Sản phẩm của lịch sử và khoa học

Áo dài là một trang phục phổ biến và mang tính truyền thống của phụ nữ Việt Nam, được coi là di sản văn hóa, một sản phẩm gắn liền với lịch sử dân tộc. Vì vậy, bản thân nó hàm chứa giá trị lịch sử quan trọng. Hiện chưa có tài liệu xác định chính xác niên đại của áo dài, tuy nhiên, theo một số tài liệu nghiên cứu, nó có thể có lịch sử đến hàng nghìn năm, từng được phác họa qua hoa văn trống đồng và hiện vật trong nền văn hóa Đông Sơn như hình người phụ nữ mặc trang phục với hai tà áo xẻ.

leftcenterrightdel

Nhiều năm nay, áo dài được phụ nữ trong các cơ quan công sở, giáo viên mặc hưởng ứng "Tuần lễ áo dài Việt Nam" đầu tháng 3 hằng năm. Ảnh: THANH HUYỀN 

Cho đến nay, áo dài truyền thống của phụ nữ Việt đã trải qua nhiều lần cải tiến với không ít kiểu dáng, đặc điểm khác nhau, chẳng hạn như: Áo dài Giao Lãnh, áo tứ thân mặc với váy thâm và yếm đào; áo dài thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) kết hợp áo dài của người Chăm được may xẻ tà và mặc cùng với quần; áo dài thời vua Gia Long (1802-1819), áo ngũ thân, vạt áo bên phải phía trước được may bằng một thân vải, còn vạt áo bên trái được may bằng hai thân vải. Đầu thế kỷ 20, với sự sáng tạo của nhiều họa sĩ tài ba như Cát Tường, Lê Phổ, các nhà may nổi tiếng như Dung ở Sài Gòn... đã thực hiện những cải cách quan trọng trên chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau, thân áo dài chấm đất, thân trên được may ôm sát theo những đường cong cơ thể người mặc, tạo thêm tính thẩm mỹ và hoàn thiện chiếc áo dài Việt Nam.

Cuối thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ 21, tà áo dài Việt Nam xuất hiện với muôn màu, muôn vẻ bằng nhiều chất liệu rất riêng của dân tộc như thổ cẩm, lụa, sừng... và biến tấu nhiều kiểu dáng khác nhau, vừa giữ được bản sắc riêng, vừa phù hợp với xu hướng thời trang hiện đại. Ở nhiều địa phương nước ta, áo dài trở thành đồng phục của giáo viên, nữ sinh, nữ cán bộ, công chức. Áo dài xuất hiện nhiều hơn trong đám cưới, lễ hội hay ngày Tết... Áo dài cũng chu du nhiều nơi trên thế giới, xuất hiện trên các sàn diễn thời trang lớn tại Rome (Italy), Paris (Pháp), các sự kiện nghệ thuật, ngoại giao... Nhiều bộ sưu tập áo dài của Việt Nam đã được trưng bày tại nhiều bảo tàng trên thế giới... như một đại sứ đặc biệt giới thiệu với bạn bè quốc tế về văn hóa, con người Việt Nam.

Nói áo dài có giá trị khoa học bởi lẽ nó chứa đựng hàm lượng thông tin hữu ích cho chúng ta biết về một loại tri thức dân gian và nghề thủ công truyền thống của người Việt: Thiết kế, cắt may áo dài. Những mẫu áo dài được thiết kế dựa trên cơ sở khoa học (khoa học màu sắc, nhân trắc cơ thể, nguyên lý hội họa) và kỹ thuật của người thợ cắt may. Kỹ thuật đó đã được thể nghiệm và thay đổi, biến tấu qua rất nhiều cách thức. Từ việc lựa chọn chất liệu ban đầu là vải làm sao cho phù hợp với điều kiện nguyên liệu sẵn có, điều kiện khí hậu nhiệt đới, điều kiện lao động sản xuất của người Việt truyền thống. Chất liệu được lựa chọn thường là vải thô gai, rồi vải tơ, lụa... vừa phù hợp với người Việt có nghề dệt vải chăn tằm, lại bảo đảm thoáng mát. Kiểu dáng cũng đơn giản, ít tầng lớp, ngày một gọn gàng để dễ giặt giũ phơi phóng, lại thuận lợi cho người mặc là người phụ nữ thôn quê xưa quen tảo tần, gánh gồng, cấy hái. Sự thiết kế may mặc đó đã trải qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng của nhiều thế hệ người Việt, là nơi hội tụ và tỏa sáng của bàn tay, khối óc, trí tuệ sáng tạo, trình độ khoa học của cha ông ta.

Giá trị thẩm mỹ và văn hóa

Áo dài là một trang phục đẹp, giàu giá trị thẩm mỹ, giàu tính nghệ thuật. Giá trị thẩm mỹ của chiếc áo dài có được nhờ vào sự lựa chọn tinh tế các yếu tố từ chất liệu, kết cấu tạo hình, cách phối màu, xử lý các chi tiết và cách mặc để phù hợp với công năng sử dụng... Sự tinh tế thể hiện trên kỹ thuật may, như ghép hoa văn ở sống áo sao cho thật khớp, đường may thẳng, mũi kim nhỏ, đều, giấu kín đường chỉ khâu, hay đường tà lượn sao cho mềm mại... Áo dài hiện đại, với sự ra đời nhiều xu hướng thiết kế, nghệ thuật trang trí trên áo càng được đầu tư, tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ đa dạng. Nhà thiết kế sử dụng ngôn ngữ tạo hình để diễn tả ý tưởng sáng tác nhằm miêu tả không gian trên áo dài (không gian ba chiều) và chính không gian đó tác động tới thị giác người đối diện, gợi nên những liên tưởng mang tính nghệ thuật. Mỗi chiếc áo dài là một tác phẩm nghệ thuật, là kết quả của tài năng, tâm huyết của người thiết kế, may đo. Nếu người mặc có năng khiếu thẩm mỹ, biết lựa chọn mẫu áo phù hợp với làn da, vóc dáng, bối cảnh... thì lại càng tôn lên vẻ đẹp, sự cuốn hút của áo và của chính mình.

Vượt qua những giá trị đơn thuần về mặt sản phẩm tiêu dùng, áo dài đã đạt đến tầm vóc mới, trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa, ẩn chứa vẻ đẹp thuần khiết của tâm hồn Việt.

Giá trị tuyệt vời của áo dài không chỉ là một trang phục đẹp, vừa tha thướt, gợi cảm lại vừa thanh lịch, trang nghiêm. Nó cũng được coi là hiện thân cho vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Có thể nói, đây là loại trang phục có khả năng tôn vinh vẻ đẹp nữ tính, duyên dáng và gợi cảm của người phụ nữ vào bậc nhất. Nhưng khi nhìn nhận vẻ đẹp của người phụ nữ qua áo dài, người tinh tế tất nhiên sẽ không chỉ nhìn về hình vóc bề ngoài của nó, nghĩa là không chỉ xem màu sắc, phom dáng... mà còn để ý đến cách mặc, đến dáng điệu, cử chỉ, phong thái của người diện nó. Người tinh tế sẽ làm sao cho duyên dáng, lịch thiệp trong từng cách đi đứng, nói năng.

Vì thế, khi nói đến vẻ đẹp độc đáo của áo dài, người ta vẫn nghĩ đến vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam: Gợi cảm, duyên dáng mà tinh tế, đoan trang. Vẻ đẹp đó không dễ lẫn với ai cho dù hiện nay mối nguy về bản quyền quốc gia của áo dài đang hiện hữu.

Vẫn chờ một "danh phận"

Áo dài đẹp thế, ý nghĩa thế, giá trị và tiện dụng thế, nhưng hiện nay vẫn chưa được chính thức trở thành quốc phục? Năm 1990, đề án quốc phục nhằm tìm ra bộ trang phục sử dụng phổ biến trong công chức nhà nước đã được khởi động. Năm 2013, 2014, đề án quốc phục chuyển thành đề án lễ phục nhà nước, nghĩa là xây dựng bộ trang phục sử dụng trong các nghi lễ nhà nước và ngoại giao. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Khó khăn đến từ nhiều nguyên nhân, và có lẽ bao giờ các vấn đề sau được giải quyết ổn thỏa thì áo dài mới thực sự có một “danh phận” xứng đáng.

Về pháp lý, quốc phục là một trong những biểu tượng văn hóa, có giá trị biểu trưng cho văn hóa của một dân tộc, là hình ảnh của một quốc gia, nên vừa có giá trị văn hóa lại vừa có giá trị chính trị. Vì tính trọng đại của nó nên các vấn đề liên quan quốc phục cần phải được luật hóa. Hiện nay, chúng ta gặp trở ngại pháp lý trong việc ban hành quốc phục là do quy định về chủ thể có thẩm quyền ký ban hành quốc phục chưa được quy định trong văn bản pháp luật. Cho đến nay, trong Hiến pháp nước ta chưa có điều khoản nào quy định về chủ thể có thẩm quyền công nhận, phê duyệt chính thức bằng văn bản hành chính để ban hành các biểu tượng văn hóa.

Về thiết kế, hiện nay chưa có mẫu thiết kế nào thực sự tạo ấn tượng, đủ sức thuyết phục. Nhiều nhà thiết kế đã xây dựng nhiều mẫu áo nhưng cũng chưa nhận được sự đồng tình. Mẫu thiết kế phải bảo đảm vừa kế thừa những nét đẹp của áo dài truyền thống, vừa có những cách tân, sáng tạo cho phù hợp bối cảnh, nhu cầu, thị hiếu hiện tại.

Về sự đồng thuận xã hội, đây là yếu tố quan trọng, bởi nếu như vấn đề pháp lý đã bảo đảm, thiết kế đã hoàn thành, nhưng chưa đạt sự đồng thuận trong giới chuyên môn, nhà lãnh đạo hay nhân dân, thì việc lựa chọn được một mẫu áo dài để làm quốc phục lại bất khả thi. Hiện nay có hai vấn đề liên quan đến đồng thuận xã hội đang đặt ra: Một là đồng thuận trong dư luận xã hội. Một nguyên tắc khi một quốc gia tiến hành công bố quốc phục/hoặc lễ phục nhà nước, đó là cần phải công bố trang phục quy định cho cả nam và nữ. Về trang phục nữ giới, đại đa số đã tán thành là áo dài. Song trang phục cho nam giới thì còn nhiều ý kiến trái chiều. Các hội thảo, tọa đàm, thảo luận trên toàn quốc, nhiều diễn đàn trên mạng xã hội... đã bàn thảo mà vẫn chưa có kết quả. Vẫn còn sự băn khoăn giữa các phương án: Chọn khăn đóng áo dài kết hợp áo the khăn xếp hay cải tiến bộ veston? Hai là đồng thuận trong các nhà thiết kế. Việc lựa chọn quốc phục quá hệ trọng, nếu mẫu nào được chọn sẽ là vinh dự lớn lao cho nhà thiết kế. Một tâm lý thường gặp là ai cũng muốn thiết kế của mình được lựa chọn và ai cũng có những lý do để bảo vệ cho thiết kế của mình, việc thừa nhận đồng thuận với một thiết kế khác ngoài mình là điều không đơn giản.

Có thể nói, áo dài gắn bó với đời sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là với phụ nữ, áo dài phù hợp sử dụng trong nhiều sự kiện, với nhiều người mặc, nhiều độ tuổi, dáng vóc, nhiều địa vị, nghề nghiệp khác nhau.

Dù chưa được chính danh là quốc phục thì áo dài cũng đã được mặc định là trang phục truyền thống của dân tộc. Giá trị của trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài là một nét văn hóa sống động, đặc sắc của văn hóa Việt Nam cần được bảo tồn và phát huy trong bối cảnh đương đại. Muốn làm được điều đó, áo dài cần được “chính danh” trong khung khổ pháp lý của quốc gia, từ đó làm cơ sở để chính danh bản quyền với quốc tế.

TS NGHIÊM THỊ THU NGA