Không chờ đến dịp Giỗ Tổ, ngay sau Tết Nguyên đán, dân làng tôi đã nô nức đi lễ Đền Hùng. Họ xem đó là sự không thể thiếu, là bổn phận của mỗi người, mỗi gia đình với tổ tông, nguồn cội. Họ thường chọn cách đi theo từng gia đình, tập thể, hội nhóm. Nhiều làng ở huyện Tam Nông (Phú Thọ), nơi tôi đang sống, còn tổ chức "ăn giỗ vua" giống như mở hội. Gác hết việc nhà nông lại vài ngày, có khi cả tuần để gói bánh chưng, mổ lợn, làm cỗ, mời anh em, họ hàng, bầu bạn đến để gặp gỡ hàn huyên. Ngoài phần tiệc ra còn có phần hội. Đó là các cuộc thi bơi trải, kéo co, bóng chuyền, trình diễn văn nghệ, thượng tôn tinh thần thể thao, văn hóa-văn nghệ, giống như một lễ hội Đền Hùng thu nhỏ. Xã nào cũng tưng bừng như thế hết cả tháng Giêng, Hai.

Và dân gian còn nôm na truyền tụng nhau về cái sự đông vui, náo nhiệt ấy bằng một cách ví von vô cùng dân dã, sinh động: "Trâu bò được ngày phá đỗ, con cháu được bữa giỗ Ông". Giỗ Ông ở đây chính là Giỗ Tổ Hùng Vương theo truyền thống uống nước nhớ nguồn. Biến giỗ thành hội là điều rất đỗi bình thường trong đời sống văn hóa người Việt.

Không chỉ riêng dịp Giỗ Tổ, người quê tôi đi thăm viếng Đền Hùng vào bất cứ dịp nào trong năm, miễn là có thời gian. Có bạn bè ở xa đến chơi cũng muốn rủ đi thăm viếng Đền Hùng, như một cách thể hiện niềm tự hào của người Đất Tổ. Con cháu làm ăn định cư nơi xa, mỗi khi trở về Đất Tổ cũng được gia đình giục giã lên Đền Hùng thắp hương để bày tỏ lòng hiếu kính và cũng là để báo công. Mùa xuân thì lên đền xin lộc đầu năm. Mùa hè nóng nực thì lên đền cho mát. Dưới thành phố dù nóng thế nào thì lên tới đền, trời đất cũng mát rượi, do địa thế đền vốn ở cao, tận đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, cây cối lại râm mát. Mùa đông dù rét mướt thế nào, họ bảo cứ leo vài trăm bậc đá là ấm người. Đúng là đã yêu thì yêu cả đường đi lối về.

leftcenterrightdel

Hội làng ngày Giỗ Tổ. Ảnh: MẠNH CƯỜNG 

Và trong tiết đầu tháng Ba âm lịch, trước giỗ và sau giỗ, mọi cơn mưa đều là mưa rửa đền. Trong cõi thần thức huyền bí và kỳ ảo, người dân tin vào điều gì thì hiện thực sẽ hiện ra như thế ấy. Mưa rửa đền có thể là mưa "mộc dục", tắm sạch tượng gỗ để con cháu tiến hành làm lễ Tổ. Mưa rửa đền cũng có thể là mưa tẩy trần sau những ngày dài diễn ra lễ hội, bụi bặm sân si khắp cõi nhân gian theo bước chân người hành hương tới đây. Mưa rửa đền cũng có thể là cơn mưa quét sạch vết máu của hai con voi trung thành nhưng không quỳ xuống để chứng minh lòng trung như 99 con voi còn lại. Mưa rửa đền cũng có thể là cơn mưa gội sạch những nghi kỵ của Vua Hùng Vương thứ 18 đối với bề tôi. Tóm lại, có rất nhiều giả thiết về mưa rửa đền mà ai cũng gắng tìm ra lời giải.

Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", thời đại Hùng Vương tồn tại khoảng 2.622 năm, tính từ thời Kinh Dương Vương (năm 2879 trước công nguyên) cho đến hết thời Hùng Vương (năm 258 trước công nguyên). Nhà nước Văn Lang tồn tại đến năm 258 trước công nguyên thì bị Thục Phán (tức An Dương Vương) thôn tính. Nhiều người bạn của tôi hài hước rằng, có 18 đời Vua Hùng mà kéo dài tới 2.622 năm, chẳng phải các Vua Hùng sống thọ quá mức hay sao?

Là người con của quê hương Đất Tổ, tôi cũng đôi lần trả lời bạn bè rằng, truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ là huyền sử nhưng triều đại Hùng Vương là lịch sử. 2.622 năm đó là chiều dài lịch sử của một thời đại chứ không phải là tổng cộng tuổi thọ của 18 vị vua. Hơn 2.600 năm đó, hẳn là có vô số những chiến tranh, ly tán loạn lạc. Và có thể còn có vô số những khoảng thời gian ngôi vương bị bỏ trống, vô số những nhân vật lịch sử không thuộc dòng dõi Hùng Vương nắm giữ quyền lực không được ghi nhận. Tất cả đều có thể.

Tôi cũng từng đọc rất nhiều sách viết về thời đại Hùng Vương và lịch sử giai đoạn Đền Hùng được xây dựng. Theo sử sách và các ghi chép trong thần phả, Đền Hùng được xây dựng trong thời nhà Đinh (968-979) với tên ban đầu là "miếu Hùng", quy mô còn nhỏ. Tới thời Hậu Lê (thế kỷ 15) thì được xây dựng cơ bản có quy mô như hiện tại.

Nhiều người ở xa đến Đền Hùng cũng không biết trong đền có hai ngôi giếng cổ, tang giếng đều bằng đá xanh. Một ngôi giếng cổ có tên là Giếng Ngọc (Ngọc Tỉnh) nằm trong Đền Giếng, tương truyền là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa trong lần lên núi Nghĩa Lĩnh cùng vua cha (Hùng Vương thứ 18) đã gặp một vùng nước lành trong mát, bèn lấy làm nước uống và soi mình trong đó. Giếng được xây lên để tưởng nhớ hai nàng. Giếng này nằm ngay giữa không gian của Đền Giếng. Còn một ngôi giếng nữa là Giếng Rồng, tương truyền là khi Tổ mẫu Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng, nở ra trăm con đã lấy nước giếng này tắm gội cho các hoàng tử.

Loại nước giếng mà thủ đền ngày xưa múc để mời bà con uống là nước từ Giếng Ngọc, trong Đền Giếng chứ không phải từ Giếng Rồng. Ngày nay Giếng Ngọc đã bị đậy nắp, còn Giếng Rồng bị giăng lưới để ngăn nguồn nước bị ô nhiễm do bà con đi lễ thả tiền lẻ xuống. Việc làm này để bảo vệ di tích cũng không có gì sai.

Tôi không nhớ mình từng lên Đền Hùng bao nhiêu lần, nhưng cảm xúc thì lần nào cũng thế. Chỉ có tự hào và tự hào. Vang vọng trong tôi là lời căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người đến thăm Đền Hùng (năm 1954): "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Khi tôi tản mạn những dòng này thì tại Quảng trường Hùng Vương, TP Việt Trì đang diễn ra Lễ khai mạc Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025. Sự kiện do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức, kéo dài từ ngày 1-3 đến 10-3 âm lịch, chắc chắn sẽ đem tới cho nhân dân và du khách gần xa những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa.

TỐNG NGỌC HÂN