QĐND - Tiếp tục chuyến hành trình viết về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), chúng tôi tìm đến gia đình ba mẹ Bùi Thị Hải, Bùi Thị Tư, Bùi Thị Nhỏ - trường hợp vô cùng đặc biệt khi ba chị em ruột cùng được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ VNAH. Từ Mũi Né, men theo tỉnh lộ, mưa như trút, từng vườn thanh long xanh mát hai bên đường dần hiện lên trước mắt. Thi thoảng, những đốm đỏ lấp ló xen trong kẽ lá, thanh long bắt đầu vào mùa đậu quả. Nhà văn hóa thôn Ninh Thuận, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc lờ mờ trong màn nước trắng xóa. Nụ cười tươi rói, ông Ba Hoàng, Trưởng thôn, bước ra đón chúng tôi bằng những cái bắt tay thật chặt. Ông vào đề ngay: “Nhà ba mẹ vẫn ở đây cả nhưng chỉ còn con cháu của mẹ Tư và mẹ Nhỏ. Lúc sinh thời, mẹ Hải đi lấy chồng bên Hàm Liêm nên giờ không tìm được người biết chuyện về mẹ. Các em hỏi chuyện mẹ Hải qua con cháu mẹ Tư và mẹ Nhỏ thôi nghen!”.

Từ Nhà văn hóa thôn Ninh Thuận, ông Ba Hoàng mặc vội chiếc áo mưa đã ngả màu, dẫn chúng tôi sang nhà mẹ Bùi Thị Tư. Cơn mưa càng lúc càng xối xả, con đường đất vào nhà mẹ Tư đã lõng bõng nước. Bác Trần Văn Nhẫn, con trai cả của ông Trần Quốc Thắng, là cháu nội duy nhất của mẹ Tư, tiếp khách ngay hiên nhà. Khách gợi chuyện cũ, ông chìm trong hồi ức.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Tư.

Mẹ Tư sinh năm 1916, quê gốc ngay tại thôn Ninh Thuận, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Mẹ có 4 người con, 1 người mất khi còn nhỏ, 3 người còn lại đều hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ: Trần Văn Thọ, Trần Quốc Thắng và Trần Ngọc Tuấn. Ông Trần Văn Thọ sinh năm 1937, nhập ngũ 1965, là Thôn đội trưởng Ninh Thuận, xã Hàm Chính. Tháng 11-1970, ông bị giặc Mỹ bắt, đày đi nhà giam Côn Đảo rồi từ đó bặt hẳn tin tức. Gia đình bà Tư lấy năm 1970 làm năm ông Thọ hy sinh.

Năm 1961, ông Trần Quốc Thắng, sinh năm 1939, nhập ngũ. Ông là chính trị viên đơn vị trại tù hàng binh, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Thắng đã hy sinh tại địa bàn Hàm Trí vào năm 1969 khi đang làm nhiệm vụ.

Người con thứ tư của mẹ Tư tên là Trần Ngọc Tuấn, sinh năm 1948, nhập ngũ năm 1964. Ông Tuấn là Phân đội phó Đội Quân báo 415, Tỉnh đội Bình Thuận. Ông hy sinh ngày 16-1-1971 và được truy tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba. Theo trí nhớ của bác Nhẫn, ông Tuấn bị địch bắn và kéo xác từ trên thôn Bình An, xã Hàm Chính về tận làng để thị uy. Mẹ Tư và gia đình nghe chuyện chỉ biết khóc trong lặng thầm, không thể ra nhìn con lần cuối vì sợ địch phát giác. Năm bố mất, ông Nhẫn mới chỉ lên 8 tuổi, ấy vậy mà mọi chuyện về các bác, các chú trong gia đình ông đều biết rõ rành rọt. Hỏi nguyên do, ông Nhẫn thốt lên: “Trời, cha đi bộ đội, tôi ở với nội suốt mà. Nội như mẹ vậy. Nội kể cho tôi nhiều chuyện lắm!”.

Sống trong cảnh người dân mất nước, mẹ Tư quyết cống hiến hết mình cho cách mạng. Không chỉ là cơ sở cách mạng làm nhiệm vụ liên lạc, cung cấp tình hình địch, tiếp tế lương thực nuôi quân, mẹ từng bị địch bắt giam 6 tháng. Ông Nhẫn tiếp tục dòng hồi tưởng của mình: “3 năm liên tiếp trong gia đình đều có người hy sinh, nội cứ lặng đi, ba nỗi đau hòa làm một khiến nội chai sạn!”. Bằng chất giọng Bình Thuận trầm đặc, ông kể: Mẹ Tư còn được dân làng gọi là “bà mẹ tay không đuổi giặc”. Tên gọi đặc biệt ấy xuất phát từ chuyện một lần giặc đánh vào tận đầu thôn Ninh Thuận, bộ đội ta lực lượng quá mỏng, khó lòng giữ vững. Trước tình cảnh “nghìn cân treo sợi tóc”, mẹ Tư một thân một mình đi bộ ra đầu thôn. Gặp địch, mẹ giả vờ như người vô tình đi ngang qua. Địch hỏi mẹ, có thấy Việt cộng ở trong làng không. Mẹ Tư bảo, bộ đội trong làng đông lắm, đang nấp hết ở đó chờ các cậu vào, có từng này người không lại nổi đâu. Địch sợ hãi quay đầu bỏ về căn cứ!

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Nhỏ. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp

Mẹ Tư mất năm 1991, hưởng thọ 75 tuổi, được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ VNAH ngày 17-12-1994.

Bác Nhẫn được bà nội chăm sóc từ nhỏ. Lên 10 tuổi, bác đã đi làm du kích. Bác luôn xông xáo đi rải truyền đơn, làm giao liên, cảnh giới cho bộ đội lấy lương thực. Chuyện mà bác Nhẫn nhớ nhất là 2 lần được tham gia đánh địch bằng lựu đạn gần Quốc lộ 28. Lựu đạn giắt sau lưng, bác cùng mấy đứa trẻ trong thôn tiến đến gần sát đồn địch. Gặp địch đang túm tụm, mấy đứa giật chốt, quăng thẳng vào. Địch ngã lăn lóc, lính trong đồn túa ra truy tìm. Gặp mấy đứa trẻ, chúng bỏ qua vì không thể tưởng tượng du kích lại “trẻ con” như thế. Lớn lên, bác Nhẫn cũng tham gia kháng chiến như cha chú mình và được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì năm 1980, khi mới 20 tuổi. “Hồi đó cũng chẳng biết sợ là gì. Thấy mất mát quá là cứ vùng lên thôi!” - bác Nhẫn cười, tiếng cười giòn tan hòa vào tiếng mưa ràn rạt bên hiên nhà. Cốc trà mời khách đã nguội lạnh từ bao giờ mà câu chuyện tưởng chừng như dài vô tận.

Cách nhà mẹ Tư chỉ chừng khoảng 100m là nhà mẹ Bùi Thị Nhỏ - em gái của mẹ Tư và cũng là người con thứ năm trong gia đình giàu truyền thống yêu nước này. Tiếp chúng tôi là một người đàn ông có dáng người nhỏ nhắn, thoáng chút chậm chạp. Ông là Hồ Văn Tư, con rể của mẹ Nhỏ. Sau những lời chào hỏi và xin phép ông Tư, chúng tôi bước vào gian đầu của ngôi nhà - nơi dành riêng cho việc thờ cúng của cả gia đình. Một gian nhà hẹp, đượm hương trầm. Ba dãy ban thờ dàn hàng ngay ngắn hết chiều dài của gian phòng. Giấy khen, huân chương, huy chương, bằng Tổ quốc ghi công treo kín cả 4 bức tường. Chúng tôi như lặng đi, những nén nhang thắp lên, đâu chỉ dành cho một người…

Mẹ Nhỏ sinh năm 1922, mất năm 2000. Mẹ và chồng là ông Đinh Văn Sum (Sơ) sinh cả thảy 6 người con, trong đó có 4 người con trai. Cả 4 người đều tham gia kháng chiến chống Mỹ và hy sinh. Hai người con đầu, Đinh Văn Thu (sinh năm 1947) và Đinh Văn Bốn (sinh năm 1949) đều hy sinh vào tháng 2-1968 trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Hai người con trai cuối cùng của mẹ Nhỏ là Đinh Văn Sáu (sinh năm 1951), là du kích thôn Bình Lâm và Đinh Văn Bảy (sinh năm 1957) là du kích thôn Bình An. Trong đợt chống địch đánh chiếm vùng giải phóng, hai ông hy sinh cùng năm 1972. Chồng mẹ Nhỏ, ông Đinh Văn Sơ cũng tham gia kháng chiến chống Mỹ, được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì và Huân chương Kháng chiến hạng ba.

Ông Tư ngồi tựa vào cánh cửa bên hiên nhà, lẩm nhẩm tính những năm mất của người thân. Ông nói từ tốn: “Tính ra bây giờ, mẹ còn mỗi một cô con gái út là còn sống thôi, vợ tôi vừa mất được năm nay rồi!”. Dù là con rể nhưng giờ đây, việc thờ cúng trong toàn bộ gia đình mẹ Nhỏ đều do ông Tư đảm nhiệm từ nhiều năm nay. Ngay bản thân người cha thân sinh ra ông Tư, ông Hồ Như Ba, cũng là một liệt sĩ thời kháng chiến chống Mỹ.

Ngồi nói chuyện với ông Tư một hồi thì anh Hồ Văn Thành, cháu ngoại mẹ Nhỏ, đi công chuyện về.Gãi đầu ngại ngùng, anh Thành kể: “Ngoại minh mẫn lắm! Gần lúc ra đi ngoại vẫn tinh tường mọi chuyện, vẫn hay kể cho chúng tôi nghe về sự hy sinh của các cậu!”.

Hai lần, mỗi lần hai người con cùng hy sinh, mẹ Nhỏ nén chặt bao đau đớn. Thế nhưng, mẹ vẫn kiên tâm theo cách mạng. Không chỉ tiếp tế lương thực, thuốc men để nuôi bộ đội, mẹ Nhỏ còn làm du kích, chịu trách nhiệm cảnh giới địch. Gia đình mẹ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì và mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ VNAH vào năm 1994.

Theo sự hướng dẫn của anh Thành, chúng tôi tìm đến cô Đinh Thị Hiền, người con gái duy nhất còn lại của mẹ Nhỏ. Hiện cô là bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận. Mưa vẫn tầm tã, chặng đường từ xã Hàm Chính đến nhà riêng của cô tại thành phố Phan Thiết như trở nên xa thêm. Nhà bà Hiền nằm trên một khu đất rộng, sát trung tâm thành phố, “dấu hiệu” chị nói với chúng tôi qua điện thoại là “ngôi nhà thật nhiều cây”!

Câu chuyện cũ lại khiến cô Hiền ngậm ngùi. Vì gia đình có nhiều người tham gia kháng chiến nên địch thường xuyên theo dõi, rình rập, bắt bớ mẹ Nhỏ. Năm 1974, mẹ từng bị địch bắt giam 7 tháng ở Trại giam Lao Xá. Chúng tra tấn dã man nhằm bắt mẹ khai nơi che giấu, trú ẩn của các con. Thế nhưng mẹ vẫn kiên cường vượt qua. Hồi mẹ bị bắt đi tù, cô Hiền cùng chị gái ở nhà vẫn tiếp tục giúp mẹ nuôi giấu bộ đội và làm nhiệm vụ cảnh giới, liên lạc. Với thể trạng vốn không khỏe mạnh, sau nhiều lần bị địch bắt, sức khỏe mẹ Nhỏ suy yếu hẳn. Tuy vậy, mẹ vẫn làm ruộng để duy trì nguồn lương thực tiếp tế cho bộ đội và nuôi giấu cán bộ tại nhà. “Chiến tranh đã qua nhưng nỗi đau của nó để lại vẫn rất nặng nề. Mẹ khóc nhiều lắm, nhất là năm 1973. Đợt ấy mẹ ốm nặng, gần như kiệt sức!”. Gợi lại ký ức mất mát của gia đình, mắt cô Hiền đỏ hoe.

Không gặp được người thân của mẹ Hải, chúng tôi đành “nhờ” vào cuốn sách “Những Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bình Thuận”. Dẫu chỉ sơ lược một trang giấy nhỏ nhưng cũng đủ để người đọc thấy được những mất mát hy sinh lớn lao của mẹ.

Mẹ Hải là chị cả trong gia đình có 10 người con. Mẹ sinh năm 1908 tại Hàm Chính. Sau khi lấy chồng, mẹ về sống ở xã Hàm Liêm. Chồng của mẹ Hải là ông Trương Thanh Mậu, sinh năm 1908, đi theo cách mạng năm 1945. Ông bị giặc Pháp bắt và xử bắn ngày 4-9-1948, lúc người con út của mẹ chưa đầy 1 tuổi. Thương chồng, thù giặc, mẹ Hải càng ráng nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Mẹ có tổng cộng 7 người con thì cả 7 đều tham gia cách mạng, trong đó 4 người là liệt sĩ.

Ba năm, từ năm 1965 đến 1967, 3 người con trai của mẹ Hải liên tiếp hy sinh. Ông Trương Sanh Tám, sinh tháng 12-1948, nhập ngũ tháng 10-1965, cấp bậc: Trung úy, thuộc Huyện đội Hàm Thuận, hy sinh ngày 1-10-1969 tại thôn Thuận Hòa, xã Hàm Liêm. Ông Trương Sanh Hảo, sinh năm 1939, nhập ngũ tháng 5-1962, cấp bậc: Chuẩn úy, thuộc đơn vị Hoành Sơn, hy sinh tháng 6-1966 tại Hàm Chính. Ông Trương Sanh Chì, sinh năm 1942, nhập ngũ năm 1965, cấp bậc: Hạ sĩ, thuộc Đơn vị 186 LLVT tỉnh Bình Thuận. Ông Chì tham gia trận phục kích đánh đoàn xe của địch ngày 14-11-1967 và hy sinh tại Đường 20. Người con cả của mẹ Hải là Trương Sanh Huề, sinh năm 1934, tham gia kháng chiến ngày 25-9-1960. Ông là huyện ủy viên Huyện ủy Hàm Thuận. Trong chuyến đi công tác ngày 25-6-1970, ông Hải bị máy bay địch bắn và hy sinh tại địa bàn xã Hàm Thắng ngày nay.

Ghi nhận công lao to lớn đối với Tổ quốc, gia đình mẹ Bùi Thị Hải được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất và bản thân mẹ Hải được truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ VNAH ngày 17-12-1994.

Năm năm liên tiếp, mẹ Hải đã dâng hiến cho Tổ quốc 4 người con trai. Dù không có may mắn được nghe người thân mẹ Hải kể về những hy sinh lặng thầm của mẹ nhưng chúng tôi tin, không có nỗi đau mất con nào có thể nguôi ngoai.

Có lẽ, đất nước nào càng nhiều anh hùng, đất nước ấy càng phải gánh chịu lắm đau thương! Những dòng nước mắt cạn khô, những người con ngã xuống, những bà mẹ vĩ đại… đã viết nên khúc tráng ca oai hùng về thế hệ của những con người anh hùng.

TỐNG HOÀNG HÀ MY