Nghệ thuật ca trù và quan họ của Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cùng với tin vui đó, không ít người đã băn khoăn: Để bảo tồn và phát huy hai thể loại nghệ thuật độc đáo này, nên truyền ngón-truyền nghề hay bằng phương pháp văn bản hóa, tức ký âm thành bản nhạc rồi đưa vào giảng dạy trong các nhà trường, câu lạc bộ…

Hát quan họ trên thuyền. Ảnh: Đào Vinh

Trước hết phải nói rằng, cho đến nay cả quan họ, ca trù và rất nhiều thể nhạc truyền thống của dân tộc đã được giới nghiên cứu âm nhạc kí âm nốt nhạc theo bài bản dựa vào phương pháp ghi nhạc của phương Tây. Trên phương diện âm nhạc học, thao tác đó là cần thiết. Tuy nhiên, phương pháp này cũng chỉ là giải pháp tình thế, cấp bách về phương diện lí luận, đồng thời góp phần chỉ ra được “khung” các bài bản mà người làm âm nhạc chuyên nghiệp gọi là “lòng bản”. Còn thực tế không thể lột tả được những nét tinh tế và cái “hồn” của chúng. Nói chính xác, chúng ta không thể ghi được một cách tuyệt đối toàn bộ những nốt nhạc mà nghệ nhân dân gian thể hiện xưa nay. Mặt khác, cho tới ngày nay cả ca trù và quan họ vẫn còn bảo tồn, lưu truyền được phong cách và tính chất địa phương, nên ở mỗi bài hát, mỗi làng, mỗi tỉnh có cái “chất”, cái “hồn” riêng. Thêm nữa, nếu sử dụng phương pháp bảo tồn hai loại hình nghệ thuật trên thông qua bản nhạc thì buộc những người học cũng phải trải qua một giai đoạn học nhạc lí mới hi vọng đọc và thực hành được những bài ghi trên giấy nhạc. Trong khi, hiện nay gần như 100% người hát hai thể loại nghệ thuật này là “mù” nhạc lí.

 Phương pháp truyền ngón-truyền nghề còn gọi chung là phương pháp truyền khẩu trực tiếp, người dạy trực tiếp hướng dẫn cho người học, người học “bắt chước” và người dạy sửa chi tiết. Dĩ nhiên là không thể theo kiểu dạy tập thể như giáo viên dạy học sinh hát đồng ca. Phương pháp này không những được sử dụng trong âm nhạc truyền thống của dân tộc ta mà ngay trong việc học thanh nhạc cổ điển và hiện đại ở các nhạc viện cũng vậy. Do đó, đối với nghệ thuật hát truyền thống, đặc biệt là quan họ cổ và ca trù thì phương thức truyền khẩu-truyền ngón là tối quan trọng. Ngoài những yếu tố về bài bản và cao độ trầm bổng của nốt nhạc thì kĩ thuật thanh nhạc của hai thể loại nghệ thuật này cũng rất phức tạp. Các cụ ta vẫn có câu “Trăm hay không bằng tay quen” để đề cao vai trò của thực hành và học truyền tay, nhất là đối với nghệ thuật truyền thống. Mấu chốt của việc bảo tồn hai loại hình di sản này là phải dựa trên phương pháp cơ bản là truyền ngón, truyền nghề - trên cơ sở đó thực hành thường xuyên và liên tục. Đây chính là phương thức bảo tồn thiết thực và có hiệu quả nhất. Và có như thế thì mới mong giữ gìn, phát huy và bảo tồn nó một cách tích cực.

Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng, dù chúng ta không thể áp dụng phương thức nốt nhạc hóa quan họ và ca trù để bảo tồn và truyền dạy, song về lâu dài, để cho hai loại hình nghệ thuật này có thể được lưu giữ và phát huy trong đời sống đương đại một cách hiệu quả, thì một thách thức đặt ra cho cả liền anh - liền chị quan họ và đào nương ca trù là phải biết những kiến thức tối thiểu về âm nhạc. Bởi, có hiểu biết âm nhạc thì mới thấy được quy luật và sự vận động âm nhạc của chúng. Và phải có kiến thức âm nhạc mới có cái “tai” âm nhạc để phân biệt rõ những đặc trưng chính trong nghệ thuật quan họ hay ca trù để tránh được tình trạng lai căng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, hay “gieo vừng ra ngô” trong thời đại kĩ thuật số và toàn cầu hóa.

Ngày nay, trong thời buổi cơ chế thị trường, để thuyết phục những nghệ nhân giỏi truyền ngón nghề của mình cho số đông học trò là việc làm không đơn giản. Bởi nghệ nhân lão luyện về ca trù và quan họ của chúng ta hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, đang trong tình trạng “cần bảo vệ khẩn cấp”. Tìm được cơ chế thỏa đáng để khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề là một vấn đề rất lớn đang được đặt ra. Làm thế nào để tiến tới cả người dạy và người học đều sống được bằng nghề của mình? Làm thế nào để nghệ nhân lấy việc truyền dạy là nguồn thu nhập chính cho họ? Chính vì thế, chúng ta cần phải sớm đưa ra chính sách chung đối với việc bảo tồn và phát huy hai di sản này. Trong đó, cần sớm thống nhất phương pháp truyền dạy và dành sự quan tâm thỏa đáng đối với những người đang nắm giữ nó - là các nghệ nhân, “kho di sản sống” của chúng ta hiện nay.

NGUYỄN ĐÌNH LÂM (Học viện Âm nhạc Quốc gia)