QĐND - Đứng chân trên địa bàn giáp ranh giữa ba tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang, chợ nổi Cái Bè đã nổi tiếng hàng trăm năm qua và hiện trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, trong những ngày cuối năm, chợ càng thêm tưng bừng không khí Tết.

Tấp nập chợ nổi Cái Bè.

Xuất hiện từ thời nhà Nguyễn, chợ nổi Cái Bè, thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nhanh chóng chiếm vai trò quan trọng trong kết nối giao thương giữa vùng Đông và Tây Nam Bộ. Trước kia, chợ chỉ họp từ khoảng 2 giờ đến 8 giờ sáng. Nhiều năm trở lại đây, khi nhu cầu giao thương ngày càng phát triển mạnh, chợ nổi Cái Bè hoạt động suốt ngày đêm. Hàng ở chợ rất đa dạng, trong đó nhiều nhất là nông sản và đồ dùng gia đình, đặc biệt là các loại trái cây và các món ẩm thực miệt vườn như: Hủ tiếu, bánh canh… Từ chợ Cái Bè, hàng hóa được đưa lên các chợ trên đất liền, sang lại cho các ghe, tàu nhỏ hoặc phân phối dọc theo các dòng kênh, sông chằng chịt của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.

Những ghe, thuyền phục vụ du khách các đặc sản vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Du khách nước ngoài thích thú thăm chợ nổi Cái Bè.

Từ một đầu mối giao thương, bằng những nét độc đáo của một chợ nổi vùng sông nước, chợ Cái Bè đã trở thành một địa điểm thu hút hàng vạn lượt khách du lịch mỗi năm. Đến với Cái Bè, du khách được chìm đắm trong một không gian "nguyên chất" miền Tây. Hàng trăm chiếc ghe, thuyền đổ vào khu chợ lúc sáng sớm như làm sống dậy cả một khúc sông. Có rất nhiều chiếc từ miệt vườn xa xôi về đây buôn bán, trao đổi hàng hóa càng làm cho nơi đây thêm phong phú, đa dạng các loại mặt hàng, từ quần áo, vải vóc cho đến đồ gia dụng, các mặt hàng thủy, hải sản… Đặc biệt, với lợi thế là huyện có nhiều vườn cây ăn trái nhất tỉnh Tiền Giang, lại có các loại trái cây ngon nổi tiếng như: Cam sành, cam mật, xoài cát… Cái Bè đã góp phần cung cấp cho khu chợ những hàng hóa phong phú và đa dạng. Chưa hết, thăm thú chợ nổi Cái Bè, du khách còn tìm thấy rất nhiều đồ ăn, thức uống hay dễ dàng bị thu hút bởi bức tranh thủy mặc được chấm phá bằng những dãy phố nằm dọc theo bờ sông, ẩn hiện dưới hàng dừa nước, những rặng bần đung đưa trong gió, bởi những vườn nối vườn, sông nối sông, rạch đan với nhau… một vẻ đẹp thuần quê, đậm chất miệt vườn.

Bài và ảnh: NGUYỄN VÕ XUÂN