Bản sắc truyền thống trong trang phục của người Việt trước thời kỳ Pháp thuộc thể hiện rõ nét nhất ở chiếc áo tứ thân. Năm 1930, chiếc áo dài tân thời Lemur ra đời, rồi được họa sĩ Lê Phổ hiệu chỉnh (năm 1934) để trở thành chiếc áo dài kinh điển hiện nay. Đối với trang phục nam giới, về cơ bản từ thời Pháp thuộc và sau này là phong cách Âu. Vì thế, thời trang Việt chủ yếu biến động ở lĩnh vực trang phục nữ, mà tiêu biểu là chiếc áo dài-trang phục được coi là Quốc phục.

leftcenterrightdel
Vẻ đẹp của áo dài Việt được thể hiện trong bộ sưu tập Xuân-Hè 2013 của thương hiệu thời trang Italy Emilio Pucci. Ảnh: Vogue

Sau chiếc áo dài Lê Phổ, đã xuất hiện vô số phiên bản khác nhau của chiếc áo dài Việt. Thậm chí, chiếc áo dài Việt còn được các nhà thiết kế (NTK) danh tiếng trên thế giới rất “để ý”. Từ năm 1993, NTK nổi tiếng người Nhật Kosino Junko đã đem tới Việt Nam một bộ sưu tập được sáng tạo dựa trên chiếc Kimono truyền thống và chiếc áo dài. Hơn một thập kỷ sau trở lại Việt Nam, bà Kosino vẫn đầy cảm hứng trước chiếc áo dài: “Tôi thích hình tượng áo dài Việt Nam. Đó thực sự là hình ảnh độc đáo! Tôi rất muốn phổ biến đến nhiều nước khác trên thế giới và tất nhiên khi nói đến áo dài người ta nghĩ ngay đến hình ảnh người con gái Việt Nam”.

Năm 2011, NTK người Italy Philosophy Di Alberta Ferretti đã sáng tạo bộ sưu tập thời trang RTW lấy ý tưởng từ nón lá, áo dài Việt. Ở bộ sưu tập Xuân-Hè 2013 của thương hiệu thời trang Italy Emilio Pucci, vẻ đẹp của yếm đào và tà áo dài Việt đã được giám đốc sáng tạo Peter Dundas thể hiện trong từng mẫu thiết kế rất độc đáo và sang trọng với gam màu đen trắng hiện đại...

Với các NTK trong nước, chiếc áo dài cũng luôn là niềm cảm hứng sáng tạo qua bất cứ thời kỳ nào. Đối với những NTK nổi tiếng như Minh Hạnh, Công Trí, Võ Việt Chung, Sĩ Hoàng, Ngô Nhật Huy... chiếc áo dài chiếm một vị trí rất đáng kể trong sự nghiệp của họ. Và tất nhiên, những thiết kế của họ không trùng khít với chiếc áo dài Lê Phổ kinh điển.

leftcenterrightdel

Chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam luôn là niềm cảm hứng sáng tạo của các nhà thiết kế. Ảnh: ĐỨC HUY

Trang phục truyền thống-chiếc áo dài-được coi là “gốc”. Thời trang áo dài là sự sáng tạo trên nền tảng cái gốc ấy. Những NTK thành công là những người có khả năng tạo nên những chiếc áo dài thời trang mang “thần thái” của chiếc áo dài truyền thống, chứ không phải là việc thay đổi cơ học hay “cập nhật” yếu tố hiện đại vào chiếc áo dài truyền thống. Những Minh Hạnh, Công Trí, Võ Việt Chung, Sĩ Hoàng, Ngô Nhật Huy… đã mang chiếc áo dài Việt ra thế giới bằng cách ấy!

Bản chất của thời trang là sáng tạo. Sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống là tất yếu của bất cứ xu hướng thời trang nào trên thế giới. Chiếc áo dài Việt Nam là một điển hình. Dưới hình hài của những bộ sưu tập thời trang, chiếc áo dài truyền thống vẫn hiện diện, sáng rõ bản sắc trang phục truyền thống của người Việt. Có thể nói sự pha trộn giữa truyền thống và hơi thở hiện đại trong chiếc áo dài đã đem đến một xu hướng thời trang thời thượng, độc đáo cho làng mốt Việt, khẳng định ý thức về văn hóa truyền thống của các NTK thời trang nước nhà. Song hơn hết xu hướng này còn nâng tầm những giá trị bản sắc vô cùng độc đáo của văn hóa Việt. Hồn dân tộc, bản sắc dân tộc Việt vẫn mãi trường tồn trong dòng chảy nghệ thuật và thời trang.

HOÀNG OANH