“Biên giới mùa thu ấy” là vở chèo sử thi đầu tiên của TS Trần Đình Ngôn viết về Chiến dịch Biên giới năm 1950. Trong vở chèo “Biên giới mùa thu ấy”, Bác Hồ là hình tượng nhân vật trung tâm, xuyên suốt từ đầu đến cuối. Bác xuất hiện ở nhiều lớp diễn, cảnh diễn đã tạo cảm xúc và ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả. Có những lớp lắng đọng, xúc động như: Mọi người chia nhau quà của Bác, những chiếc kẹo, điếu thuốc lá được bộ đội, chiến sĩ nâng niu và trân trọng; tình cảm yêu thương, trìu mến của Bác đối với tất cả mọi người từ già, trẻ, lớn, bé đến các thương binh, bệnh binh ở đơn vị hậu cần. Đặc biệt, sự tinh tế của Bác trong quan sát, cảm nhận và thấu hiểu. Chi tiết Bác biết được tình cảm giữa đôi bạn trẻ Cần và Mận từ lâu đã “thầm thương trộm nhớ”, Bác đã vun vén cho họ được nên duyên vợ chồng và “sính lễ xin dâu” chính là những chiến công của Cần. Tuy nhiên, cao trào của sự xúc động lại nằm ở sự kiện Bác mệt nhiều ngày, cô Mận (cấp dưỡng) nấu món canh cá để Bác ăn cho ngon miệng. Thế nhưng khi Bác biết đó là món cá anh vũ-một loài cá quý hiếm mà các chiến sĩ phải mất rất nhiều công sức, về mãi tận ngã ba Bạch Hạc để bắt mang lên thì Bác nhất quyết không ăn. Lúc này, sân khấu như chìm xuống trong im lặng, xúc động. Cũng chính những lớp diễn, cảnh diễn như thế đã làm bộc lộ hình tượng Bác Hồ-chân dung vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam vừa dung dị, mộc mạc, vừa chan chứa yêu thương đối với mỗi thân phận con người, mỗi nhành cây, ngọn cỏ...

leftcenterrightdel
Cảnh trong vở chèo “Biên giới mùa thu ấy”.

Những lời răn dạy nhẹ nhàng, cách ứng xử tinh tế, tâm lý, tình cảm và sự sẻ chia gánh vác những khó khăn, mất mát của Bác Hồ đối với bộ đội, thương binh, bệnh binh, chiến sĩ và đồng bào cả nước trong suốt hành trình kháng chiến của quân và dân ta đã thể hiện sự khéo léo của tác giả trong việc cài cắm, lồng ghép các tình tiết, sự kiện nhằm bộc lộ chân dung-hình tượng Bác Hồ trong vở diễn một cách sâu sắc, rõ nét. Bên cạnh đó, tác giả cũng không quên việc đan xen những bài thơ của Bác, những câu chuyện, tích trò và một số tiết mục văn nghệ, dân ca, dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, nghệ thuật chèo xứ Đông (Hải Dương) đã được các chiến sĩ-nghệ sĩ hậu cần quân đội-những người con của quê hương Hải Dương biểu diễn phục vụ kháng chiến, góp phần đề cao vai trò của văn hóa văn nghệ, đúng như câu nói nổi tiếng của Người trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa: “...Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (đăng trên Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5-1-1952). Trong bối cảnh toàn dân đang thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược, nhu cầu văn hóa văn nghệ cũng quan trọng như cơm ăn, nước uống hằng ngày, bởi những tiếng hát chèo, những nét văn hóa truyền thống của dân tộc từ lâu đã ngấm vào máu thịt mỗi chiến sĩ, mỗi người dân Việt Nam. Đồng thời, các tình tiết, sự kiện này đã tạo “đất diễn” cho các diễn viên thể hiện tài năng hát, múa, diễn, ngâm thơ... một cách đa tài, đa nghệ. Bên cạnh đó, vở diễn cũng tạo được một số lớp trò hài hước, dí dỏm đan xen vào những lớp trữ tình đằm thắm, thiết tha.

Vở chèo sử thi “Biên giới mùa thu ấy” thể hiện sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của các nghệ sĩ, sự chuẩn bị chu đáo, công phu của Nhà hát Chèo Hải Dương trong công tác chuyên môn. Đặc biệt, vai diễn Bác Hồ không chỉ giống về hình thức (khuôn mặt, giọng nói, cách đi đứng, cử chỉ, điệu bộ...) mà còn giống về phong cách, thần thái... đã tạo nên một hình tượng nghệ thuật Chủ tịch Hồ Chí Minh ấn tượng trong lòng khán giả. Thành công của vở diễn còn là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thành phần sáng tạo nghệ thuật. Vở diễn đã được ghi hình và phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2020), biểu diễn rộng rãi phục vụ nhân dân tỉnh Hải Dương và khán giả toàn quốc để chào mừng đại hội đảng các cấp.

Bài và ảnh: TRẦN PHƯƠNG HẠNH