Cách đây 14 năm, vào đầu tháng 5-2009, tôi được tham dự cuộc Hội thảo toàn quốc kỷ niệm 50 năm Đường Trường Sơn huyền thoại, tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Tại đây tôi được chứng kiến một cuộc hội ngộ vỡ òa cảm xúc giữa Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với các đồng đội Trường Sơn, nhất là các cựu nữ quân nhân và thanh niên xung phong từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở Trường Sơn. “Thủ trưởng ơi, em là... ở binh trạm...”. “Thủ trưởng ơi, em là... ở cung đoạn...”. Nhiều người hầu như quên mình đầu đã hai thứ tóc, đã là những bà nội, bà ngoại... mà cứ tíu tít bên vị tướng già, gọi bố xưng con, thân thương như thuở đôi mươi ở Trường Sơn...

Một nhà thơ cựu chiến binh (CCB) thời chống Mỹ, cứu nước nháy mắt với tôi: “Toàn là những bông hồng Trường Sơn cả đấy!”. Chuyện, chẳng cần anh phải giới thiệu, nhìn những nét thanh xuân còn sót lại trong ánh mắt, nụ cười và dáng điệu của các chị, tôi cũng hình dung ra ngày ấy, các chị xinh đẹp đến mức nào rồi. “Những năm bom đạn thét gào/ Áo xanh túi chéo, xanh vào Trường Sơn”... (thơ Mai Nam Thắng). Sau này quân phục bộ đội ta có ít nhiều cải tiến, nhưng “áo xanh túi chéo” vẫn là hình ảnh biểu trưng của những cô bộ đội và thanh niên xung phong một thời và mãi mãi trong tâm trí các thế hệ đồng chí, đồng bào. Và “áo xanh túi chéo” cũng trở thành một biểu tượng mỹ học của biết bao tác phẩm văn học-nghệ thuật bất hủ.

Tôi nhớ nhà văn CCB Chu Lai có lần đã nói, đại ý: Cuộc chiến tranh vệ quốc của chúng ta sẽ nghèo đi nhiều lắm nếu không có những cô gái thấp thoáng lẫn khuất trong rừng già. Bóng dáng mềm mại của các cô làm mềm đi cả chết chóc, nó làm tươi xanh lại những cánh rừng bom đạn. Một nhà văn Đông Âu được giải Nobel có cuốn sách nổi tiếng “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”, nhưng chiến tranh ở Việt Nam luôn có quá nhiều gương mặt phụ nữ. Và người phụ nữ nói chung, người phụ nữ Việt Nam nói riêng luôn là điểm tựa tinh thần, chỗ dựa tâm linh để dân tộc bươn chải, vượt qua những giai đoạn lịch sử cam go, khốc liệt nhất...

Tôi muốn nói thêm với người đồng nghiệp đàn anh, rằng chẳng riêng trong chiến tranh khốc liệt, mà ngày nay đây đó nhiều khi hình ảnh những cô gái trong bộ quân phục nghiêm ngắn và nền nã cũng khiến cuộc sống đỡ bức xúc hơn, đáng yêu hơn, tin cậy hơn... và những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ càng được tôn vinh, tỏa sáng. Đó là những nữ nghệ sĩ và vận động viên tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam được công chúng trong nước và cả ở nước ngoài ngưỡng mộ. Đó là những cô gái mũ nồi xanh gắn ngôi sao vàng “đi dân nhớ, ở dân thương” tại nhiều điểm nóng trên thế giới. Và hẳn chúng ta chưa quên hình ảnh các nữ quân nhân bên các “Quầy hàng không đồng” dã chiến, cùng những nữ chiến sĩ quân y tuổi đời còn rất trẻ, bất chấp hiểm nguy trong đại dịch Covid-19 vừa qua...

leftcenterrightdel

Một góc Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh trưng bày hình ảnh cô gái Trường Sơn bên hầm chữ A và dụng cụ làm đường của Bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: MINH THÀNH 

Xin trở lại với câu chuyện các cô gái Trường Sơn vừa kể trên đây. “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” chỉ là một cách nói của nhà văn được giải Nobel, thực ra đó là sự khẳng định những hy sinh thiệt thòi của những người phụ nữ trong chiến tranh, bất kể ở đâu và thời nào. Nhưng ở đất nước Việt Nam vốn có truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, thì phụ nữ không chỉ hy sinh mọi thứ mà còn trực tiếp ra trận, cầm súng đánh giặc cứu nước. Và trong đội ngũ những người lính đặc biệt ấy, nhiều người đã viết sách, làm thơ “ghi lấy cuộc đời mình” (thơ Hữu Thỉnh); trở thành những tác giả tên tuổi của nền văn học-nghệ thuật nước nhà. Tính riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã xuất hiện một thế hệ những cây bút nữ sống và viết trên chiến trường, như các nhà văn và nhà thơ: Dương Thị Xuân Quý, Trần Thị Thắng, Lê Minh Khuê, Lê Thị Mây, Vũ Thị Hồng, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Thị Hồng Ngát... Họ đều là lứa thanh nữ sàn sàn tuổi nhau, sinh khoảng những năm 1949-1950, trừ Dương Thị Xuân Quý sinh năm 1941. Tức là, khi họ vào tuổi thanh niên thì cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, tuổi trẻ cả nước hăng hái lên đường với tâm niệm “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”.

Trong số các cây bút nữ trưởng thành từ Trường Sơn khói lửa, Nguyễn Thị Hồng Ngát và Lê Thị Mây là hai trường hợp khá đặc biệt: Họ vào chiến trường khi mới tốt nghiệp phổ thông, không phải để làm báo, viết văn, mà là để vá đường, sửa cầu, san lấp hố bom... Và họ làm thơ giữa bom đạn. Nguyễn Thị Hồng Ngát đã đoạt giải khuyến khích cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ (1973-1974), một cuộc thi văn chương khá danh giá và uy tín. Trong giai đoạn đầu sáng tác, thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát hòa trong âm hưởng chung của thơ ca chống Mỹ, cứu nước. Đó là bản hợp xướng hào sảng, hồn nhiên, lạc quan, lãng mạn cách mạng; là khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Có chăng nét riêng thì đấy là một giọng thơ vừa nữ tính vừa quyết liệt, một nữ nhà thơ chiến sĩ làm thơ tại chiến trường. Và hai bài thơ được giải Báo Văn nghệ (1973-1974) của chị cũng đều là thơ viết trực tiếp ở chiến trường: “Tiếng hát em bay đến từng góc rừng anh ở/ Ríu rít quanh anh như bầy chim nhỏ/ Tay cầm choòng em hát giữa đường vui/ Đứng trên thành xe cũng hát trọn dăm bài/ Khúc hát quê hương bay theo vòng bánh/ Qua binh trạm mưa bất thường tạm lánh/ Cũng thành đêm biểu diễn con con”...(Theo anh vào Trường Sơn).

Chắc chắn, phải là lính Trường Sơn mới có cái kỹ năng đặc biệt thế này: “Bước đi ở giữa Trường Sơn/ Theo dấu gậy, đoán người quen cùng làng”... (Gửi người bạn cùng quê). Và người đọc hôm nay phải đặt mình vào những năm tháng ấy, thì mới tin rằng những câu thơ sau đây của Nguyễn Thị Hồng Ngát là vô cùng chân thực: “Trời xanh có bóng đen/ Tay biết đuổi cho trăng vàng lại sáng/ Tay đẹp nhất khi tay cầm khẩu súng/ Giữ cho tay cái hạnh phúc ban đầu... (Tay em).

Lê Thị Mây có một hoàn cảnh tương tự nhiều cựu quân nhân và thanh niên xung phong Trường Sơn. Tuổi thanh xuân của các chị gửi lại trên những cung đường hỏa tuyến, để khi trở về thì nhiều người như vầng trăng sau rằm cứ ngày nối ngày héo mòn hao khuyết vì sự nhỡ nhàng. Đó là căn nguyên vầng trăng luôn ám ảnh, day trở trong thơ chị. Trong hàng trăm thi ảnh về trăng của Lê Thị Mây, có một vầng trăng đã làm nên “thương hiệu” của chị, đó là vầng trăng: "Em tái nhợt niềm vui/ Như trăng mọc ban ngày" (Vầng trăng ban ngày). Đây là một vầng trăng kinh điển, diễn tả tâm trạng của một người con gái khi bất ngờ được đón người yêu từ chiến trường trở về. Trăng thời chiến trong thơ Lê Thị Mây cũng là ánh trăng của cả một thế hệ, của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến muôn vàn hy sinh gian khổ vì độc lập-tự do của Tổ quốc. Còn đây là vầng trăng trên “Ba lô chiến sĩ” của Lê Thị Mây: "Gió đèo hun hút lưng ta cõng/ Nặng trĩu hai vai một vầng trăng/ Nặng trĩu hai vai hồn Tổ quốc/ Liềm trăng nghiêng đỡ bước lặng im"...

Ấy là với người chiến sĩ nói chung. Còn với riêng những nữ nhà văn, nhà thơ “Áo xanh túi chéo, xanh vào Trường Sơn”, chắc chắn trên ba lô của họ còn nặng hơn thế rất nhiều...

TUYÊN HÓA