Trước đây, khái niệm “thực dân văn hóa”, “đế quốc văn hóa” thường chỉ sự bá quyền và bành trướng của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc trên phương diện văn hóa và chủ yếu gắn với các nước phương Tây. Ngày nay, khái niệm này đã mở rộng nội hàm, chỉ tất cả quốc gia có thể không phải là đế quốc, nhưng có tham vọng bành trướng ảnh hưởng và quyền lực thông qua văn hóa. Bên cạnh sự thống trị của văn hóa Mỹ, văn hóa phương Tây, hiện nay đã xuất hiện những quốc gia mới nổi có tham vọng biến văn hóa thành “quyền lực mềm”, “sức mạnh mềm” để chi phối các dân tộc khác, phục vụ lợi ích của quốc gia mình.
Trong cuộc chiến văn hóa này, nền văn hóa nào không đủ nội lực, không đủ bản lĩnh sẽ rất dễ bị tổn thương, bị “nuốt chửng”, “chìm nghỉm” trong các nền văn hóa khác. Do vậy, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa chính là cứu cánh, là giải pháp hữu hiệu để bảo đảm “hòa nhập mà không hòa tan”.
Trong suốt dặm dài lịch sử, đất nước ta từng kiên cường chống lại âm mưu đồng hóa của phong kiến phương Bắc, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Do vậy, không có lý nào chúng ta không phát huy được truyền thống đó trước nguy cơ “xâm lăng văn hóa” của các đế quốc văn hóa hiện nay. Chúng ta có căn cứ, có cơ sở để tự tin vào sức mạnh nội sinh của mình. Trong đối sánh với các nền văn hóa khác, văn hóa Việt Nam có những giá trị bản sắc độc đáo, không hề thua kém, thậm chí có mặt nổi trội, được cả thế giới biết đến.
Trước hết, nói về truyền thống ngàn năm văn vật, ngàn năm văn hiến, chúng ta có thể tự hào về kho tàng di sản văn hóa đồ sộ mà cha ông để lại. Hơn 30 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh, hàng vạn di tích lịch sử-văn hóa, hàng ngàn lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc chính là nguồn tài nguyên nhân văn to lớn để chúng ta khai thác phát triển du lịch, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam. Di sản văn hóa là nền tảng để du lịch Việt Nam gần đây liên tục “ẵm” các giải thưởng lớn danh giá như: “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”, “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á”...
Đồ thủ công mỹ nghệ cũng là một đại sứ văn hóa của Việt Nam. Với hơn 2.000 làng nghề thủ công truyền thống đa dạng về loại hình, từ gốm, sứ, thêu ren, mây tre đan đến đúc đồng, chạm bạc, chạm khắc gỗ... sản phẩm của Việt Nam được khách hàng quốc tế rất ưa chuộng. Bên cạnh sự tinh tế, tài, khéo, sản phẩm mỹ nghệ của Việt Nam còn toát lên những nét đặc sắc của văn hóa. Đến nay, các sản phẩm này đã có mặt tại 163 quốc gia, vùng lãnh thổ, chiếm gần 10% thị trường toàn cầu, trong đó Hoa Kỳ chiếm tới 35% doanh số kim ngạch xuất khẩu hằng năm, bên cạnh Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Australia, Hàn Quốc...
Về nghệ thuật trình diễn, chúng ta có những hình thức sân khấu truyền thống đặc sắc lâu đời như chèo, tuồng và đặc biệt là múa rối nước. Trên thế giới có nhiều loại rối khác nhau: Rối gậy, rối que, rối dây, rối tay, rối ngón, rối bóng... nhưng đều là rối cạn, chỉ duy nhất Việt Nam có rối nước. Múa rối nước thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa Việt, do vậy, rất được công chúng nước ngoài ưa thích. Người Pháp gọi đó là “linh hồn của đồng ruộng Việt Nam”, một trong những hình thức quan trọng nhất của sân khấu múa rối thế giới. Múa rối Việt Nam đã được trình diễn tại hơn 100 nước trên thế giới. Nhà hát Múa rối Thăng Long từng được nhận danh hiệu nhà hát duy nhất ở châu Á biểu diễn liên tục suốt 365 ngày trong năm.
Xiếc tre cũng là một đặc sản của văn hóa Việt, với hình thức “xiếc kể chuyện” đã chinh phục khán giả khắp thế giới. Xiếc tre đã được nồng nhiệt chào đón tại những nhà hát danh tiếng thế giới như: Sydney Opera House (Australia), Kanagawa Arts Theatre và Yokosuka Arts Theatre (Nhật Bản), Le Quartz (Pháp), Royal Opera House Muscat (Oman)...
|
|
Biểu diễn nghệ thuật văn hóa dân tộc Chăm tại Di tích lịch sử-văn hóa Tháp Bà Ponagar (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Ảnh: PHÚC ANH |
Việt Nam cũng nằm trong tốp các "thiên đường ẩm thực" của thế giới. Ẩm thực Việt Nam nổi tiếng bởi sự kết hợp tinh tế hương vị ẩm thực cả Á lẫn Âu, có nhiều món ngon, dân dã mà vô cùng đặc sắc. Năm 2019, trang CNN đã đưa ẩm thực Việt Nam vào tốp 10 nền ẩm thực tốt nhất thế giới. Tháng 12-2020, tạp chí du lịch nổi tiếng của Australia là Lonely Planet đã bình chọn Việt Nam là quốc gia ẩm thực Đông Nam Á “tốt nhất trong những nước tốt nhất”. Chỉ riêng phở Việt Nam hiện đã nổi tiếng khắp thế giới không kém gì sushi của Nhật Bản hay kim chi của Hàn Quốc. Phở có mặt tại 50 quốc gia, từ Singapore, Nhật Bản, Australia, Đức, Anh, Mỹ... đến Brazil xa xôi với các thương hiệu nổi tiếng như: Phở 79, Phở Thìn, Phở Bình, Phở 14... Riêng tại Mỹ, phở Việt được xếp ngang với các món pizza Ý, bánh burritos Mexico, sushi Nhật. Các món nem, bánh xèo, bún chả... cũng ngày càng trở nên quen thuộc hơn với thực khách thế giới.
Trang phục Việt Nam cũng rất độc đáo, đa dạng, với sự góp mặt của 54 dân tộc anh em. Riêng áo dài Việt Nam hiện đã kiêu hãnh sánh vai với kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc, xường xám của Trung Hoa... trên các sàn diễn thời trang danh giá, các đấu trường nhan sắc uy tín của quốc tế. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh âm nhạc nước ngoài, đặc biệt là "làn sóng" K-pop đang "làm mưa làm gió" tại Việt Nam thì âm nhạc Việt vẫn trụ vững và khẳng định bản sắc riêng. Rất nhiều gương mặt nhạc sĩ trẻ tài năng xuất hiện. Không ít ca sĩ V-pop nổi tiếng và thành công không kém các ca sĩ K-pop, J-pop. Xuất hiện những dòng nhạc mới như: Underground, Indie... nhiều ca khúc Việt Nam được xếp thứ hạng cao trên các trang web nhạc uy tín quốc tế. Điểm chung đó là thứ âm nhạc có cá tính, có bản sắc Việt, không phải sự bắt chước, mô phỏng âm nhạc nước ngoài. Công chúng nước ngoài rất ưa thích các nhạc cụ dân tộc của Việt Nam được chế tác chủ yếu từ vật liệu tự nhiên (tre, nứa, trúc, gỗ, đá, sừng trâu) như đàn bầu, đàn t’rưng, kloong put, sáo, tù và, thanh la, mõ, trống... mang tới sắc thái âm nhạc rất riêng.
Về mỹ thuật, kế tục truyền thống tôn vinh bản sắc dân tộc của các thế hệ họa sĩ đi trước như các bộ tứ nổi tiếng: “Trí, Lân, Vân, Cẩn”, “Phái, Sáng, Liên, Nghiêm”, “Phổ, Thứ, Lựu, Đàm”, các họa sĩ Việt Nam đương đại ngày càng khẳng định mình trên thị trường mỹ thuật thế giới. Tác phẩm của họ được giới chuyên môn đánh giá cao, đoạt nhiều giải thưởng lớn tại các triển lãm quốc tế. Thực tế cho thấy, nếu chỉ chạy theo các trào lưu mỹ thuật thế giới mà không tạo được dấu ấn riêng, bản sắc riêng thì các họa sĩ Việt Nam chỉ là cái bóng mờ bên cạnh những danh họa thế giới. Chỉ khi tác phẩm thấm đẫm tinh thần, hồn cốt dân tộc mới khiến họ trở nên khác biệt và vươn tầm ra thế giới.
Sự khởi sắc của điện ảnh Việt Nam gần đây cũng cho thấy, chỉ những tác phẩm nào kết hợp tốt tính dân tộc và tính hiện đại, bản sắc và hội nhập quốc tế thì mới thành công. Doanh thu ấn tượng và sự đón chào của người xem trong nước và nước ngoài, các giải thưởng điện ảnh uy tín là minh chứng cho điều đó. Sự thành công của các bộ phim như: "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Hai Phượng", "Bố già", "Em và Trịnh", "Tro tàn rực rỡ".. cũng như các phim truyền hình gần đây đã góp phần kéo khán giả nội quay lại rạp, cạnh tranh sòng phẳng với các phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Hollywood...
Có thể nói, văn hóa Việt Nam với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến và sự đa dạng về văn hóa tộc người đang là kho báu vô tận để chúng ta giữ gìn, phát huy, biến văn hóa thành “nguồn lực nội sinh”, sức đề kháng, pháo đài vững chắc chống lại sự "xâm lăng văn hóa" từ bên ngoài.
GS, TS TỪ THỊ LOAN