Nghệ thuật đặc sắc vùng Tây Bắc

Xòe Thái (múa Thái) được người dân gọi theo nhiều cách khác nhau: Xe, xé, xék, xòe, múa xòe, mố... Những năm gần đây, Xòe Thái được cộng đồng sử dụng nhiều theo cách gọi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Từ bao đời nay, Xòe Thái gắn bó mật thiết với phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội cũng như các sinh hoạt văn nghệ của người dân. Thực hành xòe trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện bản sắc tộc người và là cơ sở để sáng tạo thêm những giá trị văn hóa mới.

Người Thái có rất nhiều điệu xòe, về cơ bản có thể quy chúng về 3 hình thức chính: Xòe nghi lễ, xòe biểu diễn và xòe vòng. Xòe nghi lễ đóng vai trò quan trọng trong các lễ hội cộng đồng như: Xên mường, Xên bản (lễ cúng mường, cúng bản), Xên Lẩu Nó (lễ cúng rượu măng), Hết Chá (lễ tạ ơn), Kin Pan Then (lễ cúng của các thầy Then), các lễ hội cầu mưa, xuống đồng, các nghi lễ trong phạm vi gia đình như lễ cúng tổ tiên, lễ tang ma, lễ cúng ruộng, cúng vía trâu... với sự tham gia của các thầy cúng (thầy Tào, thầy Mo, thầy Phựt, thầy Then). Xòe nghi lễ thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với trời, đất, các vị thần linh, những người đã tạo ra bản, mường và phù hộ cho dân bản được ấm no, hạnh phúc, may mắn, an lành. Xòe nghi lễ có nhiều điệu múa như: Múa dâng lễ, múa cầu vong, múa chào mời các hồn vía, múa dâng lễ cảm ơn các thiên binh cứu mệnh cho người ốm...

leftcenterrightdel

Chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian biểu diễn trong Lễ trao bằng công nhận Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tối 24-9-2022, tại tỉnh Yên Bái. Ảnh: THANH HÀ

Xòe biểu diễn là các hình thức xòe văn nghệ, được trình diễn dưới dạng sân khấu, không gắn với tính thiêng, chủ yếu đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Các điệu xòe thường do một nhóm nhỏ biểu diễn, chủ yếu là nữ, mang tính “chuyên môn hóa” cao, còn số đông là khán giả đứng xem. Xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như: Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe chai...

Xòe vòng là hình thức xòe tập thể theo vòng tròn không giới hạn số người tham gia. Các vòng tròn có thể mở rộng, nối dài linh hoạt hoặc có thể tách thành nhiều vòng xòe đồng tâm quay quanh một “tâm xòe” là hũ rượu cần hoặc một đống lửa. Nếu một vòng xòe di chuyển theo chiều kim đồng hồ thì vòng xòe kia vận động theo chiều ngược lại. Ở Xòe vòng không có người biểu diễn và người xem, bất cứ ai cũng có thể tham gia. Xòe vòng thường diễn ra vào lúc kết thúc các sự kiện, lễ hội, các cuộc vui hay trong các hình thức sinh hoạt đời thường như ngày lễ, sinh nhật, tân gia, cưới xin...

Sở dĩ xòe trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với các cộng đồng người Thái là bởi nó hàm chứa những giá trị văn hóa sâu xa và đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng.

Thứ nhất, Xòe Thái là nơi thể hiện bản sắc văn hóa tộc người. Nói đến xòe là nói đến một nét văn hóa riêng có của dân tộc Thái, toát lên từ các điệu múa, âm nhạc, lời ca, trang phục và các không gian văn hóa đi kèm. Xòe Thái góp phần trao truyền những nét đẹp của nghệ thuật múa dân gian Thái, mà tiêu biểu là 6 điệu xòe cổ: Nâng khăn mời rượu (Khắm khăn mơi lẩu), Bổ bốn (Phá xí), Bước tiến lùi (Đổn hôn), Tung khăn (Nhôm khăn), Vòng tròn vỗ tay (Ỏm lọm tốp mư), Nắm tay vòng tròn (Ỏm lọm khắm khăn), đồng thời có những sáng tạo, làm mới để ngày càng trở nên đa dạng. Xòe đã trở thành một biểu tượng của văn hóa dân tộc Thái, đi vào văn chương, thi ca, nhạc họa, phim ảnh...

Thứ hai, Xòe Thái đáp ứng nhu cầu tâm linh, là điểm tựa tinh thần của người dân. Cùng với các nghi lễ tín ngưỡng, xòe biểu lộ lòng biết ơn, tri ân đối với các đấng thần linh, mà cao nhất là Trời, đã tạo ra bản mường và che chở, bảo trợ một cuộc sống no đủ, bình an, tránh mọi tai ách, bệnh tật...

Thứ ba, xòe đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Sau những giờ phút lao động vất vả, sinh hoạt xòe giúp mọi người vui chơi, thư giãn, hưởng thụ văn hóa. Các điệu xòe phô diễn nét đẹp của người con gái Thái, sự hấp dẫn của các điệu múa, sự duyên dáng của trang phục, sự độc đáo trong âm nhạc...

Thứ tư, Xòe Thái làm gia tăng tính cố kết cộng đồng. Là hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tập thể cao đầy thân thiện, cởi mở và hòa đồng, xòe trở thành cầu nối gắn kết mọi người, củng cố tình đoàn kết giữa các cá nhân và cộng đồng. xòe cũng là nơi khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa, cho các cuộc tình trăm năm.

Có thể nói, Xòe Thái đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong đời sống của người dân Thái. Điều đó được đúc kết rất sinh động trong câu hát: “Không xòe lúa không tốt”; “Không xòe thóc cạn bồ”; “Không xòe hoa tàn héo”; “Không xòe trai gái không thành đôi”... Với những giá trị văn hóa, nghệ thuật và nhân văn như vậy, ngày 15-12-2021, nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

leftcenterrightdel

Đại diện cho UNESCO trao bằng công nhận Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lãnh đạo UBND các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.  Ảnh: THANH HÀ

Phát huy giá trị tốt đẹp của di sản

Để bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp của di sản này, chúng ta cần tiếp tục thực hiện các cam kết trong Hồ sơ đệ trình UNESCO và thực hiện Chương trình hành động quốc gia đối với di sản.

Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về di sản bằng các hình thức đa dạng và hiệu quả. Bên cạnh việc thông tin, cổ động, quảng bá trên báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm, cần tận dụng thế mạnh của internet, mạng xã hội trong thời đại của công nghệ số. Ngoài công chúng trong nước, cần lan tỏa rộng rãi giá trị, ý nghĩa của di sản đến với công chúng nước ngoài.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để kịp thời tôn vinh, đãi ngộ, tri ân các nghệ nhân nòng cốt có nhiều tâm huyết, đóng góp cho việc bảo vệ và trao truyền di sản. Tổ chức các lễ hội, hội thi, chương trình giao lưu văn hóa để tạo nhiều cơ hội thực hành nghệ thuật Xòe Thái trong nhân dân.

Tạo các điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần, hỗ trợ cộng đồng về môi trường diễn xướng để thực hành Xòe Thái tiếp tục phát triển. Hiện nay, sinh hoạt xòe chủ yếu tập trung ở các khu đô thị, thị tứ, bản làng văn hóa gắn với phát triển du lịch, phục vụ các nhiệm vụ chính trị. Ở các địa bàn còn nhiều khó khăn, nhất là các xã thuộc diện nghèo, vùng sâu, vùng xa, rất cần sự hỗ trợ và khuyến khích của chính quyền. Nên lồng ghép những hỗ trợ này vào các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Tiếp tục sưu tầm, kiểm kê, tư liệu hóa di sản làm cơ sở cho việc bảo vệ lâu dài và bài bản. Đẩy mạnh nghiên cứu về nguồn gốc, các khía cạnh văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng liên quan đến Xòe Thái. Hiện nay, các nhà nghiên cứu, thầy cúng biết chữ Thái cổ ngày càng ít đi, trong khi lớp trẻ ít chịu học tiếng Thái. Tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học tiếp tục nhận diện giá trị di sản và những vướng mắc trong việc bảo vệ, phát huy.

leftcenterrightdel

Tiết mục văn nghệ tại Lễ trao bằng công nhận Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: THANH HÀ.

Tăng cường hoạt động trao truyền di sản trong cộng đồng. Ưu tiên truyền dạy các điệu xòe cổ từ các nghệ nhân có uy tín cho thế hệ kế cận. Đưa Xòe Thái vào chương trình đào tạo của các trường văn hóa nghệ thuật, vào nội dung giáo dục di sản trong nhà trường, nhất là các trường trên địa bàn các tỉnh có di sản. Bên cạnh đó, cần chuyển giao, truyền dạy cả các tri thức, kỹ năng chế tác và sử dụng nhạc cụ, trang phục, đạo cụ liên quan.

Cuối cùng, cần khai thác, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật của Xòe Thái trong phát triển du lịch, xây dựng thành sản phẩm văn hóa mang đặc sắc Tây Bắc trong du lịch cộng đồng, trong các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, các lễ hội của địa phương, tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho cộng đồng. Hiện nay, một số địa phương đã xây dựng xòe thành sản phẩm du lịch mũi nhọn, làm thương hiệu cho các lễ hội lớn như: Hội Xòe Phong Thổ (Lai Châu), Hội Xòe Mường Lò (Yên Bái). Tuy nhiên, trong quá trình này cũng cần cẩn trọng trước xu hướng hoành tráng hóa, lai tạp hóa di sản, tránh trở thành những “thực hành xấu” trong bảo vệ di sản như khuyến cáo của UNESCO.

Nghệ thuật Xòe Thái không còn chỉ là di sản riêng của tộc người Thái Việt Nam, nó đã trở thành tài sản chung của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại, góp phần làm phong phú thêm sự đa dạng văn hóa của loài người. Do vậy, chúng ta cần chung tay bảo vệ và phát huy nó không chỉ ở cấp độ địa phương, mà còn ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

GS, TS TỪ THỊ LOAN