Tôi nhớ rất rõ lúc tôi chừng mười tuổi theo má bơi xuồng ra chợ nổi. Đó là những buổi sáng sớm vào mùa nước lên, đường sá chìm hết trong biển nước. Má ngồi sau lái còn tôi bơi mũi, hướng về phía chợ Mương Chùa. Gọi là “chợ” nhưng chỉ là một khoảng đồng rộng mênh mông nước, bà con bơi xuồng lại đó, mua bán gì cũng lênh đênh trên mặt nước. Xuồng của má con tôi tới chợ lúc tờ mờ sáng nhưng đã thấy các xuồng khác đậu ở đó từ lâu. Trên xuồng ai cũng chở theo những sản vật thu hoạch được để bán, chủ yếu là cá mắm và các loại rau đồng.

Hồi đó, quê tôi vào mùa khô vẫn có những chợ nổi hoạt động nhưng tập trung ở giữa con sông Cái. Mấy ghe lớn đi thu mua nông sản, trái cây từ khắp nơi chở về đây bán lại cho những ghe xuồng nhỏ hơn để bơi theo mương rạch bán lẻ. Người dân thích mua đồ tại chợ nổi vì giá lúc nào cũng rẻ hơn. Nhưng, theo dòng chảy của thời gian, bên cạnh giữ được chức năng mua bán truyền thống, nhiều nơi bà con đã biết khai thác chợ nổi như một sản phẩm du lịch, như chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), Long Xuyên (An Giang), Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Bảy (Hậu Giang)... Tiếc là cách khai thác giá trị của các chợ nổi chưa thực sự hiệu quả khiến khách tham quan thấy nhàm chán, đi rồi không muốn trở lại.

leftcenterrightdel

Hai chiếc xuồng bằng xi măng khiến cảnh quan bờ sông Ngã Bảy (Hậu Giang) không còn vẻ thơ mộng. Ảnh: TRƯƠNG CHÍ HÙNG 

Cuối tuần qua, mấy chị ở miền Đông Nam Bộ đến chơi và nhờ tôi tổ chức tham quan chợ nổi Long Xuyên. Để đón bình minh và chứng kiến hoạt động mua bán trên sông, cả đoàn phải đi từ rất sớm. Đúng 5 giờ 30 phút, chúng tôi có mặt ở bến phà Ô Môi, cùng lên chiếc ghe tam bản chạy ra chợ nổi. Thời gian di chuyển trên sông chưa đầy 20 phút thì chủ ghe thông báo chợ nổi ngay trước mặt.

Tôi quan sát thấy nhiều người trong đoàn có vẻ hơi hụt hẫng vì trong sự hình dung của họ, chợ nổi phải đông đúc hơn, sôi động hơn rất nhiều so với những gì đang chứng kiến. Vài chiếc ghe lớn neo lại giữa sông, trên có cắm cây “bẹo” treo khoai mì, củ sắn, dưa hấu, dừa khô. Đó là tất cả mặt hàng chính được bán ở chợ nổi Long Xuyên. Tiếc là ghe bán hàng đậu lưa thưa mà ghe mua hàng còn ít hơn nên du khách hầu như không chứng kiến được hoạt động mua bán trên sông. Thay vào đó, họ phải nhìn cảnh những người trên ghe mới thức dậy, làm vệ sinh cá nhân và rất nhiều rác dân thương hồ xả xuống dòng sông.

Tôi phải giải thích với cả đoàn là hiện nay hoạt động lưu thông đường bộ ở miền Tây khá thuận lợi nên việc bán mua trên sông không còn nhộn nhịp như trước. Hơn nữa, có nhiều mặt hàng khó bảo quản lâu, nếu chuyên chở bằng ghe từ ruộng vườn tới chợ nổi dễ hư hỏng nên bà con không còn thiết tha với mô hình này. Dù cố gắng thuyết minh thêm những giá trị văn hóa sông nước nói chung và chợ nổi nói riêng, nhưng cả buổi sáng hôm ấy tôi cảm giác các vị khách của mình không vui, không thỏa mãn thị hiếu.

Chú Nguyễn Văn Tám còn gọi là “Tám đò” vì có thâm niên gần 30 năm chở khách đi mua bán, tham quan chợ nổi Long Xuyên cũng không giấu được sự tiếc nuối khi nhắc về “một thời vang bóng”. Khi ấy, chú trạc hai mươi, chèo chiếc ghe chở bạn hàng từ chợ Long Xuyên ra chợ nổi giữa sông Hậu cho họ mua hàng hóa đem lên bờ bán lại. Chợ khi ấy đông lắm, lúc nào cũng hàng trăm ghe xuồng lớn nhỏ đậu chen chúc nhau. Tiếng nói cười, tiếng dầm chùa vang động từ gà gáy hiệp nhứt cho tới gần đứng bóng mới tan dần. Còn bây giờ, chợ vẫn ở đó nhưng không còn nhộn nhịp nữa. Người mua bán lưa thưa, du khách thì khi có khi không. Thu nhập của chú Tám ít hơn thời trước chú không buồn mà chỉ thấy nhớ da diết cái thời trên bến dưới thuyền tấp nập, giờ đây khó tìm được nơi đâu. Chú năm nay đã 60 tuổi, tóc bạc gần hết mái đầu, mắt nhìn xa xăm xuôi dòng sông Hậu sẻ chia với chúng tôi nỗi lòng trắc ẩn.

leftcenterrightdel

Chợ nổi Long Xuyên (An Giang) thưa thớt kẻ bán người mua. Ảnh: TRƯƠNG CHÍ HÙNG 

Lần khác, khi đồng hành cùng một nhóm bạn trẻ tham quan chợ nổi Cái Răng, tôi cũng chứng kiến sự thất vọng tương tự. Ngoài ghe xuồng xuôi ngược trên sông với hoạt động mua bán khá tẻ nhạt, du khách khó có thể trải nghiệm gì nhiều khi đi chợ nổi. Họa chăng may mắn gặp những hôm thời tiết đẹp, ngồi hoặc đứng ở mũi ghe chụp một bức ảnh sống ảo để khoe với bạn bè. Các ghe hàng bán nước giải khát và đồ ăn trên chợ nổi cũng bị một số du khách phàn nàn là không ngon mà giá tương đối cao. Nhiều người tham quan chợ nổi xong thẳng thừng bảo sẽ không bao giờ quay lại nữa vì chẳng thấy gì hấp dẫn.

Chợ nổi Ngã Bảy (còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp) dù hình thành hơn trăm năm hiện nay cũng chung số phận. Người dân bán mua bằng xuồng, ghe trên khúc sông giờ rất thưa thớt, chủ yếu là các ghe tam bản chở củi tràm từ Kiên Giang chạy lên rồi đậu lại, chờ các hầm đốt than gọi vào giao củi, xong thì chạy ghe về.

Nhìn quang cảnh bình yên của bến sông này khó ai có thể hình dung nơi đây từng là “kinh đô sông nước” một thời, là chợ đầu mối trên sông lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Lang thang dọc bờ sông Ngã Bảy, tôi bắt gặp một bức ảnh khổ lớn đặt ở vị trí trang trọng tại bến chợ. Trong ảnh, mấy chục chiếc xuồng ghe đậu san sát nhau, hàng hóa đầy ăm ắp. Người mua bán trong ảnh thì mặt mày ai cũng rạng rỡ, hoàn toàn đối lập với thực tế khi dòng sông vắng bóng xuồng, ghe.

Như muốn tô điểm thêm cho sự “hoài cổ” của bà con, chính quyền sở tại cho xây hai chiếc xuồng thật lớn bằng xi măng và các vật liệu công nghiệp rồi đặt cạnh bức ảnh. Tuy vậy, dân sông nước như tôi nhìn hai chiếc xuồng giả ấy thì không thể nào thích thú nổi bởi nó trông chẳng ăn nhập gì với sự thơ mộng của cảnh vật xung quanh. Tôi lại nhớ tới hình ảnh chú Tám đò ở chợ Long Xuyên với ánh mắt đượm buồn khi nhắc về chợ nổi những ngày xưa cũ. 

Có thể nói, sự xuống cấp và bấp bênh trong việc khai thác du lịch tại các chợ nổi ở miền Tây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho người dân và các cơ quan chức năng. Đã đến lúc, chúng ta phải thừa nhận, làm du lịch một cách tự phát, bằng những sản phẩm du lịch có sẵn đôi khi thiếu bền vững. Các địa phương ở miền Tây cần quy hoạch lại du lịch, thiết kế các sản phẩm độc đáo, ổn định nếu muốn phát triển lâu bền. Ví như khi hoạt động mua bán tự phát của người dân không còn nhiều như trước, chúng ta không thể đưa du khách đến, bắt họ bỏ tiền ra nhưng chẳng có gì thú vị để trải nghiệm. Thay vào đó, chính quyền sở tại, đặc biệt là các cơ quan quản lý du lịch nên phục dựng chợ nổi ở một khúc sông có cảnh quan đẹp, vườn cây ăn trái, các làng nghề truyền thống, hoạt động đánh bắt cá miệt sông nước, đờn ca tài tử... Với không gian tích hợp nhiều sản phẩm du lịch như thế chắc chắn sẽ chinh phục được thị hiếu của du khách.

leftcenterrightdel
 Ông Tám đò (phải) thu mua khóm tại chợ nổi Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ảnh: TRƯƠNG CHÍ HÙNG 

Cũng từ những “nốt trầm” ở chợ nổi miền Tây, chúng ta cần nghĩ đến cách xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, thay vì chỉ dựa vào tài nguyên sẵn có. Nhiều năm qua, du lịch xứ này tận dụng khá triệt để cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa bản địa, sản vật đặc trưng...

Có điều, việc khai thác tự nhiên làm du lịch phải được tính toán chừng mực, không thể lạm dụng quá mức. Bởi đặc trưng văn hóa vùng miền cũng có dấu hiệu biến đổi, mai một; sản vật thì ngày càng sụt giảm, khan hiếm. Chính vì thế, muốn duy trì và phát triển du lịch, thiết nghĩ miền Tây phải năng động hơn trong việc tạo ra sản phẩm du lịch mới dựa trên tiềm năng của mỗi địa phương. Công việc này đòi hỏi sự quyết tâm của các cơ quan chức năng, sự chung tay đóng góp ý tưởng của các chuyên gia du lịch và sự đồng lòng của người dân. Chắc chắn có những khó khăn, thử thách đáng kể, nhưng đây là vấn đề cấp thiết, cần sớm thực hiện để vực dậy mảng du lịch miền Tây với quá nhiều bất cập.

Là người con của miền Tây sông nước, tự đáy lòng, tôi mong muốn chợ nổi sẽ được vực dậy chứ không còn bấp bênh như hiện nay. Tôi kỳ vọng những giải pháp cải tạo chợ nổi sẽ đi vào thực tế chứ không còn là những bàn luận tại hội thảo, trong các cuộc họp hay thậm chí là lúc trà dư tửu hậu. Chẳng hiểu sao, chỉ cần nghĩ tới một ngày nào đó, chợ nổi sẽ căng tràn sức sống như “thời hoàng kim” của nó, lòng tôi lại khấp khởi, hân hoan. Lúc ấy, chắc tôi sẽ chạy thật nhanh về để chia vui với chú Tám đò. Tôi cũng sẽ về nhà, thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên và khoe với má: “Chợ nổi quê mình đã tấp nập trở lại rồi, không “chìm” được đâu, má ơi”!

Ghi chép của TRƯƠNG CHÍ HÙNG