QĐND -Từ hàng trăm năm nay, ngôn ngữ Hán Việt nói chung và thành ngữ Hán Việt nói riêng chiếm một số lượng quan trọng và trở thành một bộ phận hữu cơ của ngôn ngữ Việt Nam, trong giao tiếp hằng ngày cũng như trong văn chương, học thuật thuộc nhiều lĩnh vực. Chỉ riêng việc sử dụng những thành ngữ Hán Việt cũng đã hết sức phổ biến ở mọi lúc, mọi nơi. Bởi vậy, việc hiểu thấu đáo nội dung điển tích, xuất xứ, ngữ nghĩa… của các thành ngữ Hán Việt để sử dụng chính xác những thành ngữ ấy trong lời ăn tiếng nói hằng ngày cũng như trong các loại văn bản giấy tờ là hết sức cần thiết. Sử dụng thành ngữ Hán Việt chính xác, hợp văn cảnh sẽ làm cho nội dung ngôn ngữ càng thêm phong phú, biểu cảm, sinh động và giàu sức thuyết phục. Đồng thời đó cũng là một phương cách hữu hiệu trong việc tìm hiểu, tiếp thu những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, của nhân loại.

Xuất phát từ những nhu cầu thực tế trên đây, Nhà xuất bản Lao Động vừa hoàn thành và ra mắt cuốn “Từ điển thành ngữ Hán Việt” do nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm, nguyên giảng viên chính Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên chuyên gia Trung văn Đại học Phnôm-pênh, hiện là Chủ nhiệm chuyên ngành tiếng Trung Quốc trường Đại học Đại Nam, biên soạn. Tác phẩm có sự tham gia của tập thể nhiều chuyên gia Trung văn nổi tiếng thuộc Đại học Hà Nội và Đại học Đại Nam, như: Cẩm Thi, Bích Hằng, Quỳnh Nga, Quang Anh, Gia Thanh v.v…

Từ trước đến nay ở nước ta đã có một số cuốn từ điển tương tự được xuất bản và sử dụng rộng rãi. Những bộ sách này thường khá đồ sộ về kích cỡ, với hàng chục ngàn từ mục bao gồm cả tục ngữ Hán Việt và thành ngữ Hán Việt. Đối tượng phục vụ của những cuốn từ điển này khá rộng rãi vì vậy việc chú giải thường tập trung những nghĩa cơ bản chung nhất và ít có dẫn chứng minh họa hoặc hướng dẫn sử dụng cụ thể. Cuốn Từ điển thành ngữ Hán Việt lần này của nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm dành cho đối tượng là học sinh-sinh viên các trường phổ thông và cao đẳng-đại học, chỉ tập trung biên soạn phần “Thành ngữ Hán Việt” là bộ phận được sử dụng phổ biến nhất trong giao tiếp cộng đồng cũng như trong các loại văn bản. Vì vậy, tác giả chỉ lựa chọn một số lượng thành ngữ hợp lý, phổ cập, trình bày trong một khuôn khổ tác phẩm gọn nhẹ phù hợp điều kiện sinh hoạt và học tập của học sinh-sinh viên. Khác với một số từ điển loại này đã xuất bản trước đây các thành ngữ chỉ được trình bày dưới dạng chữ quốc ngữ phiên âm từ Hán Việt, “Từ điển thành ngữ Hán Việt” lần này có cả phần chữ Hán và mỗi từ đều có phiên âm chuẩn và âm Hán Việt bằng chữ La-tinh, có chú giải về xuất xứ, ý nghĩa và phạm vi sử dụng. Phần hướng dẫn cách tra từ điển được sắp xếp theo bảng chữ cái phiên âm La-tinh tiếng Trung Quốc. Đặc biệt, việc lựa chọn thành ngữ, giải nghĩa và ví dụ minh họa… tác giả đã cố gắng cập nhật đặc điểm ngôn ngữ của lứa tuổi học sinh-sinh viên trong môi trường giao thoa văn hóa của thời đại toàn cầu hóa và một số lệch lạc trong ngôn ngữ sinh hoạt của thanh-thiếu niên “thời đại a còng”. Vì thế, “Từ điển thành ngữ Hán Việt” của nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm thực sự là một công cụ hữu ích, thiết thực trước đòi hỏi phải tăng cường giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hiện nay.

Mặc dù đã hết sức cố gắng cẩn trọng và nghiêm túc, nhưng chắc chắn “Từ điển thành ngữ Hán Việt” không thể tránh khỏi những sai sót. Trong lời giới thiệu đầu sách, tác giả và Nhà xuất bản mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của đông đảo độc giả và các chuyên gia để lần tái bản sau sẽ tốt hơn. Độc giả cũng mong muốn nếu tái bản, sách sẽ được đóng bìa cứng và cập nhật hơn nữa những thành ngữ mới phát sinh trong thời gian gần đây…

Lệ Sơn