Trong thời kỳ quân chủ, nhất là vào thời Nguyễn, nước ta đã có hệ thống lễ phục được quy định đầy đủ, rõ ràng đối với từng tầng lớp, địa vị xã hội cho các loại nghi lễ "quan, hôn, tang, tế". Nhưng rất tiếc, đến thời Pháp thuộc, truyền thống này bị "đứt gãy" khi phong trào Âu hóa phát triển mạnh và các lễ phục truyền thống dần dần biến mất khỏi đời sống xã hội. Vì vậy, đến nay, chúng ta chưa có các lễ phục được quy định một cách chính thức, chuẩn chỉnh, nhất là bộ quốc phục mang tính đại diện cho quốc gia.

Nhìn chung, lễ phục là loại trang phục dùng trong nghi lễ nên nó phải khác thường phục. Ngoài việc phải tuân thủ các quy tắc chung của lễ phục, nó còn mang tính biểu tượng và ký hiệu, nhằm biểu đạt tư tưởng, tình cảm phù hợp với tính chất của từng nghi lễ. Lễ phục có nhiều loại, nhưng như người xưa đã tổng kết, tương ứng với "quan, hôn, tang, tế" sẽ có quan phục, hôn phục, tang phục, tế phục. Ngày nay, lễ phục còn phong phú hơn nhiều, có thêm lễ phục của các ngành nghề chuyên biệt (quân đội, công an, sinh viên tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ...). Lễ phục không đơn giản chỉ gồm áo, quần mà còn có nhiều phụ kiện đi kèm như mũ đội đầu, khăn, giày, dép, phù hiệu, thắt lưng, đồ trang sức...

Bài viết này chỉ tập trung bàn về lễ phục mang tính chất quốc phục của Việt Nam, trong mối tương quan với quốc phục của các quốc gia khác, như: Kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc, hay quốc phục của các nước Đông Nam Á, châu Phi, các nước Hồi giáo... Bộ lễ phục quốc gia không chỉ thể hiện bản sắc dân tộc mà còn phản ánh nhu cầu bảo tồn nền văn hóa truyền thống, di sản văn hóa của cha ông trong thời đại toàn cầu hóa.

Ở nước ta, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sớm ban hành quy định về quốc phục. Tuy nhiên, đã 30 năm trôi qua, có không ít hội nghị, hội thảo, cuộc thi thiết kế, đề tài nghiên cứu được tiến hành, nhưng đến nay, vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta vẫn chưa có một bộ quốc phục chính thức. Là một đất nước có truyền thống văn hóa, văn hiến lâu đời, có tinh thần độc lập, tự chủ, lẽ nào chúng ta có thể cam chịu cảnh không có lễ phục quốc gia?

Nhìn vào quốc phục của các nước, chúng ta dễ nhận thấy, nguyên tắc và chỉ báo đầu tiên là bộ lễ phục phải thể hiện đậm nét bản sắc dân tộc, mang tính biểu trưng cho quốc gia, toát lên những đặc trưng văn hóa riêng. Do vậy, quốc phục phải có tính truyền thống, tính lịch sử, không thể là những thiết kế mới, hiện đại, cũng không thể là Âu phục vay mượn của phương Tây.

leftcenterrightdel

Trang phục thường dùng cho sinh viên, học viên tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (ảnh chụp tại Lễ bế giảng và trao bằng thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Ảnh: NHẬT HUYỀN 

 

Việt Nam, cũng như không ít quốc gia, là đất nước đa dân tộc. Do vậy, khó có thể thiết kế một bộ quốc phục tổng hợp được bản sắc trang phục của tất cả các tộc người. Vì thế, cũng như các quốc gia, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng trang phục của tộc người đa số, tộc người chủ thể, ở đây là người Kinh (Việt) làm lễ phục đại diện. Điều này cũng tương tự như trong ngôn ngữ, tiếng Việt được coi là ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam, trong khi chúng ta vẫn tôn trọng và bảo vệ tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số khác. Tất nhiên, bộ quốc phục này chỉ mang tính đại diện trên phương diện đối ngoại, còn trong hoạt động đối nội, các tộc người vẫn có riêng lễ phục của mình.

Về kiểu dáng, thiết kế, chỉ nên có những quy định chung và chế định một số chi tiết quan trọng, cốt yếu, còn màu sắc, hoa văn, họa tiết, chất liệu... không nên có quy định cứng nhắc, nhằm phát huy sự phong phú, đa dạng của lễ phục (như kimono ở Nhật Bản, hanbok ở Hàn Quốc, lễ phục của Thái Lan, Campuchia, Indonesia...).

Hiện nay, đối với lễ phục nữ, áo dài truyền thống đã nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Các nguồn sử liệu và tư liệu đã chứng minh đầy đủ nguồn gốc, lịch sử hình thành, bản sắc và giá trị của áo dài. Áo dài hiện nay ngày càng được sử dụng phổ biến trong các nghi thức cấp nhà nước, các hoạt động ngoại giao, lễ hội truyền thống, sự kiện trọng đại của cộng đồng và gia đình. Áo dài đã kiêu hãnh bước lên sàn diễn thời trang thế giới, tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế danh giá, được các quốc gia công nhận là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam. Áo dài cũng khẳng định được vấn đề “bản quyền”, “thương hiệu nhận diện” của văn hóa Việt Nam. Thậm chí áo dài còn được sử dụng nguyên gốc trong tiếng Anh như một từ quốc tế (“ao dai”).

Tuy nhiên, đối với trang phục nam thì vẫn còn một số trở ngại, khó khăn nhất định. Hiện nay, trong nhiều cơ quan, tổ chức, tại các sự kiện, nghi thức trang trọng có quy định lễ phục của nam là bộ comple, áo sơ mi, caravat, lễ phục của nữ là áo dài truyền thống. Đây là một sự “cọc cạch” rất đáng tiếc, bởi bộ comple là sản phẩm của văn hóa phương Tây.

Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có căn cứ xác đáng về lịch sử, nguồn gốc, mẫu thiết kế để xác định bộ lễ phục nam truyền thống phù hợp. Đó chính là chiếc áo ngũ thân đã xuất hiện từ thời các chúa Nguyễn, sau cải cách trang phục Đàng Trong của Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát năm 1744. Trải qua thời gian, chiếc áo dài ngũ thân nam ngày càng được hoàn thiện và đến nay có đầy đủ vẻ sang trọng, tinh tế, đĩnh đạc để sánh ngang với áo dài nữ, trở thành quốc phục Việt Nam. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng bộ áo dài, khăn xếp của cư dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ, hiện đang phổ biến trong các sinh hoạt tín ngưỡng, hội hè, diễn xướng dân gian như quan họ, hát xoan... Điều đó cũng không có gì là ảnh hưởng, bởi ngay kimono Nhật Bản hay hanbok Hàn Quốc cũng có một vài biến thể khác nhau.

Có ý kiến cho rằng, có thể dùng áo dài ngũ thân cho cả nam và nữ, tuy nhiên, như vậy sẽ không làm nổi bật giới tính của bộ lễ phục. Áo dài ngũ thân truyền thống của nữ cũng được may rộng, buông suông như áo nam nên khó tôn lên những đường cong mềm mại, vẻ đẹp nữ tính của chiếc áo dài tân thời.

Hiện nay, áo dài lễ phục đang dần khẳng định vị thế và vai trò trong đời sống đương đại. Huế trở thành thành phố đi đầu trong phong trào mặc lễ phục áo dài trong các sinh hoạt đối ngoại, văn hóa, du lịch và phấn đấu trở thành kinh đô áo dài của Việt Nam. Nhiều đại biểu Quốc hội các địa phương bắt đầu mặc áo dài trong các sinh hoạt nghị trường. Không ít đại sứ mặc áo dài dân tộc trong các nghi lễ trình quốc thư hay các sự kiện ngoại giao...

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc có một bộ quốc phục sẽ góp phần khẳng định bản sắc Việt Nam, toát lên lòng tự hào dân tộc, ý chí độc lập, tự cường cũng như bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa.

Trở lại chuyện quá khứ, nếu cách đây hai, ba chục năm, việc sử dụng trang phục áo dài chưa phổ biến rộng vì nhiều lý do thì hiện nay, “văn hóa áo dài” đang ngày càng lan tỏa. Không chỉ phụ nữ mà cả nam giới, không chỉ người trẻ mà cả người già, trung niên, trẻ em đều thích mặc áo dài.

Do vậy, chỉ cần sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan có thẩm quyền, từ phương diện pháp lý đến hoạt động thực thi, cùng với sự đồng lòng của giới nghiên cứu, những người hoạt động văn hóa, các nhà thiết kế, thì hy vọng chúng ta sẽ sớm có bộ quốc phục Việt Nam trong tương lai gần.

Hiện nay, các cơ quan hữu quan đang nỗ lực làm các thủ tục để đưa áo dài vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới làm hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để góp phần biến hy vọng trên sớm trở thành hiện thực.

GS, TS TỪ THỊ LOAN