Nhiều năm sau đó, tôi chưa có điều kiện kiểm chứng câu chuyện trên, nhưng sau chuyến đi ngắn ngày tới Mát-xcơ-va năm 2004 thì tôi tin câu chuyện của anh bạn tôi là có cơ sở. Tới Mát-xcơ-va, tôi thấy tràn ngập không khí âm nhạc thính phòng giao hưởng. Thành phố có tới 300 dàn nhạc giao hưởng, vé nghe hoà nhạc mùa đông ở các phòng hoà nhạc lớn đã bán hết từ những ngày cuối hè…
Với âm nhạc thính phòng giao hưởng, nền âm nhạc mà mọi người hay gọi là âm nhạc bác học, thì nước Nga đi trước chúng ta khoảng gần 100 năm, nếu tính từ ngày ra đời Nhạc viện Xanh Pê-téc-bua (năm 1862) và ngày thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam-nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (năm 1956). Thời gian còn có thể rút ngắn hơn nếu so với năm ra đời của Nhạc viện Viễn Đông do người Pháp thành lập ở Hà Nội vào năm 1929. Từ hơn nửa thế kỷ trước, với phương châm tiếp thu tinh hoa âm nhạc thế giới, chúng ta đã mở trung tâm đào tạo âm nhạc lớn là Trường Âm nhạc Việt Nam với nhiều khoa đào tạo từ nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ phương Tây… đến sáng tác và lý luận. Nhạc cụ dân tộc không theo phương thức truyền dạy cổ truyền mà theo phương thức chuẩn âm đô-rê-mi. Kết quả của khoá đào tạo đầu tiên đã cung cấp nhạc công, ca sĩ với số lượng cơ bản giúp hình thành và ra đời Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam vào năm 1959 và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam sau đó.
Tinh hoa âm nhạc cổ điển nước ngoài theo chân chuyên gia và các nhạc sinh được đào tạo từ Đông Âu, Liên Xô cũ và Trung Quốc đã giúp hình thành một thế hệ nhạc sĩ, nhạc công và lớp người hưởng thụ âm nhạc mới ở nước ta. Ngôn ngữ âm nhạc thính phòng giao hưởng được triển khai một cách khá đồng bộ và phát triển rầm rộ sau đó, trở thành ngôn ngữ âm nhạc chủ đạo từ sáng tác, lý luận đến biểu diễn. Tư duy của dòng âm nhạc này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của tân nhạc mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới âm nhạc cổ truyền. Và thế là ra đời dòng “nhạc dân tộc cải biên”. Từ lối hòa tấu bát âm đơn thanh-đa sắc, trở thành Dàn nhạc Giao hưởng dân tộc.
Một buổi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ảnh: vnso.org.vn
Ngày ấy, Đài
Tiếng nói Việt Nam đã có công rất lớn khi sớm có chiến lược xây dựng cơ sở vật chất với kỹ thuật máy móc và phòng thu hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á (thời đó) để thu thanh lưu giữ và quảng bá những tác phẩm âm nhạc Việt Nam. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, có thể gọi là những
thập niên vàng của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Tinh hoa âm nhạc cổ điển thế giới đã được tiếp thu một cách có chọn lọc và sáng tạo. Âm nhạc đô-rê-mi pha trộn với âm nhạc
Hò xừ xang, lối hát đẹp Belcanto kết hợp với lối hát
tròn vành rõ chữ cổ truyền đã giúp chúng ta có được hàng nghìn nhạc phẩm âm nhạc đỉnh cao và khái niệm
Dân gian đương đại ra đời.
Từ những năm 1980, bắt đầu thời kỳ đổi mới thì âm nhạc cũng có nhiều biến động. Dòng nhạc lấy ngôn ngữ âm nhạc thính phòng giao hưởng làm nền tảng dần dần yếu thế. Nhạc nhẹ, nhạc trẻ cùng với các phương tiện nghe nhìn đã hút hồn lớp trẻ. Với người cao tuổi, phần đông ở phía Bắc vẫn gắn bó với dòng nhạc Đỏ-nhạc cách mạng-tuy không ít người chuyển sang dòng nhạc sến, nhạc vàng hiện được gọi chung là dòng nhạc Bolero. Hiện tượng yếu thế của dòng nhạc thính phòng giao hưởng cùng sự lên ngôi của dòng Bolero và các dòng nhạc pop hoặc lai nhạc pop nước ngoài, đặc biệt là K-pop (Hàn Quốc) đã khiến không ít người phàn nàn. Trước thực trạng ấy, các nhà quản lý văn hoá đã tỏ ra lúng túng, dẫn tới nhiều quyết sách bất cập mà đỉnh điểm là mấy vụ việc “dậy sóng” gần đây.
Một câu hỏi lớn được đặt ra: Âm nhạc xuống cấp, lỗ tai thẩm mỹ âm nhạc của người nghe xuống cấp, hay trình độ quản lý và nhận thức văn hoá của một số nhà quản lý văn hoá không ngang tầm? Thực ra từ hơn nửa thế kỷ trước, tinh hoa âm nhạc cổ điển thế giới đã được chúng ta tiếp thu một cách khá thành công. Song nhiều thập kỷ gần đây, ngôn ngữ âm nhạc này đã bị “buông tay”. Hàng nghìn nhạc công được đào tạo lâu năm và có trình độ cao đã buông “vũ khí” khi về hưu. Các đoàn ca múa chuyên nghiệp bỏ dàn nhạc hoặc xây dựng dàn nhạc điện tử chơi theo phong cách “nửa tỉnh nửa quê”. Các nhạc viện rất ít nhạc sinh theo học khoa sáng tác, khoa học đáng lẽ phải được coi trọng nhất. Thử hỏi nếu không có Glinka, Rimsky Korskov, Tchaikovski... là những nhà soạn nhạc bậc thầy, thì làm sao có nền âm nhạc thính phòng cổ điển Nga?
Công bằng mà nói, ngay trong thời kỳ hưng thịnh nhất của của âm nhạc thính phòng giao hưởng ở nước ta, thì chúng ta cũng đã không chăm sóc và rèn luyện “lỗ tai âm nhạc” cho công chúng; không tạo ra được lớp người nghe am hiểu nhạc đa thanh (Giao hưởng-Opera-Hợp xướng) và nhạc không lời nói chung, mặc dù chúng ta đã có những tài năng chinh phục đỉnh cao của âm nhạc thính phòng cổ điển quốc tế như nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn. Công chúng và cả đa số các nhà quản lý văn hóa ở các cấp vẫn chỉ hưởng thụ được nhạc có lời (ca khúc). “Khi lỗ tai âm nhạc” của công chúng vẫn ở trình độ nghe ca khúc, thì nhạc đa thanh, nhạc thính phòng giao hưởng… làm sao có thể bám rễ sâu vào đời sống?
Có câu nói khá phổ biến đã trở thành ngạn ngữ: “Bao giờ cho đến ngày xưa”. Ngày xưa ở đây chắc là những năm 1960 khi tân nhạc phát triển dựa trên các tiêu chí của âm nhạc cổ điển châu Âu. Tuy nhiên, âm nhạc thời đó cũng vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều, đa phần dân chúng chưa hoặc ít được tiếp cận với các hình thức giao hưởng, hợp xướng, nhạc vũ kịch… nên cũng không mấy mặn mà. Phương tiện nghe nhạc lại quá nghèo nàn và hạn chế. Người dân chỉ có thể nghe nhạc qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bao sân âm nhạc vẫn là ca khúc mà lối hát belcanto lại bị chê và gây phản ứng vì hát không rõ lời…
Trải qua hơn nửa thế kỷ, con người, xã hội, môi trường sống… đã thay đổi nhiều, nhưng thật đáng buồn vì “lỗ tai âm nhạc” của công chúng vẫn còn hạn chế. Âm nhạc đa thanh không có đất phát triển. Dàn nhạc “sống” hầu như bị loại bỏ, thay vào đó là âm thanh điện tử, đến nhạc beat cho ca khúc cũng dựng bằng âm thanh kỹ thuật số. Các đài phát thanh-truyền hình, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hưởng tiền ngân sách nhưng cũng chạy theo cơ chế thị trường… Âm nhạc (ca khúc) hiện nay dù phong phú đa phong cách, nhưng hiếm có tác phẩm đỉnh cao. Nhiều bài hát tẻ nhạt và thị hiếu thấp lan tràn trên các kênh phát sóng và trên sân khấu ca nhạc từ thành thị đến nông thôn. Âm nhạc thị hiếu thấp kém có tác động không nhỏ tới việc hình thành nhân cách của lớp trẻ. Lỗi tại ai? Trả lời thích đáng câu hỏi này không khó, nhưng khó ở cách khắc phục lúng túng, thụ động, tình thế… như gần đây.
Nhạc sĩ, NSƯT LƯƠNG NGUYÊN