QĐND - Giữa năm 1967, tôi được Cục Chính trị Quân Giải phóng (QGP) Trị-Thiên-Huế cử ra miền Bắc công tác. Dịp này, tôi được đến làm việc với Báo Quân đội nhân dân (QĐND), theo lời giới thiệu của đồng chí Lê Thu-nguyên phóng viên Báo QĐND-vừa được Tổng cục Chính trị cử vào làm Tổng biên tập Báo QGP Trị-Thiên-Huế.
Sau lời giới thiệu của đồng chí trực ban, tôi được anh Công Bằng, ở Phòng Thư ký tòa soạn và các anh: Kim Đồng, Công Bí... ở Phòng Biên tập Chính trị niềm nở đón tiếp. Tôi trình bày những hạn chế về trình độ nghiệp vụ, những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện làm báo… Các anh lắng nghe và chia sẻ. Anh Công Bằng với thái độ ân cần, hỏi tôi: "Bây giờ, trong đó các anh cần gì nhất?". Tôi trình bày một cách ngắn gọn: "Giấy và mực in báo, măng-séc báo, một số ảnh bản kẽm về cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam để làm "lương khô" và đặc biệt là vài bức ảnh chân dung Bác Hồ".

Tiễn tôi ra cổng, các anh đều nói: "Chúng tôi sẽ đáp ứng đầy đủ cho các anh trong thời gian ngắn nhất". Anh Kim Đồng ghé vào tai tôi, hỏi nhỏ: "Khi nào trở lại chiến trường cho tôi gửi lời thăm anh Lê Thu và các anh em ở tòa soạn trong đó". Tôi nói: "Chắc cũng gần rồi!".

Hai ngày sau, tôi nhận được những thứ mà Tòa soạn Báo QĐND chuẩn bị. Tôi rất mừng vì số báo Tết của Báo QGP Trị-Thiên-Huế sắp tới sẽ đẹp hơn, sáng sủa hơn, đặc biệt là có ảnh Bác Hồ. Tôi muốn báo ngay vào cho anh em trong tòa soạn để cùng được chia sẻ niềm vui này.

Sau gần chục ngày hành quân, tôi về đến Tòa soạn Báo QGP Trị-Thiên-Huế. Hơn ba tháng xa cách, được gặp lại đầy đủ mọi người an toàn, tôi vô cùng xúc động và phấn khởi. Tòa soạn bắt tay vào chuẩn bị số báo Tết. Cơ quan Cục Chính trị đang chuẩn bị cho một chiến dịch lớn, nhiều đồng chí cán bộ của Cục đã đi xuống các đơn vị để nắm tình hình…

Tác giả Phong Hải (ngồi ngoài cùng bên trái) cùng các cựu phóng viên báo QĐND bên di tích Bác Hồ về thăm Quảng Bình năm 1947, tại của biển Nhật Lệ-Đồng Hới. Ảnh chụp tháng 10-2014. Ảnh: Tuyên Hóa

Tại tòa soạn, tôi báo cáo kết quả làm việc với Báo QĐND, đồng chí Lê Thu, Tổng biên tập cùng các anh trong tòa soạn rất phấn khởi trước tình cảm của "người anh" đối với "người em". Khi trình bày số báo Tết Mậu Thân 1968, măng-séc báo đúc bằng kẽm sắc đẹp, một số ảnh minh họa sinh động rõ nét thay cho ảnh bản khắc gỗ lâu nay. Đặc biệt, ảnh Bác Hồ mặc áo ka-ki màu trắng, mặt hiền từ, mỉm cười, chòm râu bạc trắng thật dung dị, trìu mến, nhìn về phía trước như hướng về miền Nam ruột thịt.

Trong thời gian chuẩn bị số báo Tết, có một sự cố liên quan đến tòa soạn, rất đáng nhớ: Đêm đó, mưa phùn, gió rét, trong căn hầm nửa chìm, nửa nổi của tòa soạn, bên bếp lửa hồng, chúng tôi đang trao đổi lần cuối về số báo Tết, thì một loạt bom tọa độ của máy bay B-57 nổ bên sườn rừng đối diện với tòa soạn, mảnh bom bay rào rào, đất đá tung lên, mùi thuốc bom khét lẹt, lán của chúng tôi gãy gục, mái tung lên như xác pháo. Lúc đó, tôi nhảy xuống hầm, chân bị tê cóng lạnh buốt, ống quần bị ướt, tôi tưởng bị dính mảnh bom, nhưng không phải, lúc nhảy xuống hầm tôi giẫm chân vào soong đựng đầy nước. Rất may, mọi người đều an toàn. Sáng sớm, chúng tôi chia nhau, người vào rừng đốn cây, chặt lá, dựng lại lán, sửa sang lại hầm. Người đi nhặt bài bị bom hất ra xung quanh. Một số bài không tìm được, chúng tôi nhanh chóng viết lại, gửi ra nhà in kịp lên khuôn theo kế hoạch.
Sau khi làm xong số báo Tết Mậu Thân 1968, tôi được Tổng biên tập và Thủ trưởng Phòng Tuyên huấn cử đi tham gia chiến dịch cùng Trung đoàn 6 ở chiến trường. Phóng viên được cử đi theo đơn vị phản ánh những trận đánh của bộ đội, cuộc sống ở cơ sở là niềm vui. Đối với tôi, vừa công tác ở miền Bắc vào, nay được cử đi theo Trung đoàn 6 (Phú Xuân), tham gia chiến dịch lớn, quả là một niềm vui khôn xiết, một hạnh phúc lớn!

Trên đường xuống đơn vị, tôi ghé vào nhà in chào anh em và nhận khoảng 100 tờ báo Tết mang về phát cho đơn vị. Cầm trên tay số báo Tết Mậu Thân 1968 còn thơm mùi mực in, tôi và anh em nhà in tràn đầy niềm vui, ngắm tờ báo Tết không chớp mắt. Báo ra 8 trang, in 3 màu. Trang 1, hình ảnh Bác Hồ cùng với Thư chúc Tết của Người. Phía dưới là bài tùy bút "Quyết giành lại Xuân Độc lập, tự do", cuối trang có câu đối: Tết Đinh Mùi nổi sóng sông Hương nhấn chìm Mỹ, ngụy, giành quyền làm chủ/ Xuân Mậu Thân dựng thành núi Ngự, quét sạch giặc thù, giải phóng quê hương của tác giả Thu Liên. Báo dành cả trang 2 đăng những chiến công đầu Xuân của quân dân Trị-Thiên-Huế trong chuyên mục "Vâng lời Hồ Chủ tịch, dũng mãnh tiến quân vào Đông Xuân quyết thắng". Trang 3 có nhật ký "Tết bên bờ nam sông Bến Hải" và bức tranh khắc gỗ "Sóng Đông Xuân chôn vùi Mỹ, ngụy". Báo dành cả trang 4 và trang 5 là trang văn hóa-văn nghệ Tết Mậu Thân 1968 của cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường Trị-Thiên-Huế. Bài "Xuân nghe lời Bác" của Trường Xuân, có câu: Lời Bác hồi kèn xông trận cuối/ Vui sao tiếng hát khải hoàn ca. Tác giả Dương Ngọc Phúc có bài "Thơ Người-mệnh lệnh bài ca". Nhà thơ Vũ Ngàn Chi (Phạm Ngọc Cảnh) có bài "Huế đọc thơ Anh"-tặng nhà thơ Tố Hữu, cuối bài tác giả viết: 

Huế đọc những thơ

Anh viết tiếp

Gửi trong sắc cờ

Cài trên súng thép

Của những binh đoàn ngoài đó sắp hành quân"

Báo càng thêm sinh động, hấp dẫn với những minh họa, câu đối và bài hát "Tiến lên giải phóng quê hương" của nhạc sĩ Thuận Yến. Trang 6 và 7, dành cho những bài viết kinh nghiệm về công tác huấn luyện, chiến đấu, công tác Đảng-công tác chính trị, công tác binh vận… 

Sáng ấy, trên đường đi xuống đơn vị, trời mưa phùn, đường rừng lầy lội, dép tụt liên tục, ba lô lại nặng thêm, nhưng nghĩ đến số báo Tết-một món quà đặc biệt có ý nghĩa đưa đến tay bộ đội, lòng tôi thật phấn chấn, bước nhanh. Chiều, tôi đến cơ quan trung đoàn. Đã được Cục Chính trị báo trước, mặc dù bận nhiều công việc chuẩn bị cho chiến dịch lớn, nhưng đồng chí Chính ủy trung đoàn vui vẻ đón tôi và trình bày một cách vắn tắt về tư tưởng của bộ đội, quyết tâm, phấn khởi chờ trận đánh mở đầu. Làm việc xong, trời đã nhá nhem, đồng chí chính ủy "chiêu đãi" tôi bữa cơm cuối năm. Nói là bữa cơm "chiêu đãi", nhưng chỉ là hai lưng bát cơm, rau rừng môn thục xào dầu xà lách và mấy con cá suối kho mặn mà đồng chí công vụ bắt được.

Hôm đó, trời mưa phùn, đường trơn, gió rét, sau một ngày đi đường thấm mệt, nhưng sau bữa cơm chiều với chính ủy, tôi xin phép tranh thủ đến làm việc với cơ quan Tuyên huấn. Trước khi làm việc, tôi đưa tập báo cho đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn. Nhìn thấy Báo QGP Trị-Thiên-Huế, số Tết Mậu Thân 1968 với măng-séc màu đỏ tươi, đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn lộ nét mặt rất hài lòng và cảm ơn Tòa soạn Báo QGP Trị-Thiên-Huế. Đồng chí xúc động nói: "Đây là món quà Tết rất có ý nghĩa mà ngày mai-Mồng Một Tết Mậu Thân-Trung đoàn 6 sẽ đưa vào tặng bà con ở thành phố Huế. Thời niên thiếu, Bác Hồ đã từng theo gia đình vào sống và học tập ở Huế. Sáng mai, nhận được Báo QGP Trị-Thiên-Huế có ảnh Bác Hồ, bà con Huế coi như được đón Bác vào thăm, vào ăn Tết, cùng đón Tết với quân-dân Huế. Chắc bà con mình thỏa lòng lắm". 

Nhìn chồng báo, đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn quay lại, nói với tôi như vẻ trách móc: "Sao, chỉ có từng ấy thôi ạ?". Biết ý của đồng chí Trưởng ban, tôi nói ngay: "Đây là quà tôi mang xuống biếu cơ quan trung đoàn, còn các đơn vị của trung đoàn, của quân khu, quân bưu đã mang đến đầy đủ". Đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn cười mãn nguyện.

Ngoài trời tối om, mưa dầm, gió bấc rét buốt, trong căn hầm nửa chìm nửa nổi, bên bếp lửa hồng ấm áp, tôi bắt tay vào "tác nghiệp" với đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn. Tôi chăm chú lắng nghe và ghi chép một cách đầy đủ những câu chuyện mà đồng chí trưởng ban kể, về quyết tâm chiến đấu của các đội đặc công, về công tác chuẩn bị, đặc biệt là chuẩn bị về thao trường, về cách đánh phù hợp với thành phố, về việc thực hành phối hợp giữa các mũi trinh sát của trung đoàn với các đội biệt động, giao liên của thành phố; về việc vận động, bảo vệ đồng bào nổi dậy cùng phối hợp với bộ đội đánh địch, tiếp tế, tải thương… Mặc cho bom tọa độ của máy bay B-57 thỉnh thoảng nổ chát chúa, pháo địch ở quận Hương Trà, đồn An Lễ bắn cầm canh lên dốc ồ ồ, Hòa Vượn… chúng tôi vẫn làm việc cho đến quá nửa đêm mới đặt lưng xuống nghỉ.

Sáng 30 Tết, tôi phải xuống lấy tư liệu ở Đơn vị pháo binh ĐKB, là đơn vị pháo tên lửa mặt đất được vinh dự phát hỏa vào thành nội Huế, báo hiệu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân-1968 ở Huế bắt đầu. Rồi lại phải đến Phân đội Đặc công-đơn vị đột phá cửa Chánh Tây thành phố Huế, mở cửa cho cơ quan trung đoàn vào thành nội. Mỗi đơn vị ở cách xa chừng vài ba ki-lô-mét, nhưng đường rừng, leo dốc, bụng lại đói nên phải đi mất 2-3 giờ mới đến. Đến nơi phải tranh thủ làm việc, gặp từng chiến sĩ, hỏi từng công việc; tâm tư, ý nghĩ của từng cán bộ, chiến sĩ trước giờ vào trận đánh lớn vào thành phố lớn, mà lâu nay anh em chỉ đánh ở rừng núi, hoặc phục kích đánh địch ở đồng bằng, giáp ranh thôi.
Khi mặt trời hắt những tia nắng chiều xuống đường rừng, từ các nẻo đường của đại ngàn Trường Sơn, bộ đội, lực lượng biệt động, dân công… hớn hở hành quân rầm rập về vị trí tập kết theo kế hoạch. Lúc này, tôi cũng theo kịp cơ quan Trung đoàn 6 và nhập vào hàng quân tiến về thành phố Huế.

Đoàn quân ra gần đến cửa rừng thì chiếc máy bay trinh sát từ hướng Phú Bài bay đến. Sau mấy vòng quần liệng trên bầu trời giáp ranh, chiếc máy bay vè vè chuồn về hướng Đông. Trường Sơn đã che chở cho đoàn quân ta và bịt mắt kẻ thù. Gần đến vị trí tập kết Hòn Vượn, bộ đội được lệnh dừng lại. Tiếng cười nói râm ran. Khói thuốc lá thơm bay trong gió. Giọng của một ai đó: "Bây giờ tranh thủ hút vài hơi cho đỡ thèm, chứ đêm nay là cấm tiệt". Phía sau, đồng chí liên lạc mồ hôi nhễ nhại, mặt hớn hở chạy đến. Mọi người nhìn vào đồng chí liên lạc và hỏi dồn: "Chắc có chuyện gì quan trọng?". Đồng chí liên lạc giơ lên một cuộn giấy to tướng. "Báo QGP Trị-Thiên-Huế số Tết đây, đẹp lắm!".

Mọi người vây lấy đồng chí liên lạc truyền nhau tờ báo.

- Chà! ảnh Bác Hồ đẹp quá! Lại có cả Thư chúc Tết của Bác Hồ nữa!

- Bà con mình ở Huế nhìn thấy ảnh Bác Hồ chắc vui mừng lắm đây!

Giọng của đồng chí Đại đội trưởng như ra lệnh: "Phát về cho các trung đội đọc",

rồi nói tiếp:

- Bây giờ chúng ta tranh thủ đọc, rồi cầm theo để ngày mai vào Huế tặng cho bà con làm quà Tết Mậu Thân.

- Sáng kiến hay! Tuyệt vời!

Đồng chí trung đội trưởng vỗ tay mấy cái như có ý ra lệnh cho bộ đội im lặng, rồi dán mắt vào tờ báo đọc to: 

"Xuân nay hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!".

Rồi trung đội trưởng nói như tâm sự cùng chiến sĩ: "Đêm nay, chúng ta sẽ thực hiện lời chúc Tết của Bác Hồ. Ở Hà Nội đêm nay, Bác đang theo dõi đoàn mình hành quân vào Huế, chắc Bác vui lắm! Một chiến sĩ nắm chắc khẩu AK đứng dậy nói to: "Không chỉ Bác, mà đồng bào cả nước đều nức lòng. Nhất định chúng ta phải đánh thắng trận mở màn, làm chủ thành Huế".

Mặt trời đã lặn, màn đêm kéo xuống. Đoàn quân đã xuống dốc Hòn Vượn, tiến về phía thành phố Huế. Đồng chí phóng viên quay phim đứng trên một tảng đá xoay người tìm góc quay thích hợp, bấm máy rè rè đều đặn. Bộ đội vỗ tay reo to:
- Hoan hô đồng chí quay phim! Phải quay thật đẹp vào nhé! Dành nhiều phim để ngày mai quân ta vào Huế, quay cảnh chiến thắng nghe! 

PHONG HẢI