Nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú-tác giả của rất nhiều cuốn sách và bài báo về phòng, chống bạo hành trẻ em đã nhắn nhủ những người làm cha, làm mẹ trong thời đại 4.0 như vậy. Trẻ em được quyền sống trong môi trường an lành và giàu tình yêu thương.
Những nguy cơ từ thế giới mạng

Trong buổi lễ chia tay ở một trường tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, các nhóm học sinh lớp 5 đã trình diễn bài nhảy vô cùng sôi động và “bốc lửa” như những nghệ sĩ lớn tuổi. Ở phía khán giả, nhiều cô bé, cậu bé hào hứng chụp ảnh, quay video bằng những chiếc máy điện thoại thông minh của mình, có em còn phát chương trình văn nghệ ấy trực tiếp lên mạng xã hội. Một số phụ huynh tỏ vẻ ngạc nhiên với việc sử dụng thành thạo công nghệ số của các con, trầm trồ: “Học sinh thời nay sướng thật!”. Theo các cô giáo cho biết thì việc học sinh tiểu học được bố mẹ sắm cho máy tính bảng và điện thoại thông minh mang đến trường như vậy không phải là hiếm. Thậm chí, một số em còn nghe nhạc, chơi game ngay trong giờ học và giờ ngủ trưa. Lại có em dùng điện thoại thông minh chụp ảnh, quay phim các bạn nữ rồi chế tác thành những hình ảnh, clip để trêu đùa các bạn…

Quả thực, việc trẻ em được sở hữu và sử dụng công nghệ số có kết nối internet ở nước ta hiện nay đã trở nên phổ biến. Thế giới công nghệ số đã mang lại rất nhiều tiện ích và cơ hội cho con người, trong đó có trẻ em. Không chỉ trẻ em bậc tiểu học, THCS mà kể cả các bé bậc mầm non 3-5 tuổi đều cảm thấy thích thú khi được bố mẹ cho chơi smartphone, máy tính bảng, máy vi tính. Các bé có thể bấm những ứng dụng trò chơi, phim, ảnh... trên đó mà không cần bố mẹ hướng dẫn. Điều này cho thấy trẻ em hiện nay rất nhanh nhạy tiếp cận công nghệ hiện đại. Kho tri thức, kiến thức khổng lồ từ internet cũng giúp cho việc học tập, nghiên cứu, khám phá những vùng đất mới trên thế giới của trẻ dễ dàng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thế giới công nghệ số và internet cũng dẫn tới không ít hệ lụy và nguy hiểm khó lường đối với thế hệ măng non.

leftcenterrightdel
Đam mê của trẻ em thời công nghệ 4.0 là nỗi lo của nhiều bậc cha mẹ. Ảnh: TRỌNG HẢI

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc cho trẻ chơi điện thoại di động, điện thoại thông minh trong nhiều giờ là rất nguy hiểm bởi tác động của bức xạ từ điện thoại có thể làm rối loạn tuần hoàn não, nguy cơ bị ung thư não, biến đổi ADN… Sự gia tăng các hội chứng, bệnh ở trẻ em trong thời gian gần đây như: Cận thị, rối loạn thần kinh mắt, béo phì, vẹo cột sống, tự kỷ, trầm cảm, vô cảm có nguyên nhân một phần từ việc trẻ em chơi điện thoại hoặc xem ti vi quá nhiều. Nguy hiểm hơn, việc sử dụng các thiết bị có kết nối mạng thiếu kiểm soát đã khiến nhiều trẻ em, nhất là trẻ em gái trở thành nạn nhân của các vụ bạo hành, xâm hại tình dục, lừa đảo, buôn bán trẻ em qua mạng. Hàng loạt vụ việc liên tục được phát hiện gần đây khiến cho người lớn đau xót khi những trẻ em bỏ nhà ra đi và bị xâm hại hoặc rơi vào con đường phạm pháp do học theo, bắt chước hành vi lệch chuẩn của kẻ xấu, tiếp xúc các trang web đen, trò chơi, phim ảnh có tính chất bạo lực trên mạng. Số liệu khảo sát của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cùng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội năm 2018 cho thấy, hiện có khoảng 36,4% trẻ em ở Việt Nam có những trải nghiệm không mong muốn liên quan đến bạo lực, 13,2% trẻ buộc phải tiếp xúc không mong muốn với tài liệu khiêu dâm, 15,7% trẻ em gặp phải hành vi dụ dỗ tình dục qua mạng và 2% trẻ nhận được yêu cầu tiết lộ thông tin cá nhân, hình ảnh không mong muốn…

Tạo lập môi trường an toàn cho trẻ em

Bức xúc trước thực trạng liên tục xuất hiện các vụ bạo hành và thông tin bí mật đời tư của trẻ em trên mạng trong thời gian qua, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) khẳng định: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng mặt trái của môi trường mạng. Nhiều thông tin xấu độc, clip không lành mạnh, nói tục chửi thề tung lên mạng mà lại được nhiều người tung hô. Trẻ em lại là đối tượng bắt chước và làm theo rất nhanh những hành vi xấu, lệch chuẩn đó. Theo ông, một phần trách nhiệm trong việc này thuộc về cơ quan giáo dục nhưng trách nhiệm chính phải là cơ quan thông tin truyền thông các cấp và an ninh mạng. Cần tăng cường kiểm soát, sàng lọc nội dung thông tin, video, hình ảnh, ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, hình ảnh gây nguy hại đối với trẻ em, xâm phạm quyền trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời cũng quyết liệt triển khai các chế tài xử lý những hành vi vi phạm như tung thông tin xấu độc, sản phẩm không phù hợp với văn hóa xã hội lên mạng, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của người Việt. Kịp thời xử lý các cơ quan thông tin, truyền thông vi phạm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em khi phản ánh các vụ việc xâm hại trẻ em…

Tại cuộc hội thảo về “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” vừa qua, PGS, TS Lê Quý Đức, nguyên Trưởng khoa Văn hóa-Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tác động của những hình ảnh bạo lực, hành vi xâm khích được lan truyền trên các mạng truyền thông là nguyên nhân rất căn bản gây sốc tâm lý cho giới trẻ. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn do những yếu tố khách quan, bên ngoài tác động đến con em mình được! Một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, sự xuống cấp về đạo đức lối sống, nhận thức lệch lạc của thế hệ trẻ hiện nay là người lớn không kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội, internet của con em mình từ lúc còn nhỏ trong gia đình. Chúng ta phải bảo vệ được con em mình từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội.

Với hành trình miệt mài hơn 20 năm làm báo cho trẻ em, 12 năm lắng nghe tâm sự của trẻ mới lớn, nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú, anh Chánh Văn một thời của Báo Hoa học trò đã đúc rút ra điều quý giá rằng: “Trẻ có thể trở thành thiên tài hay không vẫn không bằng sự an toàn của trẻ”. Chính vì thế, khi biên soạn cuốn “Cùng con nhận biết và phòng, chống bạo hành”, anh cũng nhấn mạnh: “Cuốn sách này vì sự an toàn của con bạn mà xuất bản”. Luôn lấy sự an toàn của con đặt lên hàng đầu, theo anh, bố mẹ hãy dành thời gian trò chuyện với con, lắng nghe cơ thể con, cùng con trưởng thành mỗi ngày, làm sao để không cần roi vọt mà vẫn đủ yêu thương… 

“Vì có chúng em nên đời sống mãi không già/ Vì có chúng em nên mặt đất luôn nở hoa”. Mỗi chúng ta hãy quan tâm, bảo vệ, che chở con em mình để những bông hoa nhỏ được sống trong môi trường trong lành và mai này tỏa ngát hương thơm cho đời.

Cứ 3 người sử dụng internet trên toàn thế giới thì có một người là trẻ em. Mặc dù có rất nhiều trẻ em sử dụng internet nhưng hành động để bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro của thế giới kỹ thuật số và tăng khả năng truy cập nội dung trực tuyến an toàn lại rất ít. (Nguồn: Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc-UNICEF)
Trong hai năm 2017-2018, cả nước ta xảy ra 3.139 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó có 2.643 vụ xâm hại tình dục. 3 tháng đầu năm 2019 có 310 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) đã hỗ trợ, can thiệp 214 ca xâm hại tình dục trẻ em năm 2017 và 250 ca năm 2018 (tăng 36 ca so với năm 2017). Các vụ xâm hại tình dục trẻ em được tổng đài 111 kết nối, can thiệp xảy ra nhiều nhất ở các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh (37 ca); Đắc Lắc (26 ca); Thanh Hóa (21 ca); Hà Nội (19 ca); Cà Mau (16 ca); Bình Dương (16 ca); Đồng Nai (14 ca)... (Nguồn: Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)

HÀ THANH MINH