QĐND - Một thứ được coi là tặng vật của trời đất, thứ kia mang ý nghĩa của sự sum họp, khi kết hợp lại, trở thành một điều kỳ diệu, thành nỗi nhớ với bất cứ ai từng một lần đặt chân tới mảnh đất miền Tây Nam Bộ.

Nước nổi, điên điển lên. Điên điển vàng thơm mùi của cỏ, của phù sa, nên vô cùng hợp vị với nhiều món ăn dân dã. Cá linh kho mía mà vắng cái màu vàng của bông điên điển, như chợt thiếu cái hương của đồng quê. Rồi điên điển để muối dưa, điên điển rang tép… Nhưng có lẽ, món “nổi tiếng” nhất là bánh xèo bông điên điển.

Ở hiện tại, bánh xèo không còn là thứ ẩm thực của riêng miền Tây Nam Bộ. Mỗi vùng, miền đều có những kiểu bánh xèo khác nhau. Tùy theo sở thích của người làm, nhân bánh có thể là thịt ba chỉ, thịt bò, thịt gà, thịt vịt, giá, đu đủ… ăn kèm với nhiều loại rau như diếp cá, rau thơm, bông điên điển, cải canh… Đặc biệt, nước chấm là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng tạo vị ngon cho bánh xèo. Nước chấm bánh xèo phải có củ cải trắng, củ cải đỏ thái sợi mỏng tang. Trong ẩm thực Tây Nam Bộ, bánh xèo là món ăn dân dã, được bày bán từ những quán ăn bình dân cho tới những nhà hàng sang trọng.

Bánh xèo bông điên điển.
Bánh xèo bông điển điển mang vị chua chua, bùi bùi. Đó là vị của bông điên điển khi hòa quyện cùng vị ngọt của tôm sông, hương thơm của rau sống, giá, cùng nước mắm chua ngọt mang lại một hương vị khác lạ đến khó quên… Để món bánh xèo bông điên điển được giòn ngon, người miền Tây chỉ dùng một loại bột-bột gạo. Bột gạo loãng, khuấy với nước cốt dừa, bột cà ri và hành lá đã cắt nhỏ cho đến khi tan đều. Sau khoản bột là khâu làm nhân. Thịt heo được thái nhỏ, ướp 30 phút rồi cho vào chảo xào. Khi thịt gần chín thì cho bông điên điển vào xào chung, đảo nhanh tay và tắt lửa. Tỏi và ớt băm nhuyễn, củ cải đỏ thái thành sợi, cho nước mắm, nước dùng, đường và nước tắc hoặc nước chanh vào vừa đủ sao cho vừa ăn. Để bánh xèo ngon, tôm sông phải tươi, bông điên điển phải chắc, vàng đậm, còn búp, chưa nở, sẽ có vị chua chua ngọt ngọt đậm đà hơn.

Chuẩn bị xong nguyên liệu, bắt đầu tới khâu quan trọng nhất là đổ bánh. Người miền Tây thường dùng bếp củi. Đặt chảo đến nóng già thì cho miếng mỡ thăn heo vào. Dùng cọng lá chuối để di chuyển cho mỡ tan chảy đều khắp mặt chảo. Nét độc đáo nhất ở miền Tây là việc dùng cọng lá chuối thay cho đôi đũa. Khi mỡ tan chảy vừa đủ, khoảng 1 chén bột được đổ vào, dàn mỏng, tròn đều trên mặt chảo. Ngay tiếp đó, cho đậu xanh vào để đậu bám vào bột, đậy nắp lại và xoay chảo nghiêng dần theo ba hướng để phần rìa bánh xèo được chín đều và giòn. Khi bánh xèo gần chín, cho thịt xào với bông điên điển, tôm, củ sắn thái sợi đã xào và giá đỗ vào. Tiếp tục đậy nắp đến vừa lúc chín thì dùng xẻng gấp đôi bánh lại và lấy ra trưng bày lên đĩa. Trong các công đoạn làm bánh xèo ở miền Tây, khâu đổ bánh yêu cầu kỹ thuật cao nhất. Chén bột phải được dàn thật đều thì vỏ bánh mới có thể giòn, đẹp.

Bánh xèo bông điên điển phải ăn nóng. Tốt nhất là vừa đổ vừa thưởng thức. Hương vị đậm đà của nước cốt dừa, của bột nghệ, hành lá, vị bùi bùi của bông điên điển, vành bánh thật giòn và sắc màu hấp dẫn khiến thực khách khó có thể kìm lòng.

Bánh xèo bông điển điển không chỉ ngon bởi mùi vị. Đó còn là biểu trưng của sự sum họp. Bởi, người miền Tây không đổ bánh xèo ăn một mình. Mỗi dịp gia đình đông đủ, chảo bánh xèo lại được bày ra. Người đổ bánh thường là “nữ chủ nhân” của gia đình, ngồi ngắm các thành viên thưởng thức mà lòng tràn đầy hạnh phúc.

Bài và ảnh: VÕ HÀ