Sự lệch chuẩn trong sử dụng tiếng Việt hiện nay rất đa dạng, phức tạp như: Lạm dụng tiếng nước ngoài, lạm dụng ngôn ngữ mạng xã hội... Giới trẻ có xu hướng thích ngôn ngữ tự chế, lai ghép, thay đổi câu chữ không theo quy luật nào để giao tiếp thực tế. Hiện tượng ngôn ngữ biến tướng theo kiểu tự chế xuất hiện phổ biến trên mọi hình thức cả nói và viết, trên các diễn đàn, trang cá nhân hay giao tiếp trực tiếp và qua mạng xã hội. Một biểu hiện rõ nét nhất là người dùng cố tình ghi sai chính tả tiếng Việt để viết tắt cho nhanh hoặc nhằm tạo sự khác biệt, cho hợp xu thế chung. Ví dụ: Vì seo (vì sao), k (không), 10k (10.000 đồng), bít rùi (biết rồi), đeo khổ (đau khổ) 2 e! (chào em!), Mìn k hỉu nủi (Mình không hiểu nổi)... Thậm chí, các bạn trẻ còn không dùng chữ cái tiếng Việt mà dùng ký tự bàn phím để gõ từ như: Wé (quá), ngèy maj (ngày mai), ja trj nh4^n v4(n (giá trị nhân văn), b4?n ~ (bản ngã)...

Hiện tượng tiếng Việt cũng bị biến tướng, trở nên xấu xí bởi một bộ phận người dân trong xã hội có thói quen nói từ lóng, nói tục, viết bậy. Thậm chí, trên phương tiện truyền thông đại chúng cũng xảy ra tình trạng tác giả giật tít câu khách bằng những ngôn từ thiếu tinh tế. Điều này có thể xuất phát từ suy nghĩ của nhiều bạn trẻ hiện nay, rằng viết không nhất thiết phải đúng chính tả, đủ thành phần ngữ pháp tiếng Việt mà viết kiểu nào cũng được, miễn đối phương hiểu được ý của mình... Tuy nhiên, chúng ta thực sự phải suy nghĩ đến một viễn cảnh không xa, khi một bộ phận người Việt biến ngôn ngữ mẹ đẻ thành một hỗn hợp pha tạp, lai căng, không còn vẻ thuần hậu, trong sáng và giá trị tốt đẹp vốn có của nó!

leftcenterrightdel

 

 Minh họa: PHẠM HÀ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, t.5, tr.341).

Như vậy, theo Bác, để cho tiếng Việt giàu có, phong phú, ta có thể vay mượn ngôn ngữ khác, nhưng vay mượn tiếng nước ngoài không có nghĩa là lạm dụng, sính ngoại mà quên đi giá trị của tiếng mẹ đẻ. Điều đó có nghĩa là vay mượn ngoại ngữ phải có chừng mực, chỉ vay mượn cái gì mình chưa có. Tất nhiên, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng và phức tạp hiện nay, yêu cầu về sự giao lưu, hội nhập về ngôn ngữ là không thể phủ nhận. Việc sáng tạo kiểu ngôn ngữ, ký tự nói trên một phần cũng là theo quy luật của ngôn ngữ nhân loại, thể hiện sự năng động, linh hoạt của giới trẻ trong thời đại hội nhập toàn cầu. Nhưng chúng ta không thể nào cổ xúy cho những thái độ, hành vi, lối sống sùng ngoại, lai căng từ việc dùng ngôn ngữ thiếu trong sáng, không phù hợp với văn hóa dân tộc.

Thực tế, hệ lụy của việc sử dụng ngôn ngữ như thế không chỉ ảnh hưởng trước mắt mà còn lâu dài từ cá nhân người dùng tới cả cộng đồng. Sính ngoại, lai căng chính là một trong những biểu hiện của lối sống phù phiếm, thiếu chiều sâu văn hóa, lâu dần có thể dẫn tới dấu hiệu của tâm lý tự ti, giảm niềm tin vào những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nếu lạm dụng ngôn ngữ tự chế thành thói quen giao tiếp, thậm chí sử dụng trong bài làm văn, các văn bản hành chính thì hết sức nguy hại. Nếu các ký tự lập dị và lệch chuẩn ngôn ngữ kia xuất hiện tràn lan sẽ gây nhiễu loạn thông tin, tạo nên mớ hỗn độn, khó hiểu đối với người tiếp nhận.

Ngược lại, khi một lời thoại, một văn bản được viết đúng chính tả, nói đúng quy chuẩn ngôn ngữ, trong sáng và biểu cảm thì sẽ dễ hiểu và giúp truyền tải thông điệp một cách thuận lợi, giúp người đọc, người nghe hiểu đúng, hiểu nhanh, tránh được tình trạng hiểu lầm, hiểu sai không đáng có. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả giao tiếp cũng như hình ảnh của bản thân người đó. Bởi theo nhà triết học người Đức L.Pheurbach: “Bản chất của con người chỉ bộc lộ trong giao tiếp”. Ngôn ngữ giao tiếp kém sẽ tạo nên ấn tượng không tốt và là rào cản của sự thành công trong cuộc sống của mỗi người. Sự sáng tạo thái quá sẽ thành tùy tiện, nếu ngôn từ “độc lạ” bị lạm dụng sẽ trở thành hiện tượng lệch chuẩn, ảnh hưởng đến văn minh giao tiếp, làm lu mờ bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu tình trạng này không kịp thời chấn chỉnh thì một bộ phận người Việt ít dùng tiếng mẹ đẻ sẽ làm tiếng Việt nghèo nàn về vốn từ, rối rắm về ngữ pháp và bị đảo lộn về chuẩn mực, quy tắc. Nguy hại hơn, nó tạo kẽ hở cho các ngôn ngữ khác có ưu thế lấn át tiếng Việt.

Ngôn ngữ mẹ đẻ là di sản văn hóa quý giá của mỗi cộng đồng dân tộc. Là sản phẩm của một nền văn hóa trọng tình, ngôn từ tiếng Việt rất giàu tính biểu cảm, phong phú và trong sáng, hay về ý, đẹp về hình. Trong hành trình thăng trầm của lịch sử dân tộc, tiếng Việt đã được các thế hệ cha ông nối tiếp nhau sáng tạo, giữ gìn, trao truyền và đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển văn hóa dân tộc cũng như sự tồn vong của quốc gia. Chính vì vậy, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chính là bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiệm vụ này đặt ra cấp thiết hiện nay, đòi hỏi các nhà quản lý, các nhà giáo dục, nhà trường và gia đình cần quan tâm sát sao, có sự phối hợp chặt chẽ trong việc định hướng thẩm mỹ cho con trẻ.

Trong thời gian tới, cần thực hiện tốt hơn nữa công tác giáo dục ngôn ngữ cho trẻ nhỏ, học sinh, sinh viên; cần bồi đắp cho thế hệ trẻ tình yêu tiếng Việt và văn hóa Việt. Một chính sách giáo dục phù hợp, đồng bộ, khả thi kết hợp với một chương trình giáo dục tiếng Việt bài bản là những nhiệm vụ cần phải tính đến để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

TS NGHIÊM THỊ THU NGA