những dòng nhạc mới chứ nào để ý đến chèo, đến xẩm, đến hát văn hay múa sinh tiền. Nếu không truyền dạy cho các em thì âm nhạc cổ truyền sẽ dần mai một”-nghệ nhân Kim Dung chia sẻ. Có lẽ vì thế mà bà vô cùng tâm huyết khi được dốc những “vốn liếng” đã tích lũy trong suốt chặng đường nghệ thuật của mình để sẻ chia cho các em. Đó là cách khơi dòng chảy cho văn hóa dân gian trong đời sống cộng đồng.

Bài và ảnh: ĐĂNG THỦY